Vietstock - Tỷ phú thông minh nhất thế giới - James Simons
Ông là một nhà toán học, là “Nhà đầu cơ kiếm tiền nhiều nhất trong năm 2016” với số tiền lên tới 1.5 tỷ USD. Ông được mệnh danh là “Nhà đầu cơ thông minh nhất thế giới”, “Tỷ phú thông minh nhất thế giới” và nhà là sáng lập quỹ Renaissance Technologies’ Medallion, ông chính là James Simons.
Một nhà nghiên cứu học thuật được kính nể
James Harris Simons sinh năm 1938 trong một gia đình Do Thái ở Brookline, Massachusetts, Mỹ. Simons khởi nghiệp bằng con đường học thuật, ông tốt nghiệp MIT sau 3 năm và mất thêm 3 năm sau đó để nhận bằng tiến sĩ của trường Đại học Berkeley, California. Tại Berkeley, ông gặp gỡ với tiến sĩ Chern. Cả hai cùng nhau nghiên cứu, tạo nên một bước đột phá lớn trong lý thuyết trường lượng tử ba chiều bằng việc xây dựng cụ thể một dạng vi phân đặc biệt. Hiện nay được gọi là lý thuyết Chern-Simons.
Hoàn thành việc học và nghiên cứu ở Berkeley, ông trở lại Massachusetts dạy toán tại MIT, sau đó là Harvard. Năm 1964, ông làm việc tại Viện Phân tích Quốc phòng (Institute for Defense Analyses), giúp giải mã và truy lùng các mối đe dọa quân sự tiềm năng cho Cục An ninh Quốc gia (National Security Agency). Năm 1968, ông chuyển tới SUNY Stonybrook làm trưởng khoa Toán. Năm 1976, ông thắng Oswald Veblen Prize, giải thưởng danh giá nhất về lĩnh vực hình học của Hiệp hội Toán học Mỹ.
Nguồn: Jewishbusinessnews.com
Mặc dù đã đạt được những thành tựu lớn trong lĩnh vực toán học và giảng dạy, James Harris Simons quyết định theo đuổi sự nghiệp tài chính. Năm 1978, ông xây dựng quỹ đầu tư Monemetrics, tiền thân của công ty cực thành công sau này: Renaissance Technologies. Ban đầu, James không nghĩ tới việc sử dụng toán học vào công việc kinh doanh, tuy nhiên qua thời gian, ông nhận ra các mô hình, thuật toán quản lý có thể hỗ trợ đắc lực cho việc phân tích dữ liệu và sau đó gặt hái nhiều thành công. Nhờ đó, ông được mệnh danh là “Quant King” (Vua định lượng). Năm 2006, ông được tạp chí Time bình chọn là “Tỷ phú thông minh nhất thế giới”.
Quỹ Renaissance Technologies’ Medallion - Cỗ máy kiếm tiền bí ẩn
Nói đến các quỹ đầu cơ thành công, người ta thường nghĩ tới nơi tập trung của những chuyên gia tài chính có hàng chục năm kinh nghiệm trong nghề với khả năng phân tích và dự báo có độ chính xác cao. Vậy mà có một quỹ đầu cơ với tổng lợi nhuận đạt được hơn 55 tỷ USD trong vòng gần 30 năm qua lại toàn gồm những chuyên gia ngành toán học. Đặc biệt, tổng lợi nhuận của quỹ mang lại còn cao hơn so với các quỹ đầu cơ của những tỷ phú nổi tiếng như George Soros hay Ray Dalio dù quản lý khối tài sản ít hơn và thời gian đầu tư cũng ngắn hơn. Bí quyết thành công của Quỹ Renaissance Technologies’ Medallion khiến rất nhiều nhà đầu tư tò mò, tuy vậy họ hiếm khi tiết lộ thông tin với báo giới và những nhân viên được lệnh cấm thảo luận về hệ thống làm việc tối mật trong công ty. Bản thân James Simons cũng từng nói rằng: “Bí mật hoạt động trong quỹ của tôi thậm chí còn lớn hơn bí mật hoạt động ở nơi mà tôi từng làm việc cho Chính phủ” (ám chỉ Bộ Quốc phòng).
Hiện tại, quỹ đã xây dựng một khu dân cư riêng cho các nhân viên và gia đình của họ mang tên Renaissance Riviera nhằm đảm bảo tính bảo mật trong hoạt động. Hàng ngày, trụ sở của Renaissance chỉ mở cửa cho khoảng 300 nhân viên và các đối tác quan trọng.
