Vietstock - UBCKNN: Đã cho chấm dứt hoạt động 28 công ty chứng khoán
Tính đến thời điểm hiện tại đã xử lý được 28 CTCK thông qua việc chấm dứt hoạt động CTCK, đình chỉ hoạt động; chấp thuận giải thể (05 công ty) và hợp nhất cho 08 CTCK; rút nghiệp vụ môi giới (13 CTCK). Hiện nay trên TTCK còn 74 CTCK đang hoạt động bình thường, giảm được 28% tổng số CTCK.
Ngày 12/7/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2017 và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2017.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2017, UBCKNN đã chủ động, tích cực xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK; hoàn thiện khung pháp lý và hệ thống để đưa TTCK phái sinh vào vận hành; tiếp tục triển khai tái cấu trúc thị trường chứng khoán; tăng cường công tác quản lý công ty đại chúng, tổ chức trung gian. Hoạt động thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm tiếp tục được đẩy mạnh. UBCKNN luôn tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong tổ chức bộ máy, thực hiện cải cách hành chính trong các hoạt động của UBCKNN đối với doanh nghiệp.
Bước sang năm 2017, kinh tế toàn cầu bắt đầu đà phục hồi cùng với những chính sách định hướng về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Chính phủ ngay từ đầu năm 2017 đã hỗ trợ TTCK Việt Nam phục hồi tích cực. Tính đến ngày 03/07/2017, chỉ số VN-Index đạt 778.88 điểm, tăng 17.1% so với cuối năm 2016. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 100.33 điểm, tăng 25.2% so với cuối năm 2016. Mức vốn hóa thị trường đạt 2,539.7 nghìn tỷ đồng, tăng 25.7% so với cuối năm 2016, tương đương 56.4% GDP. Quy mô giao dịch bình quân phiên đạt hơn 12,563 tỷ đồng, tăng 32.5% so với năm trước. Tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán thông qua phát hành cổ phiếu (cả phát hành riêng lẻ), đấu giá cổ phần hóa và đấu thầu trái phiếu chính phủ đạt 131 nghìn tỷ. Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tiếp tục vào ròng. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đến cuối tháng 5 tăng 28% so với cuối năm 2016.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, UBCKNN cũng đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi), chủ động nghiên cứu các chính sách mới để dự kiến đưa vào bộ Luật (sửa đổi); hoàn thiện khung pháp lý và hệ thống để đưa TTCK phái sinh vào vận hành; đã trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng; trình Bộ Tài chính ban hành 5 Thông tư.
Về quản lý các công ty chứng khoán, hoạt động tái cấu trúc về vốn, cổ đông chiến lược, nghiệp vụ kinh doanh, công nghệ, nhân sự, tổ chức tiếp tục được thúc đẩy. Hoạt động của các thành viên thị trường ngày càng tốt hơn. Tính đến thời điểm hiện tại đã xử lý được 28 CTCK thông qua việc chấm dứt hoạt động CTCK; đình chỉ hoạt động; chấp thuận giải thể (05 công ty) và hợp nhất cho 08 CTCK; rút nghiệp vụ môi giới (13 CTCK). Hiện nay trên TTCK còn 74 CTCK đang hoạt động bình thường, giảm được 28% tổng số CTCK.
Hoạt động niêm yết diễn ra sôi nổi, trên cả 2 sàn HOSE và HNX đã có 714 công ty và chứng chỉ quỹ niêm yết với tổng giá trị niêm yết đạt hơn 640 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2016. Thị trường UPCoM cũng cho thấy nhiều kết quả tích cực, cuối tháng 5, toàn thị trường có 532 doanh nghiệp đăng ký giao dịch với giá trị đăng ký giao dịch đạt 186 nghìn tỷ, tăng 42.6% so với cuối năm 2016. Trong 06 tháng đầu năm, 2 Sở GDCK đã tổ chức 32 phiên đấu giá cổ phần. Tổng khối lượng cổ phần trúng giá đạt hơn 176.4 triệu cổ phần, tổng giá trị thu về đạt 2,927 tỷ đồng, tỷ lệ thành công đạt gần 90%.
Công tác chuẩn bị cho sự vận hành của thị trường chứng khoán phái sinh về cơ bản đã hoàn tất: Các quy chế và quy trình phục vụ quản lý vận hành TTCK phái sinh đã được hoàn thiện và ban hành đầy đủ. Về hệ thống giao dịch, thanh toán bù trừ, đã thử nghiệm đầy đủ các chức năng và hiệu năng hệ thống kết nối giữa Sở, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và các thành viên thị trường. Cho đến nay, công tác chuẩn bị cho sự vận hành TTCK phái sinh đã sẵn sàng để đi vào hoạt động trong thời gian tới.
Trong 6 tháng cuối năm, UBCKNN tập trung một số trọng tâm công việc như sau:
Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách đối với TTCK: Triển khai xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi); hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật trên cơ sở Nghị quyết của Chính phủ trình Bộ, tổ chức soạn thảo Dự thảo lần 1 của Luật Chứng khoán (sửa đổi); song song tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ hướng dẫn Luật Chứng khoán theo hướng áp dụng các thông lệ quốc tế.
Tăng cung hàng hóa cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung: tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch; triển khai cơ chế tạo lập thị trường, phát hành Bộ nguyên tắc quản trị công ty; triển khai thị trường chứng khoán phái sinh, cho giao dịch sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (Cover Warrant)...; tiếp tục hoàn thiện và phát triển thị trường trái phiếu.
Phát triển và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư: tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam; phát triển quỹ hưu trí; phát triển các định chế đầu tư chuyên nghiệp, hệ thống nhà tạo lập thị trường; tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Tiếp tục tái cấu trúc, tăng cường quản lý tổ chức trung gian thị trường: tiếp tục tái cấu trúc hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán để giảm số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động; tăng cường quản lý giám sát chặt chẽ hoạt động của CTCK, công ty quản lý quỹ; áp dụng thực hiện giám sát dựa vào rủi ro trên cơ sở quy chế hướng dẫn phân loại và cảnh báo sớm.
Triển khai giải pháp tái cơ cấu tổ chức thị trường, cơ sở hạ tầng, công nghệ: Hoàn thiện đề án trình Chính phủ hợp nhất; Hoàn thiện mô hình đối tác bù trừ trung tâm; xây dựng và triển khai đề án kết nối hệ thống thanh toán bù trừ và quyết toán chứng khoán với hệ thống thanh toán liên ngân hàng; triển khai các dự án ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, giám sát thị trường chứng khoán Việt Nam.