Vietstock - Vì sao 730 doanh nghiệp sau CPH không chịu niêm yết?
Không phải 578 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà là 730 DNNN sau cổ phần hóa (CPH) không chịu đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán theo quy định hiện hành. Và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu phải làm rõ chuyện này.
* Yêu cầu công khai 730 doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết
Vẫn còn nhiều DNNN sau CPH chưa thực hiện niêm yết quy định. Ảnh:TL
|
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hôm 14/7 đã có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ phải công khai danh sách 730 doanh nghiệp CPH chưa đăng ký trên UPCOM và yêu cầu các bộ, cơ quan có liên quan cũng như Hội đồng thành viên các tập đoàn, tổng công ty phải khẩn trương thực hiện việc này.
Cụ thể hơn là bản danh sách các doanh nghiệp đã CPH song chưa niêm yết đến cuối tháng 6 phải được báo cáo lên Thủ tướng và công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Trước đó, hôm 11-7-2017, tại cuộc họp sơ kết sáu tháng đầu năm của Ban chỉ đạo CPH, thông tin từ Chính phủ cho biết hiện có 578 DNNN sau CPH chưa đăng ký niêm yết giao dịch trên sàn chứng khoán.
Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định: Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp CPH (vốn điều lệ từ 10 tỉ đồng trở lên, có ít nhất 100 cổ đông) phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký cổ phiếu để lưu ký tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom theo quy định của Luật Chứng khoán.
Trường hợp doanh nghiệp CPH đáp ứng đầy đủ các điều kiện niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán, sau khi thực hiện các thủ tục để đưa cổ phiếu vào giao dịch trên thị trường chứng khoán theo quy định, trong thời hạn tối đa một năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp CPH phải bổ sung hồ sơ để hoàn tất thủ tục niêm yết tại các sở giao dịch chứng khoán.
Trường hợp doanh nghiệp đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần trước khi quyết định 51 có hiệu lực thi hành thì đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phối hợp, đôn đốc doanh nghiệp hoàn tất việc thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết theo quy định trong thời hạn tối đa một năm.
Chỉ thị số 04 của Thủ tướng hồi tháng 2 năm nay về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới DNNN 2016-2020 một lần nữa nhắc lại quy định bắt buộc DNNN CPH phải đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán khi đủ điều kiện trong vòng 1 năm kể từ ngày IPO.
Vậy tại sao có tới hàng trăm doanh nghiệp sau CPH không thực hiện quy định niêm yết nói trên?
Chuyện DNNN sau CPH mà vẫn còn vốn Nhà nước chi phối hoặc vốn nhà nước từ 36% trở lên (tỷ lệ vốn nhà nước đủ để phủ quyết các quyết định của HĐQT tại các cuộc họp nếu không đồng thuận) chưa đăng ký trên Upcom, đồng nghĩa với vi phạm quy định về niệm yết, là khó có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, nhiều DNNN sau CPH có tỷ lệ vốn nhà nước còn lại rất thấp hoặc không còn thì quyền quyết định có đăng ký niêm yết hay không phụ thuộc vào đại hội đồng cổ đông, chứ không còn ở Chính phủ. Vì vậy, vấn đề là Bộ Tài chính phải thống kê có bao nhiêu DNNN sau CPH còn vốn nhà nước từ 36% trở lên không chịu đăng ký niêm yết thì thông qua người đại diện vốn chủ sở hữu tại đây bắt buộc niêm yết theo quy định. Với các DNNN mà vốn nhà nước khồng còn hoặc còn lại quá thấp thì việc bắt buộc niêm yết là không thể.