Vietstock - Tự truyện của một nhà đầu tư chứng khoán - 10 năm 1 cuộc tình
Thấm thoát đã 10 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ mãi lần đầu gặp Em, lúc đó mùa hoa phượng cũng đã ngừng rơi, báo hiệu kết thúc một mùa hè rực lửa năm 2008. Thời điểm đó, tôi chỉ là một chàng trai mới rời ghế giảng đường đại học vác trên vai tấm bằng quản trị kinh doanh, trong lòng tràn đầy nhựa sống, nhiệt huyết với một hoài bão lớn.
Công việc đầu đời của tôi là nhân viên môi giới Sàn vàng Ngân hàng ACB. Nhắc đến sàn vàng, nếu bạn từng tham gia đầu tư thì chắc sẽ biết đến sự khắc nghiệt của nó, với đòn bẩy lớn thì một đêm bạn có thể nhân đôi nhân ba tài khoản hoặc mất sạch là chuyện bình thường.
Thông qua sàn vàng, tôi được gặp Em một cách tình cờ. Một lần nọ, sếp tôi nhờ đưa phiếu lệnh mua qua sàn chứng khoán.
Trước mắt tôi. Em đẹp tuyệt! Muôn màu muôn sắc lấp lánh!
Tôi cẩn thận tìm hiểu và so sánh Em với sàn vàng. Tôi thấy Em thật “dịu dàng và lặng im” nhưng lại không đơn điệu như sàn vàng. Em không phải theo dõi 24/24 mà chỉ cần bên em buổi sáng vào các ngày đi làm trong tuần là đủ. Đặc biệt, ở Em có rất nhiều cổ phiếu tôi tha hồ mà chọn.
Tuyệt vời hơn, tại thời điểm năm 2009, Em cho tôi cảm giác thăng hoa trong chiến thắng, đến nỗi lúc đó tôi mua cổ phiếu nào là cả phòng làm việc của tôi đều mua theo mã đó (Sau này tôi mới biết, thị trường chứng khoán khi đó đang hồi phục lại sau giai đoạn khủng hoảng toàn cầu 2007-2008. Sau thời gian giảm sâu nên cổ phiếu đã tăng trở lại, chứ không phải tôi giỏi giang gì!).
Thấm thoát 3 năm trôi qua, tôi yêu thương Em bằng tất cả những gì mình có. Là khi đi đâu cũng nghĩ đến Em. Là khi ngày thì lên sàn chứng khoán theo dõi bảng điện, vừa học hỏi từ các nhà đầu tư đàn anh, các bạn môi giới, lướt tin tức trong nước và quốc tế, tìm kiếm tài liệu về phân tích kỹ thuật để nghiền ngẫm, tối đến thì theo dõi diễn biến của các chỉ số Dow Jones, S&P500, Nasdaq...
Em đã từng là cả một thế giới, một tương lai tôi đã định ra trước mắt. Tôi cứ tin sẽ sống trọn đời trọn kiếp với Em! Tôi đã dồn hết vốn, vay mượn nhiều nơi để đầu tư, tôi tin tưởng sẽ cũng em xây căn nhà mộng ước.
Nhưng! Cuộc đời không như là mơ.
Đến năm 2011, cơn “đại hồng thủy’ kéo đến cuốn trôi hết tất cả những thành quả của tôi các năm trước, nợ nần chồng chất. Một năm thật sự khó quên!
Thị trường èo uột, tất cả sàn chứng khoán vắng hoe - một không khí buồn đến não ruột, giá cổ phiếu chỉ tương đương với ly trà đá hay thậm chí còn không bằng. Đơn cử như cổ phiếu VKP của CTCP Nhựa Tân Hóa, vào ngày 21/12/2011 rớt xuống mức giá chỉ là 800 đồng/cổ phiếu.
Lúc đó, tôi đã khóc nhiều đêm liền và mất ngủ triền miên, đến nỗi phải vào viện. Câu hát “tôi xin người cứ gian dối, nhưng xin người đừng lìa xa tôi” trong bài Kiếp đam mê của tác giả Duy Quang mà ca sĩ Tuấn Vũ hay hát cứ văng vẳng và thấm đậm trong lòng tôi.
Tôi đâm ra hận Em, hận chính bản thân mình sao lại lao vào Em như một con thiêu thân để rồi giờ mới hiểu ra: Em là "người tình phụ bạc nhất trên cõi đời này”.
Tôi bắt đầu chia tay Em từ đó, hay nói đúng hơn là Em chủ động chia tay tôi, khi trên vai tôi giờ chỉ còn là một gánh nợ chồng chất. Tôi mất phương hướng và nếu tình hình này kéo dài thêm chắc tôi cũng sẽ ra đi về cõi vĩnh hằng...
Nhưng quả thật, thời gian là phương thuốc nhiệm màu để chữa lành tất cả mọi vết thương. Và thời gian cũng sẽ giúp hồi sinh mọi trái tim đau khổ, trả lại cho nó khả năng yêu thương như thuở ban đầu... Điều đó chỉ đúng với tôi một nửa. Nó chữa lành vết thương của tôi thật nhưng tôi không thể yêu thương như thuở ban đầu. Tôi vẫn hận Em! Tìm cách trả thù. Tôi quyết tâm sẽ lấy lại cả vốn lẫn lời, lao đầu vào học và đọc không biết bao nhiêu là sách, từ phân tích kỹ thuật đến phân tích cơ bản. Sách gối đầu giường của tôi toàn những tác phẩm kinh điển nói về Warren Buffett, Benjamin Graham, George Soros,…
Tôi hôm nay là tròn 10 năm bên Em. Tôi đã đúc kết và nhận ra 5 điều cốt lỗi nhất để có thể đồng hành cũng Em đến cuối đoạn đường:
1. Những cuốc sách tôi nói trên chỉ là động lực, kim chỉ nam định hướng cho chúng ta đi chứ không phải là bản đồ chỉ đường cụ thể để chúng ta đến với thành công.
2. Về các thông tin kinh tế: Thị trường chứng khoán phản ánh sức khỏe nền kinh tế, các chỉ số kinh tế vĩ mô và vi mô sẽ tác động lên chứng khoán. Điều đó luôn luôn đúng nhưng phải nhớ nó phản ánh lúc nào. Thông thường thì thị trường chứng khoán rất nhạy cảm, đã phản ánh vào giá các cổ phiếu trước khi thông tin ra.
3. Phân tích tài chính doanh nhiệp: Nhiều công ty niêm yết có tới hàng chục công ty con và công ty liên kết. Với một "trận đồ đầu tư tài chính" thì việc biến hóa các chỉ số như EPS hay P/E mà nhà đầu tư hay dùng để xem xét mua cổ phiếu dễ như trở bàn tay.
4. Phân tích kỹ thuật: Phải nhớ rằng, bản chất của nó là lịch sử luôn lặp lại. Tức là, khi các mô hình đã được kiểm chứng trong quá khứ, người ta giả định rằng nó sẽ tiếp tục có hiệu quả trong tương lai. Và PTKT chỉ đúng khi chúng ta chọn mẫu đủ lớn, nhưng với thị trường chứng khoán còn non trẻ như Việt Nam thì khó mà phân tích kỹ thuật chính xác được.
5. Còn về các thông tin trên mặt báo: Bạn phải nhớ rằng, thông tin bạn đọc đó ai cũng đọc được và có thể đã biết trước bạn, đừng dựa vào đó mà mua và bán cổ phiếu.
Kết lại mười năm tuổi thanh xuân của tôi: “Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào. Dù cho bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa, bạn vẫn muốn được đằm mình trong cơn mưa ấy lần nữa”.