Vietstock - Vụ doanh nghiệp “kêu cứu” ở Nha Trang: Đổi đường lấy đất, tỉnh không thể hai lời
Thời gian qua, báo Lao Động đã đăng loạt bài “Dồn tâm huyết đầu tư dự án ở Nha Trang, một doanh nghiệp TPHCM kêu cứu”, phản ánh Công ty CP bất động sản Quang Thanh (nay là Công ty TNHH Phúc Hậu Tứ Hải) đổ vốn đầu tư Khu đô thị Vườn Tài (TP Nha Trang) từ năm 2011, đến nay có nguy cơ bị UBND tỉnh Khánh Hoà thu hồi dự án...
Sau phản ánh của báo Lao Động, ngày 2.10.2017, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Trần Hoài Nam đã ban hành văn bản số 2515/SKHĐT-DN gửi UBND tỉnh, với tư cách là cơ quan tham mưu.
Tại văn bản này, Sở Kế hoạch – Đầu tư cho biết: UBND tỉnh đã đồng ý cho nhà đầu tư được sử dụng tiền sử dụng đất dự án khu đô thị Vườn Tài để đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông số 74, lộ giới 35m, tại văn bản số 963/UBND-XDNĐ ngày 2.3.2012 và văn bản số 5297/UBND-XDNĐ ngày 24.9.2012.
Tin tưởng vào sự cho phép trên, suốt 5 năm qua, Công ty Phúc Hậu Tứ Hải chi 20 tỉ đồng để ứng tiền bồi thường trước cho các hộ dân và đã triển khai thi công xây dựng đường 74, theo hồ sơ đã được duyệt.
Ông Trương Văn Quang – Tổng giám đốc Công ty Phúc Hậu Tứ Hải – nói: “Khảo sát giá đất lúa chuyển nhượng tại khu vực dự án Vườn Tài, chi phí bồi thường 5,8 ha đất do UBND xã quản lý chỉ gần 6 tỉ đồng – nhỏ hơn chi phí chúng tôi đã bỏ ra để thi công đường 74. Vì vậy, phải hiểu việc đổi đường lấy đất mà UBND tỉnh chủ trương, cho phép, coi như chúng tôi đã thực hiện và thoả thuận xong với nhà nước và đang chờ các thủ tục tiếp theo”.
Bất ngờ, ngày 10.4.2017, tại Thông báo số 192/TB-UBND, UBND tỉnh Khánh Hoà lại... đổi ý, không cho Công ty Phúc Hậu Tứ Hải sử dụng tiền sử dụng đất dự án Vườn Tài để đầu tư xây dựng đường giao thông 74 (?!).
Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng văn phòng luật sư Tín Nghĩa (TPHCM) – cho rằng: “Đổi đường lấy đất là một chủ trương đúng đắn, nhằm huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế để đầu tư công trình giao thông phục vụ nhân dân. Doanh nghiệp đã nghiêm túc bỏ vốn đầu tư, trực tiếp thi công... Đột ngột, sau 5 năm, chính quyền đổi ý, huỷ bỏ chủ trương do chính mình ban hành là không ổn.
Một chủ trương, một chính sách của chính quyền ban hành phải hiểu đó là luật pháp. Luật pháp đó định hướng, dẫn dắt từng cá nhân, tổ chức, xã hội thực hiện... Vì vậy, đã là luật pháp, chính sách, thì không thể hai lời. Trong trường hợp này, nếu có sự đổi ý, từ UBND tỉnh Khánh Hoà, thì ai gánh chịu thiệt hại cho doanh nghiệp?”
Cao Hùng