Vietstock - Vì sao các chuyên viên phân tích quá sâu lại dễ thất bại?
Trên thị trường, những chuyên viên phân tích (analysts) có kỹ năng đầu tư tốt nhất – không hẳn là những analyst giỏi nhất mà hầu như đều là những người am hiểu rộng rãi nhiều ngành, biết lắng nghe, và có tư duy đơn giản, hữu hiệu. Ngược lại, những analysts chỉ chuyên môn hóa cao về ngành nghề của mình hoặc những kẻ chuyên khoa trương về các ý tưởng đầu tư lại thường thất bại cay đắng trong việc lựa chọn một khoản đầu tư xứng đáng.
Sự thật này có đôi phần “ngược đời” khi mà mọi người thường kỳ vọng những analyst giỏi có chuyên môn cao sẽ đầu tư khá thành công. Tuy nhiên, khi nghe buổi nói chuyện tại Google (*) của nhà đầu tư nổi tiếng Mohnish Pabrai – một người rất ngưỡng mộ Buffett và Munger, chúng ta mới hiểu ra được gốc rễ tâm lý sâu xa của vấn đề này…
* Jesse Livermore: Cái chết của một thiên tài đầu cơ chứng khoán
* So sánh P/E thuần giữa các thị trường: Nhà đầu tư cần hiểu bản chất
Quỹ ý tưởng tốt nhất – Capital Group
Ông Mohnish Pabrai nói: “Cách đây nhiều năm tôi có dịp được cùng ăn tối với nhóm các nhà quản lý quỹ Capital Group nổi tiếng tại nhà riêng của ngài Charlie Munger. Quỹ Capital Group vốn khá nổi tiếng với 85 năm lịch sử ở vùng Los Angeles, California với hơn 1,400 tỷ USD tài sản quản lý. Quản lý số tài sản khổng lồ đó, họ phân chia ra từ 10-20 nhà quản lý quỹ - mỗi người đầu tư danh mục cùng số vốn khá lớn từ 100-200 tỷ USD và đạt được kết quả thành công nhất định”.
Nhà đầu tư nổi tiếng Mohnish Pabrai
|
Song một vài năm trước khi bữa tối đó xảy ra, họ nghĩ ra ý tưởng lập một quỹ có tên gọi là “Quỹ ý tưởng tốt nhất” (Best ideas fund) với sự đóng góp từ mỗi nhà quản lý đối với 1cổ phiếu tuyệt vời nhất trên quan điểm của họ. Ngạc nhiên thay, quỹ này thay vì thành công vang dội thì lại có kết quả đầu tư tệ hại hơn chỉ số chung của thị trường như Dow Jones, S&P500 một cách đáng kể.
Ngài Charlie Munger đã đặt ra chủ đề trong bữa ăn tối hôm đó rằng: “Tại sao lại như vậy? Tại sao những cái đầu thông minh nhất gộp lại cuối cùng lại thất bại?”. Tuy nhiên vì bữa tiệc bỗng nhiên được dọn ra và mọi người đổi chỗ cho nhau nên chủ đề đó rơi vào quên lãng. Cho đến 6 năm sau, Mohnish Pabrai mới quyết tâm hỏi Munger để tìm ra lí do.
Tính thiên vị nhất quán & cứng nhắc của con người (commitment & consistency bias)
Ngài Munger đã trả lời Mohnish Pabrai rằng: “Tôi nhớ rất rõ câu chuyện đó chứ! Cho đến thời điểm này, Capital Group đã thử ý tưởng lập quỹ ý tưởng tốt nhất đó một vài lần nữa và vẫn tiếp tục thất bại. Đó là bởi vì “trí tuệ của con người cũng khá giống với trứng của con người vậy” (human mind is a lot like human egg). Một khi ý tưởng đầu tiên đi vào, nó sẽ tự động đóng lại và không bao giờ chào đón các ý tưởng phản biện khác nữa!
Ông Charlie Munger
|
Mohnish Pabrai nói rằng ông hoàn toàn bất ngờ một cách thú vị với đoạn ví von đó. Và thử nhìn lại thế nào khi hầu hết các nhà quản lý quỹ khi nghiên cứu và chọn lựa quá sâu một cổ phiếu và bị “kết dính” với ý tưởng đó suốt quá trình mặc cho những thay đổi về nền tảng cơ bản, hoặc có những cơ hội đầu tư khác hấp dẫn hơn.
Một nguyên nhân thứ hai Mohnish Pabrai đưa ra đó chính là các chuyên viên phân tích/nhà quản lý danh mục thường bị chuyên môn hóa quá cao vào một lĩnh vực, khiến họ không có cái nhìn tổng quan về sự so sánh độ hấp dẫn, đắt/rẻ giữa các khoản đầu tư trên thị trường.
