Vietstock - VKD: “Nháy mắt” vốn hóa ngàn tỷ và cũng chóng vánh đổ dốc thoái trào
Câu chuyện tăng sốc, giảm sâu đã không còn quá xa lạ với thị trường chứng khoán Việt Nam những năm gần đây, và VKD cũng không ngoại lệ!
Lên sàn từ năm 2010, cổ phiếu CTCP Nước Khoáng Khánh Hòa - FIT Beverage (UPCoM: VKD) thuộc diện “kén” nhà đầu tư khi thanh khoản gần như không có, nhiều nhất cũng chỉ vài ngàn cổ phiếu được trao tay trong suốt gần 7 năm sau đó.
Nhưng đến khoảng đầu tháng 9/2017, VKD bỗng dưng “hóa rồng”, giá từ quanh 13,000 đồng/cp đã nhảy vọt lên 112,900 đồng/cp, ghi nhận mức tăng trưởng chóng mặt 770%. Cùng với đó, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình cũng tăng lên hơn 100,000 đơn vị/phiên và kéo theo vốn hóa từ 167 tỷ lên hơn 1,300 tỷ đồng (tính đến phiên 20/10).
Diễn biến giá VKD từ đầu năm 2017 đến nay
|
Tuy nhiên, ngay sau đó là cảnh tượng VKD lao mình từ đỉnh cao danh vọng tại vùng giá 113,000 đồng/cp xuống còn khoảng 40,000 đồng/cp, giảm 65% chỉ trong 10 phiên giao dịch.
Như vậy, chỉ trong chưa đầy 2 tháng mà VKD đã có những biến động mạnh mẽ hơn cả thời điểm SCIC thoái 52% vốn hồi cuối năm 2015 hay khi xuất hiện 2 cổ đông lớn là FIT Consumer (45.9% vốn) và Đầu tư thương mại Hoa Sen Việt Nam (27%) vào năm 2016.
Diễn biến chính trong hoạt động của VKD từ năm 2010 đến nay
|
Kinh doanh đi lùi từ khi có mặt FIT Consumer
Trước khi xuất hiện bóng dáng của FIT Consumer, VKD hoạt động với con số vốn vỏn vẹn 21.6 tỷ đồng trong suốt 8 năm từ năm 2008 đến tận năm 2016. Sản phẩm kinh doanh chính chủ yếu là nước khoáng thiên nhiên, nước giải khát từ nước khoáng với một số nhãn hiệu trên thị trường như Vikoda, Đảnh Thạch Sumo, Isport.
Điểm lại kết quả kinh doanh trong vòng 4 năm 2012-2015 năm (thời điểm chưa có sự góp mặt của FIT), VKD ghi nhận doanh thu tăng trưởng đều qua các năm, nhưng kết quả lãi ròng lại chỉ quanh quẩn 10 tỷ đồng mà không có biến động ấn tượng nào.
Cái tên FIT Consumer bắt đầu được nhắc đến tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2015, lúc này Đại hội đã thông qua việc FIT Consumer được mua 65% cổ phần mà không cần phải chào mua công khai. Bắt đầu năm 2016, VKD quyết định chuyển nhượng quyền sở hữu những nhãn hiệu Vikoda, Đảnh Thạch Sumo, Isport cho FIT Consumer làm đại lý phân phối, đồng thời, FIT Consumer chính thức trở thành cổ đông lớn nhất nắm giữ 49% vốn trong đợt chào bán 9.8 triệu cp vào tháng 6/2016 để nâng vốn lên 120 tỷ đồng. Tên của VKD theo đó cũng được đổi mới với việc thêm hậu tố FIT Beverage.
