Vietstock - Đừng để “nảy cái ung”
Nhà ở xã hội trở thành "cứu cánh" cho giấc mơ có nhà của người thu nhập thấp, lao động nghèo tại các thành phố lớn. Do cung không đủ cầu nên chỉ một số ít trong những người đủ tiêu chuẩn được lọt vào danh sách mua nhà ở xã hội.
Khu vực Ban quản lý dự án xuống cấp, cây dại mọc um tùm - Ảnh: LÂM HOÀI
|
Khe cửa hẹp như vậy nhưng vẫn lọt người không có nhu cầu, xí phần rồi rao bán hưởng chênh lệch (Tuổi Trẻ 22-1).
Cơ quan quản lý đã lường trước việc này, vì vậy đã đưa ra những quy định khắt khe về tiêu chí người mua, quy trình thẩm định, xét duyệt, hậu kiểm qua nhiều bước; quá trình công khai danh sách người mua… nhằm ngăn chặn hành vi lợi dụng chính sách nhà ở để hưởng lợi.
Chưa hết, còn có quy định để điều tiết nhằm hạn chế mua đi bán lại kiếm lời. Như trong 5 năm sau khi mua, người mua nếu muốn bán lại căn hộ chỉ được bán cho chủ đầu tư hoặc người khác đủ điều kiện mua nhà ở xã hội.
Hoặc sau 5 năm, người mua, thuê mua muốn bán nhà cho người khác phải nộp lại tiền sử dụng đất và nộp thuế thu nhập cho Nhà nước…
Các quy định điều tiết là hợp lý bởi giá bán nhà ở xã hội có phần ưu đãi của Nhà nước và các ưu đãi đó phải đến tay đúng đối tượng được hưởng. Không ai được trục lợi từ chính sách ưu đãi này.
Với những quy định trên, chỉ cần cơ quan quản lý địa phương, chủ đầu tư làm nghiêm khắc, đúng luật, việc mua bán trái phép nhà ở xã hội khó còn đường sống.
Nhưng "lá chắn" quy định chưa đủ để lọc sàng ra những người cố tình trục lợi từ chính sách ưu đãi nhà ở xã hội.
Vẫn còn tình trạng cơ quan quản lý, chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, lập và xét duyệt danh sách qua loa.
Việc hậu kiểm yếu kém, không kịp phát hiện, thu hồi nhà đối với người mua bán trái phép. Không loại trừ việc duyệt danh sách người mua nhà có gửi gắm, châm chước do quen biết.
Người này được xét mua đồng nghĩa với người khác mất cơ hội và phải tiếp tục mỏi mòn chờ đợi may mắn ở dự án khác.
Càng nhiều người mua xong bán lại thì cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội của người thu nhập thấp, lao động nghèo càng thu hẹp.
Bao công nhân, người lao động nghèo sống trong những dãy nhà trọ tồi tàn, xập xệ đang chờ tìm cơ hội mua nhà ưu đãi.
Bao cán bộ, công chức, viên chức lương ba cọc ba đồng vẫn ước mơ đủ điều kiện mua căn nhà nhỏ để "thoát" đời ở trọ. Mỗi căn nhà ở xã hội được xây cất là một cơ hội hiếm hoi để họ có nhà.
Nạn kiếm chác từ nhà ở xã hội cho thấy cơ quan quản lý và chủ đầu tư chưa làm tròn trách nhiệm để một số người biến chính sách thành chùm khế ngọt.
Cái sảy nảy cái ung, nếu không mạnh mẽ chặn đứng tình trạng trục lợi chính sách, thấy "ngon ăn" nhiều người cùng nhảy vào, không khéo sẽ hình thành "quy trình trục lợi" làm biến dạng chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp.
Không ai chấp nhận để "nảy cái ung", lúc này cơ quan chức năng cần phải rà soát lại để uốn nắn, chấn chỉnh trước khi quá muộn.
TIẾN LONG