Vietstock - Việt Nam chờ đợi bước ngoặt trên thị trường chứng khoán 200 tỷ USD
Việt Nam đang tiến gần tới thời điểm được nâng hạng lên thị trường mới nổi (Emerging Market).
Quốc gia Đông Nam Á này hiện được xếp hạng là thị trường cận biên và đã nằm trong danh sách theo dõi thị trường mới nổi của FTSE từ năm 2018. Tổ chức cung cấp chỉ số toàn cầu FTSE Russell đầu tháng này đã xác nhận việc tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi.
Tổ chức này nhấn mạnh sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam đối với các cải cách thị trường và khuyến nghị tăng cường các cuộc họp giữa cơ quan quản lý trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Việc nâng hạng lên thị trường mới nổi có thể thu hút hàng tỷ USD từ các quỹ toàn cầu đổ vào thị trường tài chính Việt Nam, hiện có giá trị vốn hóa hơn 200 tỷ USD.
Chia sẻ trên chương trình "Street Signs Asia" của CNBC, ông Quản Trọng Thành, Trưởng bộ phận nghiên cứu cổ phiếu của Maybank Investment Bank Việt Nam, dự báo FTSE có thể nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi sớm nhất vào tháng 9/2025.
Đây cũng là mục tiêu được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề ra hồi đầu năm nay, và FTSE Russell khuyến nghị Việt Nam duy trì tốc độ cải cách hiện tại nếu muốn đạt được mục tiêu này.
"Chúng tôi đang thấy những tiến triển tốt khi Việt Nam giải quyết các điểm nghẽn về quy định để được nâng hạng lên thị trường mới nổi", ông Thành nói với CNBC.
Theo ông Thành, Chính phủ Việt Nam đang "tập trung trở lại vào nền kinh tế” và điều này sẽ mang lại "triển vọng tích cực" cho đất nước hình chữ S. Thật vậy, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 6.5% vào năm 2025 "nhờ nhu cầu toàn cầu tăng và niềm tin tiêu dùng trong nước phục hồi".
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách của Việt Nam, tăng trưởng GDP trong quý 4/2024 dự kiến đạt 7.4%, đạt mục tiêu 7% do chính phủ đề ra.
Tập trung vào ngành bán dẫn và AI
Ông Thành không đơn độc trong việc đưa ra đánh giá tích cực rộng hơn về triển vọng trung và dài hạn của Việt Nam.
Christine Phillpotts của Ariel Investments đánh giá "các quốc gia như Việt Nam đang ở vị thế tương đối tốt" vì họ ít phụ thuộc vào vốn nước ngoài hoặc có nợ nước ngoài thấp hơn. Do đó, Việt Nam đã trở thành nơi đầu tư tương đối an toàn hơn, bà nói.
Đặc biệt, Việt Nam đang đặt cược mạnh mẽ vào ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Với thế mạnh về năng lực lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip, quốc gia này không chỉ thu hút khoản đầu tư 1 tỷ USD từ ngành sản xuất Hàn Quốc kéo dài đến năm 2025, mà còn đặt mục tiêu trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển giải pháp AI của ASEAN vào năm 2030.
Năng lực sản xuất chip của Việt Nam hiện đang cạnh tranh với Malaysia, thu hút các công ty bán dẫn toàn cầu với sự hiện diện của các trung tâm sản xuất lớn như Samsung và Foxconn. Đất nước hình chữ S cũng đã hưởng lợi đáng kể từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khi các công ty tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
"Việt Nam có lợi thế địa lý khi một mặt gần Trung Quốc, mặt khác có khả năng tiếp cận mở với thị trường xuất khẩu ở các nước phát triển. Điều sau là nhờ có nhiều hiệp định thương mại tự do", Helmi Arman, Chuyên gia kinh tế trưởng của nhóm nghiên cứu tài chính Citi, nói với CNBC.
Arman nói thêm rằng vị thế trung lập về chính trị của Việt Nam cho phép nước này "tận dụng động lực trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc" bằng cách thu hút đầu tư từ các công ty có vốn Trung Quốc để tái xuất khẩu sang Mỹ.
"Nhìn chung, Việt Nam đang làm khá tốt vào lúc này. Ở một khía cạnh nào đó, điều này liên quan đến sự suy giảm ở Trung Quốc, bởi vì có rất nhiều chiến lược Trung Quốc+1 đang diễn ra. Các công ty đang đa dạng hóa rủi ro và chuyển hướng mở rộng sang Việt Nam. Điều đó đang ảnh hưởng đến Trung Quốc và có lợi cho các con số tăng trưởng kinh tế của Việt Nam", Bill Hayton, Chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại tổ chức tư vấn Chatham House có trụ sở tại Anh, nói với CNBC.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn cần giải quyết những thách thức về nguồn nhân lực có tay nghề và cơ sở hạ tầng, đặc biệt là vấn đề ổn định nguồn cung điện, để thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài. Những rào cản này được xem là những điểm nghẽn quan trọng cần được tháo gỡ trong thời gian tới để Việt Nam có thể tận dụng tốt hơn các cơ hội đang mở ra.
Vũ Hạo (Theo CNBC)