Lợi nhuận siêu khủng, đến Warren Buffett cũng chào thua
Tỷ suất sinh lời của quỹ Renaissance Technologies’ Medallion 1988 - 6T2016
Nguồn: Bloomberg
Nếu quỹ đầu tư Berkshire Hathaway của Warren Buffett nổi tiếng với khả năng tạo ra mức sinh lời ổn định khoảng 20%/năm thì đối với quỹ Renaissance Technologies’ Medallion, mức lợi nhuận ấy cũng chỉ xếp vào “hạng xoàng”. Trong suốt gần 30 năm hoạt động, ngoại trừ 2 năm đầu có chút chệch choạch vì ban đầu, ông Simons tham gia thị trường hàng hóa và dựa trên những nguyên tắc cơ bản cung cầu để đầu tư. Tuy nhiên mô hình này chưa thực sự hiệu quả, thậm chí khiến ông Simons chịu nhiều thất bại và đúc kết được nhiều bài học xương máu. Sau đó, vị chuyên gia toán học này đã nghiên cứu và phát triển mô hình giải mã và các thuật toán để xây dựng hệ thống phân tích cho mình và kể từ khi đi vào ổn định thì mức sinh lời thấp nhất của quỹ là 21.2%, thậm chí có những năm quỹ này còn đạt mức sinh lợi gần 100%. Các chuyên gia đã ước tính rằng, nếu bỏ 1,000 USD vào quỹ vào năm 1998 thì đến giữa năm 2016, số tiền này sẽ lên tới 13,830,598 USD – tức là tăng gấp 13,830 lần tương đương tỷ suất lợi nhuận trung bình hàng năm khoảng 40%.
Đáng chú ý là trong hai năm 2007-2008, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu lan rộng khắp thế giới, nhiều doanh nghiệp, ngân hàng phá sản, nhiều quỹ đầu tư lỗ lên tới hơn 50% và phải đóng cửa thì quỹ Renaissance Technologies’ Medallion của James Simons lại đạt mức lợi nhuận khủng khiếp lần lượt là 85.9% và 98.2%. Quỹ đầu cơ của ông hiện tại thu 5% phí cố định và 44% lợi nhuận – cao nhất thế giới (thông thường các quỹ thường sẽ lấy 2% phí cố định và 20% lợi nhuận). Mặc dù kêu ca về mức phí đắt đỏ nhưng rất nhiều nhà đầu tư vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra vì tỷ suất sinh lời quá tốt của quỹ.
Thông thường các quỹ đầu cơ sẽ có tỷ suất lợi nhuận lớn nhưng đi kèm rủi ro cao hơn do đó mức lợi nhuận qua các năm sẽ không ổn định. Các nhà đầu tư coi mức lợi nhuận của quỹ đầu cơ mang tính “chụp giựt” và thường không thể duy trì ổn định qua giai đoạn 5 năm và thậm chí rất ít quỹ đầu cơ có thể sống sót khi trải qua “bài test” chu kỳ kinh tế 10 năm.Tuy nhiên, với quỹ Renaissance Technologies’ Medallion, mặc dù tỷ suất sinh lời có biến động tương đối lớn nhưng mức “sàn” lợi nhuận luôn duy trì trên 20% và xác suất thua lỗ theo chu kỳ 5 năm của quỹ chỉ là 0,5%. Với mức sinh lời cực cao, rủi ro thấp và thời gian tồn tại đủ lâu trên thị trường khiến các nhà đầu tư phố Wall phải công nhận và luôn tò mò về phương pháp kiếm tiền “siêu đẳng” của James Simons, tuy vậy điều này vẫn là một ẩn số trong một thời gian dài.
Bí mật kinh doanh hé lộ
Trước đây, nhiều đối thủ cố gắng tìm hiểu bí mật thành công của quỹ Renaissance Technologies’ Medallion và sau một thời gian, nhiều chuyên gia kết luận rằng nền tảng công nghệ phân tích kỹ thuật của quỹ đóng vai trò chủ chốt. Đơn giản vì phần lớn các nhân viên của quỹ trước đây đều là những nhà khoa học về toán học, vật lý và rõ ràng kiến thức tài chính khá hạn chế nên không thể dựa vào phân tích cơ bản. Họ cho rằng Renaissance Technologies sở hữu những cỗ máy tính cực kỳ hiện đại và có thể tính toán các thuật toán phức tạp do Simons lập trình. Ngoài ra khả năng thu thập và sàng lọc dữ liệu tốt hơn cũng là một lợi thế trước khi đưa dữ liệu vào mô hình phân tích và đưa ra quyết định.
