Vietstock - “Vị đắng” cổ phiếu đường
Doanh nghiệp, nông dân và bây giờ là các nhà đầu tư của ngành mía đường đều được lần lượt "nếm vị đắng"...
Ngành mía đường đang trong thời điểm khó khăn. Ảnh minh hoạ. |
Cổ phiếu doanh nghiệp ngành mía đường liên tục lao dốc trong thời gian gần đây, dù thị trường chứng khoán đang thăng hoa, và ở trên đỉnh cao của 11 năm qua.
Chứng khoán thăng hoa, cổ phiếu đường nếm vị đắng
Những ngày này, thị trường chứng khoán hân hoan với việc chinh phục, phá đỉnh 11 năm. Chốt phiên giao dịch ngày 27/3, VN-Index đạt mức 1.171,73 điểm, mức cao nhất kể từ năm 2007. Nếu tính từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng 187 điểm, tương ứng tăng 20%.
Trái với đà tăng của các dòng cổ phiếu khác, các cổ phiếu ngành đường đang phải "nếm vị đắng" khi thị giá liên tục suy giảm do những lo ngại tồn kho ngành đường tăng cao.
Chưa có một thông tin tích cực nào có thể hãm đà rơi của SLS thuộc Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La. SLS từng là cổ phiếu mía đường có thị giá cao nhất thị trường, tuy nhiên, đến nay hào quang đó chỉ còn tồn tại trong quá khứ. Chốt phiên giao dịch ngày 26/3, SLS tiếp tục giảm sàn còn 78.300 đồng/cổ phiếu.
Đà rơi mạnh của cổ phiếu này diễn ra từ đầu năm 2018 và tăng tốc từ đầu tháng 3 đến nay với nhiều phiên giảm sàn. Nếu tính từ đầu năm 2018, SLS đã giảm tổng cộng gần 70.000 đồng, tương ứng mất một nửa thị giá. Vốn hoá thị trường từ mức trên 1.450 tỷ đồng giảm xuống chỉ còn 766 tỷ.
Cổ phiếu mất đà, lao dốc mạnh, ban lãnh đạo Mía đường Sơn La đã phải lên tiếng trấn an nhà đầu tư. Theo đó, công ty này cho rằng, cổ phiếu giảm là do tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng do giá đường trên thị trường xuống thấp.
Đặc biệt việc Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 cũng gia tăng áp lực cho ngành đường. theo đó, việc bỏ hạn ngạch thuế quan với ngành đường sẽ khiến đường nhập khẩu từ Thái Lan, Lào, Campuchia tràn qua Việt Nam. Doanh nghiệp đường sẽ bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn.
Ở mức độ giảm nhẹ hơn, cổ phiếu SBT của Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công chốt phiên giao dịch 26/3 chỉ còn 17.600 đồng/cổ phiếu, giảm 15,4% so với đầu năm. Trong niên độ tài chính 2017 - 2018, tồn kho đường của SBT tăng 47% lên mức 1.957 tỷ đồng.
Trong khi đó cổ phiếu KTS của Công ty Cổ phần Đường KonTum cũng lao dốc mạnh, chỉ còn mức 20.100 đồng/cổ phiếu, giảm 42,7% so với đầu năm 2018.
Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (mã chứng khoán LSS) cũng không nằm ngoài quy luật giảm của cổ phiếu ngành đường. Chốt phiên giao dịch ngày 26/3, LSS chỉ còn 9.270 đồng/cổ phiếu, giảm 17,6% so với đầu năm. Tồn kho đường niên độ 2017 - 2018 của Mía đường Lam Sơn là 534 tỷ đồng.
Cổ phiếu suy giảm mạnh trong thời gian khá dài, điều này khiến nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại lớn. Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng của cổ phiếu của ngành này phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường, giá đường và các chính sách bảo hộ của nhà nước.
Tồn kho dâng cao và mối lo ATIGA
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) hiện các nhà máy đường trên cả nước đang tồn kho gần 400.000 tấn đường, đồng thời việc tiêu thụ vẫn gặp rất nhiều khó khăn do tác động từ Hiệp định ATIGA có hiệu lực từ 1/1/2018.
Theo đó, đường từ các nước trong khối ASEAN sẽ không còn bị hạn chế nhập khẩu vào Việt Nam, thuế suất về 0%. Điều này khiến cho thị trường ngành đường cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt với đường nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia hay Malaysia...
Thực tế, thị trường Hà Nội và Tp.HCM đường kính trắng đang được bán giá 12.200 - 12.800 đồng/kg, đường tinh luyện 14.400 - 15.200 đồng/kg và đường vàng 12.400 đồng/kg, thấp ngang giá đường Thái Lan nhập lậu tại phía Nam.
Bài toán cạnh tranh với đường nhập khẩu, đường nhập lậu của các doanh nghiệp mía đường, người nông dân trồng mía đến nay vẫn chưa có lời giải.
Nói về những khó khăn của ATIGA với ngành đường, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam khẳng định nếu theo đúng lộ trình, 22 nhà máy có công suất chế biến dưới 3.000 tấn mía đường có khả năng phải đóng cửa do thua lỗ.
Việc này sẽ ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của 11 vạn hộ nông dân trồng mía, 38 vạn người lao động và 10 vạn công nhân chế biến.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường, cuối năm 2017, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho lùi thời gian thực hiện cam kết trong khối ASEAN theo Hiệp định ATIGA đến năm 2022, nếu sớm hơn là năm 2020. Thay vào đó, lượng nhập khẩu đường theo hạn ngạch sẽ tiếp tục được tăng lên 10% so với mức 5% của năm 2017.
Theo VSSA, trước sức ép cực lớn từ ATIGA thì cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lẫn người nông dân trồng mía.
Bạch Dương