Vietstock - Đừng để “tư nhân hóa” bất động sản ven sông
Thời gian vừa qua, hai bên bờ sông Sài Gòn đang bị “tư nhân hóa” bằng nhiều dự án bất động sản.
Bờ sông Sài Gòn đang trở thành sở hữu riêng của một số chủ đầu tư
|
Không phải thành phố nào cũng có con sông đẹp như sông Sài Gòn ở TP.HCM nhưng những dự án bất động sản mọc lên san sát đã khiến bờ sông Sài Gòn trở thành của riêng, phục vụ cho một số người giàu, người có tiền chứ không phải không gian công cộng, là mảng xanh, công viên phục vụ cho hơn 10 triệu người dân thành phố. Bởi lẽ, có dự án bất động sản ven sông đang được rao với giá lên đến 200 tỉ đồng/căn biệt thự.
Bờ sông biến thành các dự án bất động sản sẽ phá vỡ quy hoạch và gây bất công cho hàng triệu người dân thành phố.
Tại các nước phát triển, quyền được hưởng thụ cây xanh, mặt nước ven sông, ven biển là một quyền cơ bản của mọi công dân. Các công trình xây dựng cao tầng phải cách xa bờ sông, đó cũng là nét văn hóa chung trong quy hoạch, xây dựng.
Trong khi đó, hiện tại khu trung tâm TP. HCM còn rất thiếu không gian xanh, lẽ ra không gian bờ sông là một cơ hội vàng để tăng mảng xanh, nâng diện tích cây xanh trên đầu người thì TP lại giao đất để phát triển nhà cao tầng, khu đô thị, thương mại cao cấp mà phần đông người dân TP không có cơ hội để tiếp cận những dịch vụ này.
Hiện tại, đứng từ bất kỳ đâu trong thành phố, nhìn về phía đường chân trời cũng là một đường nhấp nhô nhà cao tầng. Mọi cuộc trò chuyện, hò hẹn đều là ở quán cà phê, quán ăn, quán nhậu. Những đoạn bờ sông đẹp nhất đều bị tư nhân hóa. Các nhà cao tầng nhất được đặt để ở bờ sông, chắn mọi hướng tiếp cận đến sông của các nhà, các khu phố bên trong… Mà hướng tiếp cận đến sông là hướng vô giá. Từ từ, hiện trạng ấy ảnh hưởng đến chất lượng sống, đến cách ứng xử của người dân.
Chúng ta không phản đối việc xây những công trình bên sông, bởi nếu ven bờ sông, bờ hồ được quy hoạch và thiết kế tốt nhằm xây dựng thành các không gian công cộng thân thiện với con người và môi trường thì chúng sẽ nâng giá trị các mảnh đất liền kề lên rất cao, đem lại lợi nhuận lớn cho các nhà kinh doanh bất động sản, chứ không phải ngược lại.
Hiển nhiên là với điều kiện chính quyền có tầm nhìn xa và thuần hóa được thị trường bất động sản bằng bàn tay sạch, cứng rắn – và người dân với tư cách là chủ nhân của đô thị có tiếng nói thật sự, có quyền chính đáng tham gia vào quá trình phát triển thành phố, trong đó có các khu vực đôi bờ dòng sông, không thể để tư nhân hóa nó.
Dù chưa hẳn hình thành một dải đô thị ven sông nhưng đến nay hệ luỵ đã rõ ràng, việc đặt cao ốc ở những khu vực gần bờ sông, khu trung tâm... khiến lượng xe cộ tăng lên rất nhiều, gây kẹt xe cho khu vực. Và ngân sách Nhà nước phải gánh cho việc đầu tư cải tạo nâng cấp toàn bộ hệ thống điện, nước, thoát nước... cho những khu vực này, trong khi lẽ ra ngân sách cần được ưu tiên để phát triển hạ tầng cho các khu vực đô thị mới để giãn dân.
Đã đến lúc cơ quan quản lý nên tính toán kỹ, không nên vội vàng cấp phép đầu tư các dự án chung cư cao tầng ven biển.
An Nhiên