Trong một buổi phỏng vấn tại TED 2015, James Simons cũng hé lộ một số ý tưởng cơ bản về hoạt động của mình. Trong đó ông nói rằng quỹ sử dụng một số chỉ báo và mô hình để dự báo sớm xu hướng của thị trường. Ông cũng cho rằng các dấu hiệu trên thị trường tài chính sẽ chỉ hiện lên trong một thời gian nhất định và lại chìm xuống, nhưng chúng không mất đi và sẽ ở lại đó cho lần xuất hiện tiếp theo. Vì vậy, các mô hình phân tích cần linh hoạt và thường xuyên cập nhật để đặt trọng tâm vào các dấu hiệu nổi bật nhất.
Trước đây, nhiều nhà đầu tư hỏi rằng liệu quỹ Renaissance Technologies’ Medallion có thể duy trì lợi nhuận cao chót vót trong tương lai không, họ sẽ chỉ nhận được câu trả lời: “Chúng tôi chạy nhanh hơn bất kỳ ai”. Trong thế giới tài chính hiện đại, việc nhanh chậm một phần giây khi đưa ra quyết định, đặt lệnh là vô cùng quan trọng. Nhiều công ty thậm chí bỏ ra hàng triệu đô chỉ để xây dựng đường truyền tín hiệu giúp việc đặt lệnh nhanh hơn vài mili giây. Do đó với việc sở hữu những mô hình, chỉ báo định lượng giúp đi trước thị trường dù chỉ một bước thì lợi nhuận tạo ra sẽ vô cùng khủng khiếp.
Lý thuyết Chern – Simons: chìa khóa giải quyết vấn đề?
Trước khi tìm hiểu Lý thuyết Chern-Simon có vai trò gì, ta cần hiểu về khái niệm: giao dịch hộp đen (Black Box Trading). Đây là một thuật ngữ được sử dụng khi chiến lược đầu tư được quyết định bởi các thuật toán máy tính thay vì các cách phân tích lựa chọn cổ phiếu truyền thống.
Một số quỹ đầu tư đã ủy thác các quyết định giao dịch cho các hộp đen do họ tạo ra. Máy tính lập trình để tuân theo các mô hình thuật toán. Người ta ước tính rằng giao dịch tần suất giao dịch từ Black Box chiếm tới hơn 50% của tất cả các giao dịch cổ phiếu tại New York.
Lý thuyết Chern – Simons ít được áp dụng nhiều trong thực tế cuộc sống, nhưng lại được ứng dụng khá nhiều trong nghiên cứu Vật lý, đặc biệt là ứng dụng để giải quyết các bài toán phức tạp trong Thuyết lượng tử. Tuy vậy, rất có thể lý thuyết này đã được Simons ứng dụng để xây dựng mô hình áp dụng cho hoạt động đầu tư tài chính.
Trong thực tế, các thuật toán của Simon đã đạt được một tốc độ cao với độ phức tạp theo hàm số mũ, vượt qua tất cả các thuật toán cổ điển mà chúng ta cho là có hiệu quả. Rất có khả năng với việc ứng dụng lý thuyết Chern-Simons vào Black Box của mình đã giúp James Simons nhanh chóng tính toán và xác định được xu hướng của thị trường nhanh hơn các đối thủ để kịp thời đưa ra quyết định đầu tư.
Đã có rất nhiều chuyên gia nghiên cứu thuật toán của Simons, nhưng họ vẫn chưa tìm ra cách ứng dụng của thuật toán này vào mô hình phân tích đầu tư như cách Simons đã làm. Có lẽ bí quyết đầu tư và thuật toán của Simons vẫn sẽ là một bí ẩn trong thời gian dài.
Nhiều người tin rằng chẳng có mô hình hay chỉ báo nào có thể thành công mãi mãi trên thị trường. Họ tự hỏi liệu bí quyết thành công của Medallion sẽ kéo dài bao lâu nữa. Tuy nhiên, hiện tại thì dù khi Simon đã nghỉ hưu, “cỗ máy in tiền” này vẫn hoạt động trơn tru. Kể cả trong nửa đầu năm 2016, trong khi nhiều quỹ đầu cơ chật vật, Renaissance Technologies’ Medallion vẫn có lợi suất hơn 20%.
Nguyễn Việt Nam