Vietstock - VPBank có gì khi lên sàn với giá tham chiếu 39,000 đồng/cp?
Với giá tham chiếu chào sàn 39,000 đồng/cp, cao hơn thị giá hiện nay của ngân hàng có thị giá lớn nhất là Vietcombank, VPBank có gì hấp dẫn nhà đầu tư?
Hiện đang có 9 ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết cổ phiếu gồm VCB, BID, CTG, STB, EIB, MBB, ACB, SHB và NVB. 2 ngân hàng có cổ phiếu đang giao dịch trên UPCoM gồm VIB và KLB. |
Ngày 17/08/2017, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) sẽ đưa hơn 1.33 tỷ cp lên giao dịch phiên đầu trên HOSE với giá tham chiếu 39,000 đồng/cp. Mức giá này cao hơn cả thị giá hiện tại của ông lớn Vietcombank và đứng đầu nhóm cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên HOSE, HNX và UPCoM. Theo đó, quy mô vốn hóa của VPBank tính theo giá tham chiếu chỉ còn đứng sau Vietcombank, BIDV và VietinBank.
Tuy giá cổ phiếu thuộc “Top” nhưng VPBank được kỳ vọng sẽ tăng trưởng sau lên sàn. Trong Báo cáo phân tích gần đây, CTCK Bản Việt định giá giá mục tiêu cuối cùng của cổ phiếu VPBank là 55,000 đồng/cp. Vốn chủ sở hữu khả quan nhất trong khung thời gian 24 tháng là 96,200 tỷ đồng, tương ứng với giá cổ phiếu 64,228 đồng/cp.
Trước đây, cuối năm 2013, sau khi cổ đông chiến lược nước ngoài - Ngân hàng OCBC (Overseas Chinese Banking Corporation Limited) Singapore rút toàn bộ 14.88% vốn (gần 86 triệu cp VPBank) thì VPBank không còn nhà đầu tư nước ngoài nào sở hữu cổ phần. Tuy nhiên, hiện nay, tính đến cuối tháng 7/2017 thì cổ đông nước ngoài (tổ chức) đang nắm 22.34% vốn của ngân hàng này. Đặc biệt, theo thông tin từ báo chí, cổ phiếu VPBank cũng thu hút khối lượng đặt mua lớn từ các nhà đầu tư ngoại sau một số buổi giới thiệu cơ hội đầu tư tại thị trường nước ngoài. Theo đó, khối lượng đặt mua gấp tới 4 lần kế hoạch chào bán lượng cổ phiếu tương đương 11% vốn điều lệ ban đầu của VPBank. Ngân hàng đã lựa chọn 50 trên tổng số 90 nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mua với giá bán bằng giá chào sàn ở mức 39,000 đồng/cp, những cái tên nổi bật có thể kể đến như GIC, Deccan, Clermont, Dragon Capital…
Sẽ phát hành tối đa 5% cho IFC, chào bán riêng lẻ 164.71 triệu cp
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (trước đây có tên gọi là Ngân hàng TMCP các Doanh nghiệp Ngoài Quốc doanh Việt Nam), thành lập tháng 8/1993 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Sau 23 lần tăng vốn, vốn điều lệ của VPBank hiện là 14,059 tỷ đồng, đứng thứ 10 trong hệ thống các ngân hàng Việt Nam.
Xét về tổng tài sản, tính đến cuối quý 2/2017, tổng tài sản của VPBank chỉ ở khoảng 250 ngàn tỷ đồng, cách xa con số hơn 1 triệu tỷ đồng của 3 ông lớn Agribank, BIDV, VietinBank và đứng thứ 8 trong nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Nhưng VPBank lại là ngân hàng đứng đầu về tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA). 6 tháng đầu năm 2017, ROEA của ngân hàng này lên tới 14.2% và ROAA 1.09%, cao hơn hẳn các ngân hàng còn lại. Lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm hơn 2,600 tỷ đồng, chỉ đứng sau 3 “ông lớn” quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV).
ROAA và ROEA của một số ngân hàng nửa đầu năm 2017
Đơn vị tính: %
Nguồn: VietstockFinance
|
Năm 2018, Ngân hàng này đặt kế hoạch khá tham vọng với lợi nhuận sau thuế lên tới 8,500 tỷ đồng, ngang với Vietcombank; cổ tức 15%. ROE mục tiêu năm 2018 là 25.5%, cao hơn cả VietinBank, Vietcombank và BIDV.
Cuối tháng 7/2017, HĐQT VPBank đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 164.71 triệu cp cho một số nhà đầu tư trong nước với giá chào bán 39,000 đồng/cp.
Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ VPBank đã thông qua Nghị quyết ngày 01/08/2017 về việc phê duyệt khoản vay thương mại trung hạn kèm quyền chuyển đổi thành cổ phần phổ thông từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Trong đó, VPBank dự kiến sẽ phát hành tối đa 5% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành của VPBank tại thời điểm chuyển đổi cho IFC. Trong năm 2016, VPBank cũng vừa nhận gói tài trợ thương mại trị giá 133 triệu USD từ IFC.
“Gà đẻ trứng vàng” FE Credit
Hoạt động kinh doanh của VPBank kỳ vọng nhiều vào đứa con "đẻ trứng vàng" FE Credit trong thời gian tới. VPBank thành lập khối tín dụng tiêu dùng vào năm 2010, mua lại Công ty TNHH MTV Tài chính Than Khoáng sản Việt Nam, đổi tên thanh Công ty TNHH MTV VPBank (VPBFC, FE Credit) và chuyển khối tín dụng tiêu dung về đây, chính thức vận hành hoàn toàn theo mô hình công ty con của VPBank từ 2015.
Hoạt động kinh doanh chính của FE Credit là cho vay tiêu dùng cá nhân với các sản phẩm cho vay mua hàng gia dụng, mua xe máy trả góp, cho vay tiền mặt, thẻ tín dụng. Trong đó, FE Credit đẩy mạnh cho vay tiền mặt để phục vụ các nhu cầu cá nhân (ngoài cho vay mua hàng điện máy và xe máy). Đối tượng khách hàng của FE Credit là nhóm khách hàng có thu nhập từ 1.5-7.5 triệu đồng.
Tính đến cuối năm 2016, số dư tín dụng của FE Credit đạt 32,104 tỷ đồng, tăng trưởng 58%. Đóng góp chính trong tổng thu nhập hoạt động năm 2016 của VPBank gồm dịch vụ tài chính tiêu dung 50% (dịch vụ ngân hàng bán lẻ là 17%). Theo báo cáo phân tích của VCSC, tỷ lệ NIM 2016 của VPBank đạt 7.8% (bình quân ngành là 2.9%) thì của VPBFC lên đến 27.7%.
Dự kiến FE Credit sẽ đóng góp khoảng 4,500 tỷ đồng vào lợi nhuận sau thuế năm 2018 của Ngân hàng (kế hoạch lãi sau thuế hợp nhất của VPBank là 8,528 tỷ trong khi của ngân hàng mẹ là 4,015 tỷ đồng).