Hoạt động kinh doanh năm 2016 sau khi có FIT Consumer ghi nhận sự biến đổi trong cả hai chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận, tuy nhiên lại trái chiều nhau. Toàn bộ doanh thu năm 2016 VKD đạt được là nhờ việc bán thành phẩm cho FIT Consumer với ghi nhận hơn 188 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước đó. Song vì áp lực từ chi phí giá vốn lớn khi tăng đến 55% nên lợi nhuận gộp chỉ đạt 20.5 tỷ, trong khi cùng kỳ hơn 55 tỷ đồng. Theo đó, con số lãi ròng giảm mạnh 72% còn vỏn vẹn 2.9 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của VKD từ năm 2012 – 2016 (Đvt: tỷ đồng)
|
Năm 2017, kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm vẫn còn là ẩn số khi không được công bố. Con số kế hoạch là những thông tin ít ỏi cho năm 2017, với sản lượng tiêu thụ dự đạt 68.6 triệu lít, chỉ tiêu doanh thu sẽ tăng 54% lên 291 tỷ đồng. Đáng nói là lợi nhuận trước thuế kế hoạch đi lùi khi dự kiến chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2016 còn ghi nhận khoảng 4 tỷ đồng.
Những khoản đầu tư mới
Một sự thay đổi khác là VKD bắt đầu phát sinh những khoản đầu tư tài chính dài hạn trong năm 2016. Cụ thể, VKD rót gần 72 tỷ đồng (32% vốn) vào CTCP Đầu tư và Phát triển Nghệ An và 22 tỷ đồng (19.8% vốn) vào CTCP Dược phẩm Amigo Việt Nam. VKD cho biết Đầu tư và Phát triển Nghệ An hoạt động trong lĩnh vực xây dựng chuyên dụng và hiện có lãi lũy kế tại thời điểm cuối năm 2016, còn Dược phẩm Amigo Việt Nam chủ yếu kinh doanh thuốc, dụng cụ y tế,…, khoản đầu tư vào đơn vị này có giá gốc thấp hơn giá trị thị trường của cổ phiếu.
Dự án siêu thị Vikoda và FIT Tower Nha Trang
|
Và mới đây, HĐQT vừa quyết định điều chỉnh thay đổi dự án đầu tư siêu thị Vikoda thành dự án chung cư cao cấp FIT Tower Nha Trang.
Trước đó, VKD dự kiến đầu tư 25 tỷ đồng xây dựng siêu thị Vikoda cao 6 tầng và 1 tầng hầm tại số 28 đường 2/4, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa trên diện tích 1,077.4 m2, thời gian hoạt động 50 năm kể từ năm 2009.
Còn dự án chung cư cao cấp FIT Tower Nha Trang có tổng diện tích 16,000 m2, cao 22 tầng gồm 180 căn hộ cao cấp với tổng vốn 120 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật là ông Phạm Công Sinh – hiện là Thành viên HĐQT của CTCP Tập đoàn F.I.T (HOSE: FIT). Tuy nhiên về kế hoạch cụ thể liên quan đến thời gian tiến hành, hoàn tất dự án và nguồn vốn thực hiện vẫn chưa được đề cập.
Cùng với dự định nâng tầm đầu tư, VKD kế hoạch thay đổi mục đích sử dụng vốn của đợt phát hành 9.8 triệu cp. Thay vì dùng 70 tỷ để đầu tư tài sản cố định và 28.4 tỷ bổ sung vốn lưu động theo kế hoạch ban đầu, VKD sẽ cắt giảm số tiền đầu tư tài sản cố định xuống còn 15 tỷ đồng và hơn 83 tỷ đồng còn lại bổ sung vốn lưu động cộng với hai mục đích mới là phục vụ kinh doanh, mở rộng quy mô hoạt động.
Chưa dừng lại, mới đây tại ĐHĐCĐ bất thường lần 1 năm 2017, VKD còn hé lộ dự định chuyển cổ phiếu từ thị trường UPCoM sang thị trường niêm yết trong thời gian tới, tuy nhiên hiện vẫn chưa có quyết định sẽ chào sàn Sở GDCK Hà Nội hay Sở GDCK Hồ Chí Minh. Như vậy với kế hoạch lên sàn, VKD sẽ được quan tâm nhiều hơn và dễ dàng huy động vốn để phục vụ các dự án đầu tư.
Trí Nhiên