Vietstock - Vì sao Mekong Capital không chọn đầu tư vào thị trường niêm yết?
“Đầu tư vào cổ phiếu niêm yết thụ động hơn và có nhiều yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát. Mekong Capital lựa chọn mô hình đầu tư mà chúng tôi có thể chịu toàn bộ trách nhiệm với kết quả trong tương lai. Đầu tư vào cổ phần tư nhân chưa niêm yết giúp Mekong Capital kiểm soát được điều này. Mekong Caital có vũ khí bí mật để các khoản đầu tư sẽ đạt được mức tăng trưởng ít nhất 5 lần” - Tổng Giám đốc Mekong Capital, ông Chris Freund, chia sẻ.
Ông Chris Freund - Tổng Giám đốc Mekong Capital
|
Tại Việt Nam, cơ hội đầu tư các doanh nghiệp cổ phần hóa hay niêm yết trên sàn rất lớn, tại sao Mekong Capital chọn con đường khác với nhiều quỹ đầu tư là hướng đến các doanh nghiệp tư nhân, thưa ông?
Chúng tôi lựa chọn mô hình đầu tư mà mình có thể chịu trách nhiệm 100% với kết quả trong tương lai. Chúng tôi có thành công hay không với một khoản đầu tư nào đó, thì đó là kết quả của chính hành động của chúng tôi. Đầu tư vào cổ phần tư nhân chưa niêm yết giúp chúng tôi kiểm soát được điều này. Trong khi đó, đầu tư vào cổ phiếu niêm yết thụ động hơn và có nhiều yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Thêm vào đó, thị trường cổ phần tư nhân chưa niêm yết có nhiều cơ hội mà chúng tôi có thể đầu tư hơn, trong khi thị trường niêm yết chỉ giới hạn ở số lượng những công ty đã lên sàn.
Đó là lý do tại sao chúng tôi đầu tư vào cổ phần tư nhân chưa niêm yết.
Ông đánh giá như thế nào về quy mô, tiềm năng của các doanh nghiệp tư nhân nhỏ tại Việt Nam? Cơ hội đầu tư lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân năm 2018 như thế nào thưa ông?
Tiềm năng của thị trường sẽ vẫn như những gì xảy ra trong 20 năm qua. Doanh thu bán lẻ tăng trưởng ở mức 10%/năm và nhiều lĩnh vực tiêu dùng còn khá phân mảnh, có nghĩa còn nhiều cơ hội cho các công ty có bộ máy quản lý tốt để mở rộng quy mô.
Chúng tôi cho rằng có nhiều cơ hội đầu tư tăng trưởng hấp dẫn trong hầu hết các ngành hàng tiêu dùng. Chỉ có một số ngành như sữa, gia vị - nước tương hay bán lẻ hàng điện tử là đã xuất hiện những công ty thống lĩnh thị trường.
Sau khi thoái vốn khỏi Thế giới Di động, điều gì tại đây khiến ông vẫn còn tiếc nuối, và còn dự định gì chưa thực hiện tiếp được hay không? Ông từng phát biểu hy vọng sẽ được hợp tác cùng Thế giới Di động theo một hướng khác trong tương lai, ông có thể chia sẻ chi tiết hơn về hướng hợp tác này?
Tôi hy vọng rằng Thế giới Di động sẽ thành công trong việc mở rộng chuỗi Bách hóa XANH lên đến vài ngàn cửa hàng. Tôi cũng tin họ có thể phát triển và thống lĩnh thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam với mô hình bán hàng đa kênh mà không tốn quá nhiều chi phí cho quảng cáo. Mô hình này giúp tính kinh tế hiệu quả hơn nhiều so với một nhà bán lẻ trực tuyến đơn thuần. Thế giới Di động tập trung vào việc nâng cao trải nghiệm khách hàng và họ làm việc này tốt hơn các đối thủ cạnh tranh.
Còn về việc hợp tác theo một hướng khác, ý định của tôi là mời Thế giới Di động đầu tư vào một vài công ty mà Mekong Capital đầu tư trong tương lai, nhưng tất nhiên tôi không thể chắc chắn họ sẽ lựa chọn làm như vậy. Việc đầu tư mạnh vào xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Thế giới Di động cũng giống với những gì mà các công ty khác thuộc danh mục của Mekong Capital đang làm. Vì vậy, sẽ có những giao thoa trong văn hóa doanh nghiệp giữa họ. Một văn hóa mạnh giúp các công ty tăng trưởng nhanh hơn và đạt được mục tiêu dài hạn dễ dàng hơn.
