Vietstock - Vốn làm đường cao tốc Bắc-Nam huy động như thế nào?
Theo Bộ Giao thông Vận tải, số vốn 118.716 tỉ đồng làm đường cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1, vốn nhà nước là 55.000 tỉ đồng (chiếm 39%), phần còn lại là vốn tư nhân và vốn đi vay.
Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây là một đoạn thuộc đường cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành - Ảnh: Anh Quân
|
Vấn đề huy động vốn cho dự án đường cao tốc Bắc-Nam đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giải đáp tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Xây dựng cao tốc Bắc-Nam nhánh Đông từ chủ trương, chính sách đến hiện thực” do báo Giao thông tổ chức hôm nay, 1-11.
Tại tọa đàm, vấn đề nhận được sự quan tâm khá lớn của các chuyên gia và nhà đầu tư là việc huy động vốn cho dự án này như thế nào khi giai đoạn 1 của dự án số vốn đã lên đến 118.716 tỉ đồng?
Giải đáp rõ hơn về việc huy động vốn cho dự án, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư (Bộ GTVT) cho biết, Bộ GTVT đã phân kỳ đầu tư ưu tiên dựa trên lưu lượng xe cho từng giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2017-2020) cần 118.716 tỉ đồng để đầu tư.
Hiện tại, đã có 55.000 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ để lập dự án khả thi, giải phóng mặt bằng, thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ mời thầu; 63.000 tỉ đồng còn lại huy động nguồn lực tư nhân.
Trong số 63.000 tỉ đồng, theo quy định mức vốn chủ sở hữu đối với nhà đầu tư khi tham gia dự án đã được nâng từ 10% lên 15%. Vì thế, sẽ có khoảng 13.000 tỉ đồng trên tổng số 63.000 tỉ đồng là vốn của nhà đầu tư.
Số vốn còn lại khoảng 50.000 tỉ đồng sẽ được huy động từ các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, số vốn 50.000 tỉ đồng không phải huy động cùng một lúc mà dự kiến chia ra 4 năm, mỗi năm huy động 12.000 tỉ đồng từ các tổ chức tín dụng trong nước, con số này chưa đến 1% tổng huy động của toàn hệ thống ngân hàng. "Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, mức này là hợp lý, ngân hàng trong nước có đủ khả năng để huy động nguồn vốn", ông Huy thông tin.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, số vốn nhà nước tham gia đầu tư dự án cao tốc Bắc-Nam chiếm tới 39%. Trong đó, nhà nước sẽ lo giải phóng mặt bằng và sẽ giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Thực tế, qua làm các dự án, tổng mức đầu tư tăng lên chủ yếu do giải phóng mặt bằng kéo dài. Hàng năm, tiền đền bù giải phóng mặt bằng đều tăng. Vì thế, giải phóng mặt bằng càng lâu, chi phí tăng càng nhiều. Ngoài ra, khâu thiết kế, lập dự án đều là vốn nhà nước bỏ ra thực hiện để tránh tổng mức đầu tư tăng lên.
Theo Bộ GTVT, cao tốc Bắc-Nam bắt đầu từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau, dài 2.109 km, hiện tại đã hoàn thành đưa vào khai thác 223 km, đang thực hiện đầu tư 297 km và đã xác định được nguồn vốn để hoàn thiện thủ tục đầu tư 67 km. Phần còn lại dài 1.372 km, đoạn từ Hà Nội đến TPHCM và 150 km, đoạn Cần Thơ đến Cà Mau cần phải đầu tư mới và mở rộng lên 4 làn xe. Theo tờ trình của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2017 - 2020, cần khoảng 118.716 tỉ đồng để đầu tư trước 654 km. Các đoạn cần đầu tư trong giai đoạn 1 gồm Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh); Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên-Huế); Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2. Do quy mô đầu tư rất lớn nên Bộ GTVT kiến nghị tách thành 11 dự án thành phần, trong đó, 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Còn lại 3 dự án đầu tư theo hình thức đầu tư công. Giai đoạn 2 từ năm 2021 - 2025, đầu tư các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị); từ Quảng Ngãi đến Nha Trang và mở rộng đoạn La Sơn - Túy Loan lên thành 4 làn xe. Giai đoạn 3 sau 2025 sẽ đầu tư đoạn Cần Thơ – Thành phố Cà Mau. |
Lê Anh