Sau hơn 6 năm, dòng tiền cá mập mới giao dịch sôi động trở lại ở cổ phiếu HVN (Vietnam Airlines (HN:HVN)). Sau quãng thời gian "thập tử nhất sinh", những cổ đông kiên nhẫn nhất bắt đầu được hưởng trái ngọt. Cổ phiếu "lâu lâu" lại tăng giá gấp đôi
Những ngày qua, cổ phiếu HVN của Tổng CTCP Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (sàn HoSE) ghi dấu ấn tăng giá mạnh mẽ bất chấp việc đang trong diện hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch trong các phiên chiều).
Tính từ cuối tháng 3, cổ phiếu HVN đã tăng tới 73%, hiện giao dịch tại mức 21.800 đồng (phiên sáng 15/5).
Rộng hơn, kể từ nửa sau tháng 12/2023 tới nay, thị giá HVN đã tăng gấp đôi từ ngay sát mệnh giá (mức tăng mạnh nhất sau hơn 6 năm). Đây cũng là thời điểm các giao dịch tiền lớn xuất hiện trở lại ở cổ phiếu đầu ngành hàng không sau hơn 3 tháng vắng bóng. Vị thế của dòng tiền cá mập bắt đầu gia tăng sau khi giá bứt khỏi ngưỡng sideway quanh mốc 13.000 đồng (giai đoạn từ đầu tháng 1 đến cuối 3/2024).
Trên đồ thị kỹ thuật, chỉ báo dòng tiền MCDX cho thấy, 5 tháng qua, vai trò dẫn dắt của các dòng tiền lớn tại cổ phiếu HVN ghi nhận mức mạnh nhất kể từ giai đoạn cuối năm 2017 - đầu năm 2018.
Đáng chú ý, thời điểm hơn 6 năm về trước cũng là khi giá cổ phiếu Vietnam Airlines leo dốc và thiết lập mức đỉnh 57.x đồng/cp. Kể từ thời đó tới nay, đà giảm xuất hiện và kéo dài từng có lúc đẩy giá cổ phiếu HVN về dưới mức 9.000 đồng (giữa tháng 11/2022).
Nhịp tăng giá gần đã giúp HVN vượt trở lại đường MA200 sau hơn 2 năm |
Điều gì đang diễn ra?
Hồi tháng 3 vừa qua, tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2023, hãng hàng không ghi nhận tin vui kinh doanh khi đạt 92.231 tỷ đồng doanh thu - tăng hơn 21.400 tỷ (+30%) so với năm 2022. Đây là mức doanh thu cao thứ 3 trong lịch sử hoạt động của Vietnam Airlines - chỉ thấp hơn giai đoạn 2018-2019 khi dịch COVID xuất hiện.
Hãng ghi nhận lợi nhuận gộp 3.885 tỷ đồng - đánh dấu lần đầu tiên sau 4 năm có lãi gộp trong cả năm tài chính.
Tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines những năm qua (Đvt: Tỷ đồng) |
Trong kỳ, biên lợi nhuận gộp của Vietnam Airlines cải thiện lên mức 14,8%, bù đắp cho chi phí tài chính tăng cao và doanh thu tài chính giảm sút.
Đáng chú ý, khoản đóng góp lớn nhất để hình thành lên con lợi nhuận đột biến có đóng góp đáng kể của gần 570 tỷ đồng tiền phạt cùng 3.030 tỷ đồng từ khoản xóa nợ đến từ việc công ty con - Pacific Airlines - trả tất cả máy bay đã thuê và thành công trong việc thuyết phục chủ tàu xóa nợ.
Với kết quả kinh doanh trên, vốn chủ sở hữu của hãng bay còn âm 12.556 tỷ đồng; nợ vay tài chính giảm còn 24.401 tỷ đồng.
Theo dự báo của Vietnam Airlines, thị trường quốc tế sẽ từng bước được phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty cũng được kỳ vọng sẽ có kết quả tích cực hơn vào năm 2024-2025.
Chiếc "chìa khóa" mở cánh cửa phục hồi
Ngoài những yếu tố trên, giới phân tích cho rằng, một trong những động lực thúc đẩy đà tăng của cổ phiếu HVN thời gian gần đây có thể đến từ câu chuyện tái cơ cấu.
Tại báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2023 công bố hồi tháng 12 cùng năm, Công ty Kiểm toán KPMG nhấn mạnh "Khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines phụ thuộc Đề án cơ cấu".
Vietnam Airlines đã hoàn thành Đề án cơ cấu giai đoạn 2021-2025 trong năm 2023 |
Vietnam Airlines cũng kiến nghị Chính phủ sớm thông qua Đề án cơ cấu toàn diện của hãng cũng như chấp thuận về cơ chế giao hãng hàng không này là nhà đầu tư tổ hợp công trình dịch vụ đồng bộ chuyên ngành hàng không tại Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.
Đến tháng 2/2024, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ đạo, yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước trình Đề án tổng thể tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng COVID-19.
Thời điểm này, Bộ Tài chính đang sửa Nghị định về đầu tư và quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó đề xuất giải pháp để Vietnam Airlines có thể thoái vốn tại CTCP Hàng không Pacific Airlines. Đây cũng là một trong những nội dung nằm trong Đề án tổng thể gỡ khó khăn cho doanh nghiệp này.
>> Cổ phiếu Vietnam Airlines (HVN): Lâu lâu lại tăng một nhịp, mỗi nhịp 7x%