Chẳng hạn một nhà quản lý quỹ chuyên về ngành than, sẽ tìm ra ý tưởng đầu tư cổ phiếu ngành than thuyết phục nhất của anh ta thay vì một cổ phiếu rẻ hơn với triển vọng tốt hơn. Anh ta bị mất quá nhiều thời gian để nghiên cứu một ngành nghề thay vì tìm hiểu tổng quan tất cả các cổ phiếu khác trước khi đi sâu vào một doanh nghiệp anh ta thực sự thấy hấp dẫn.
Giải pháp cho một nhà đầu tư thông minh
Đó là vấn đề của giới chuyên gia, vậy thì vấn đề của những nhà đầu tư cá nhân là gì? Một mặt, chúng ta không thể đưa ra quyết định đầu tư nếu không dành thời gian nghiên cứu. Mặt khác, nếu dành quá nhiều thời gian, chúng ta sẽ bị bẫy tâm lý thiên vị (bias). Và đây là các giải pháp cho một nhà đầu tư thông minh.
Nhận thức sự sai lệch về tâm lý và trở nên lý trí (rational)
Tự nhận thức là một trong những đầu tiên đến với trí tuệ. Những người tự nhận thức được điểm yếu của mình sẽ tự kiểm soát mình tốt hơn và tránh những sai lầm không đáng. Khi được hỏi lý do khiến mình thành công, ngài Munger đã trả lời rằng không phải trí thông minh, mà là sự lý trí đã giúp ông rất nhiều.
Luôn luôn phát triển ý tưởng phản biện lại quan điểm gốc
Luôn luôn phản biện là châm ngôn sống của cả Buffett lẫn Munger. Họ tích cực tìm kiếm những rủi ro ẩn nấp và lắng nghe những luồng ý kiến khác nhau từ người khác để đánh giá toàn diện một cơ hội đầu tư.
Đọc và lọc tất cả cổ phiếu trên thị trường
Cách đây nhiều năm, một phóng viên trẻ tên Adam Smith đã tìm đến ngài Buffett để xin lời khuyên cho các nhà đầu tư trẻ tuổi. Ông đã khuyên rằng những người trẻ nên đọc và lọc tất cả cổ phiếu trên thị trường niêm yết như ông từng làm với cuốn Moody’s Manual ngày còn làm cho Ben Graham. Adam Smith hoảng hốt hỏi lại: “Nhưng thị trường có đến 27,000 cổ phiếu cơ thưa ngài?” – Buffett trả lời: “Vậy thì hãy bắt đầu bằng những cổ phiếu chữ A nào!”
Hãy nói không một cách nhanh chóng
Với những cơ hội đầu tư nhiều vấn đề, giá cả không hấp dẫn hoặc ngành nghề triển vọng kém, lời khuyên là hãy nói “không” nhanh chóng. Điều này sẽ giúp bạn có thêm nhiều thời gian quý báu để tìm các ý tưởng khác thay vì sa lầy vào những khoản đầu tư tệ hại.
Chỉ tìm những cơ hội bất hợp lý (inefficiencies)
Thói quen khuyến nghị mua với một cổ phiếu được giao dịch 12 USD lên mức giá mục tiêu 15USD của giới phân tích thực sự không hề có ý nghĩa mấy. Cái chúng ta cần phải là một cơ hội bị định giá thấp thực sự: chẳng hạn như cổ phiếu công ty Washington Post trước đây được giao dịch với giá 25 cent so với 1 đô la giá trị thực. Những nhà đầu tư giá trị thông minh sẽ biết tìm lấy cho mình một ít cơ hội song lại vô cùng chất lượng với biên an toàn khổng lồ…
Kết luận
Buổi nói chuyện tuyệt vời của Mr. Pabrai kết thúc ở đó. Song, một quan điểm khác khiến các nhà đầu tư, và đặc biệt hơn là giới chuyên gia vô cùng dễ mắc sai lầm: đó chính là lòng tự hào (pride) vào bản thân với niềm tin hão huyền rằng mọi nhận định của mình với mọi ngành nghề, mọi vấn đề đều đúng.
Ngài Benjamin Franklin sau nhiều năm trẻ tuổi sai lầm, đã nhận định rằng: lòng tự hào là sự ngu ngốc nhất của loài người; chúng ta luôn luôn phải cảnh giác với nó vì nó có thể hại chính ta bất cứ lúc nào. Nếu chúng ta giữ cho lòng tự hào càng thấp, chúng ta càng dễ dàng học được nhiều bài học hơn từ cuộc sống, gặp nhiều quý nhân giúp đỡ và hạnh phúc hơn vì không đòi hỏi sự công nhận từ người khác. Vậy mà chúng ta thấy phổ biến như thế nào khi hàng nghìn người luôn khoa trương về sự giàu có, hiểu biết cũng như những thương vụ lãi lớn của họ trên thị trường?
* Dịch, trích dẫn và tóm tắt từ buổi nói chuyện tại Google của Mohnish Pabrai ngày 23/06/2017.
Hà Hùng Anh