Mekong Capital có nhìn thấy tiềm năng phát triển như Thế giới Di động tại doanh nghiệp nào khác không?
Tôi nhận thấy các công ty mà chúng tôi mới đầu tư đều có cơ hội tăng trưởng lớn. Tuy nhiên, Thế giới Di động tập trung vào hai thị trường cực kỳ lớn là hàng điện tử và tạp hóa. Đây là những thị trường lớn hơn những gì mà các công ty trong danh mục hiện tại của chúng tôi đang tập trung.
Ông có thể cho biết tình hình giải ngân vốn đầu tư của Quỹ MEF III do Mekong Capital quản lý như thế nào và sẽ hướng đến các ngành nào tiếp theo?
Chúng tôi hy vọng Quỹ MEF III sẽ giải ngân hết vốn đầu tư vào cuối năm 2018, và sau đó chúng tôi sẽ gây quỹ mới. Quỹ MEF III chỉ tập trung vào các ngành hàng tiêu dùng hoặc các ngành cung ứng cho thị trường tiêu dùng – những ngành tăng trưởng cùng thị trường bán lẻ hiện đại.
Được biết Mekong Capital sẽ đầu tư vào doanh nghiệp dược, hiện mảng bán lẻ dược phẩm cạnh tranh rất cao với nhiều bên tham gia, ông đánh giá tiềm năng và mức độ phát triển của ngành này như thế nào, khoản đầu tư của Mekong Capital có chiến lược riêng gì để có thể cạnh tranh và tạo sự khác biệt trong mảng này?
Bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam là cơ hội hấp dẫn và đầy tiềm năng mở rộng, cũng như ở nhiều nước khác. Hầu hết các nhà thuốc nhỏ lẻ ở Việt Nam mua hàng dự trữ từ thị trường bán buôn dược phẩm, dẫn đến kết quả là một số sản phẩm bị giả mạo, nhập lậu hay hết hạn sử dụng. Những chuỗi bán lẻ dược hiện đại nhập trực tiếp từ nhà sản xuất hay các nhà phân phối được ủy quyền nên đảm bảo được chất lượng và có thể được hưởng lợi chiết khấu từ việc là khách hàng lớn. Vì vậy, tôi hy vọng một số chuỗi bán lẻ dược phẩm lớn sẽ xuất hiện và giúp chuyên nghiệp hóa thị trường này tại Việt Nam.
Tuy nhiên với Mekong Capital, chúng tôi chưa công bố bất kỳ khoản đầu tư nào trong lĩnh vực này.
Các đơn vị mà MEF III đang đầu tư (Công ty Cầm đồ F88, Công ty logistics Nhật Tín, Giải pháp Thương mại ABA, Chuỗi nhà hàng Chảo Đỏ, Trang sức Bến Thành và Trung tâm tiếng Anh Yola) có kế hoạch niêm yết lên sàn chứng khoán không? Mục tiêu phát triển và mở rộng mà Mekong Capital đặt ra cho các đơn vị này như thế nào, thưa ông?
Một số công ty như F88 và Trang sức Bến Thành (BTJ) có kế hoạch sẽ niêm yết, bởi việc tiếp cận nguồn vốn là khá quan trọng đối với lĩnh vực họ hoạt động. Tuy nhiên, thời điểm nào niêm yết còn chưa rõ và có thể là trong một vài năm nữa.
Với việc hỗ trợ các công ty mà chúng tôi đầu tư để phát triển, chúng tôi có một “vũ khí bí mật”, đó là mô hình tạo giá trị. Đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng (Vision Driven Investing). Chúng tôi thấy rằng khi các công ty áp dụng đầy đủ mô hình này, họ phát triển rất nhanh. Khi có khoản đầu tư mới, chúng tôi luôn có mục tiêu là họ sẽ đạt được mức tăng trưởng ít nhất 5 lần.
Cám ơn ông!
Minh Hằng thực hiện