Vietstock - Vốn ngoại dịch chuyển
Ngày 23-5-2018, các quỹ do Dragon Capital quản lý, bán thông qua giao dịch thỏa thuận 5,5 triệu cổ phiếu Vinamilk trị giá 902 tỉ đồng cho Jardine Matheson. Cuối cùng sau nhiều năm nắm giữ và chỉ mua vào, Dragon Capital đã bước một chân ra khỏi công ty sữa lớn nhất Việt Nam, nhường chỗ cho đối tác ngoại khác. Khả năng Dragon Capital mua lại Vinamilk còn để ngỏ, phụ thuộc vào biến động thị trường chung cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này trong năm nay, nhưng động thái thoái vốn trên chỉ ra hành xử của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán đang thay đổi. Họ buộc phải “gió chiều nào che chiều ấy” mà gió ở đây chính là việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị tăng lãi suất đồng đô la thêm một lần nữa và lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã vượt ngưỡng 3%/năm.
Bán ròng trên sàn chứng khoán, nhưng khối ngoại lại đổ tiền gấp nhiều lần, hàng tỉ đô la Mỹ vào các thương vụ doanh nghiệp tư nhân như Vinhomes, Techcombank, HDBank, VPBank, VietjetAir, thậm chí là một số đợt IPO doanh nghiệp nhà nước như Lọc hóa dầu Bình Sơn, Điện lực Dầu khí, Tổng công ty Dầu. Ảnh: THÀNH HOA
|
Bán ròng trên sàn chưa tạm ngưng
Chứng khoán là thứ hàng hóa kỳ lạ, giá càng xuống người ta càng bán, giá càng lên người ta càng mua. Trong tuần cuối cùng của tháng 5-2018, khi VN-Index điều chỉnh sâu, khối ngoại bán ròng tới 2.400 tỉ đồng - mức bán ròng mạnh nhất của một tuần trên Hose mà thị trường chưa từng được chứng kiến. Còn tính trong 20 phiên giao dịch của tháng 5, chỉ trên Hose, nước ngoài bán ròng 4.780 tỉ đồng (không tính giao dịch thỏa thuận mua ròng Vinhomes trị giá 28.500 tỉ đồng). Sự bán ra của khối ngoại không phụ thuộc vào giá cổ phiếu, mà phụ thuộc vào thanh khoản. Những phiên thanh khoản tốt họ bán nhiều và ngược lại.
VN-Index đã không cưỡng lại được tác động của thị trường chứng khoán bên ngoài. Chứng khoán thế giới sau năm 2017 tăng trưởng nhộn nhịp và đầu năm 2018 “thăng hoa phởn phơ” đã đảo chiều đi xuống. Chứng khoán Việt diễn biến tương tự. Tuy nhiên do là thị trường cận biên, VN-Index còn chịu ảnh hưởng của sự rút vốn khỏi các thị trường cận biên và mới nổi. Sự tác động kép làm chỉ số Hose hạ nhanh đi kèm một số phiên bán tháo của nhà đầu tư nội lẫn ngoại.
Trong tuần cuối cùng của tháng 5-2018, khi VN-Index điều chỉnh sâu, khối ngoại bán ròng tới 2.400 tỉ đồng - mức bán ròng mạnh nhất của một tuần trên Hose mà thị trường chưa từng được chứng kiến. |
Các thị trường mới nổi đã được hưởng lợi nhiều năm khi Fed giữ lãi suất đô la Mỹ ở mức thấp kỷ lục trong lịch sử. Khi lãi suất đảo chiều, vị trí của các tài sản rủi ro cao như cổ phiếu không còn được ưu ái trong danh mục đầu tư. Trong khi đó, những bất ổn tại thị trường tài chính Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, làm đồng nội tệ của các quốc gia này liên tục mất giá, là những cảnh báo sống động cho sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư. Mục tiêu bảo toàn vốn đang được đặt cao hơn mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận cao - rủi ro cao.
Đổ tiền vào IPO
Bán ròng trên sàn chứng khoán, nhưng khối ngoại lại đổ tiền gấp nhiều lần, hàng tỉ đô la Mỹ vào các thương vụ doanh nghiệp tư nhân như Vinhomes, Techcombank, HDBank, VPBank, VietjetAir, thậm chí là một số đợt IPO doanh nghiệp nhà nước như Lọc hóa dầu Bình Sơn, Điện lực Dầu khí, Tổng công ty Dầu. Những lần mua đó hầu hết diễn ra tương đối sớm so với thời điểm chứng khoán điều chỉnh (VN-Index bắt đầu đi xuống từ ngày 12-4-2018), đủ thời gian để nước ngoài chốt lời. Thương vụ nước ngoài mua Vinhomes diễn ra khi thị trường điều chỉnh song Vinhomes là một câu chuyện khác.
Thực tế cho thấy nước ngoài giải ngân vào các doanh nghiệp lớn và trong các lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao hơn nền kinh tế nói chung như bất động sản, ngân hàng. Bất động sản dù đây đó đã có dấu hiệu “nóng”, vẫn hứa hẹn tiềm năng phát triển. Với ngành ngân hàng, cơ hội tăng trưởng là không thể phủ định. Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, tổng GDP cả nước năm 2017 là 5 triệu tỉ đồng, tương đương 220 tỉ đô la Mỹ. Tổng dư nợ của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, theo Ngân hàng Nhà nước, hiện ở mức 6,5 triệu tỉ đồng, tức cần 1,3 đồng tiền vay để làm ra 1 đồng GDP. Đó là chưa kể nguồn vốn đầu tư từ các nguồn khác. Nếu không có vốn ngân hàng, làm sao có tăng trưởng GDP?
Tích cực trong trung, dài hạn
Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào mạnh qua các thương vụ IPO góp phần tích cực cải thiện cán cân thanh toán, tăng nguồn cung ngoại tệ, ổn định tỷ giá và giúp nâng quỹ dự trữ ngoại hối. Tất nhiên “vất vả” nhất trong số các cơ quan quản lý nhà nước là Ngân hàng Nhà nước khi phải liên tục cân đối lượng tiền bơm ra hút vào để tránh cho tiền đồng khỏi lên giá. Điều này hoàn toàn không dễ trong điều kiện kinh tế trông chờ vào xuất khẩu và đồng nội tệ các nước khu vực giảm giá so với đô la Mỹ.
Nhìn sang bên cạnh chúng ta, năm 1997 giới đầu tư nước ngoài ồ ạt rút tiền khỏi Thái Lan, nhưng năm 2011 tiền nước ngoài lại ào ào chảy vào nước này khiến Bangkok phải gồng mình ngăn cản sự lên giá của đồng baht.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng mạnh nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều nước lân cận. Vài tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài chưa phải quá nhiều và vẫn nằm trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý. Sự điều chỉnh của chứng khoán là cần thiết cho thị trường tăng trưởng bền vững trung, dài hạn. Nó đang lành mạnh hóa thị trường để các cổ phiếu trở nên cạnh tranh hơn, hấp dẫn hơn trong mắt giới đầu tư.
Hải Lý