Investing.com -- Sự áp đảo về giao dịch của nhóm nhà đầu tư cá nhân là một đặc điểm nổi bật của thị trường cận biên như Việt Nam. Tuy nhiên, nhóm nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam lại thường đẩy mạnh giao dịch khi VN-Index đang trong xu hướng tăng hoặc ở vùng đỉnh, nhưng lại thiếu quyết liệt trong việc “cắt lỗ” khi thị trường bước vào giai đoạn giảm sâu, dẫn đến hiệu quả đầu tư kém.
Trong tổng số hơn 9 triệu tài khoản chứng khoán hiện nay thì 8,96 triệu tài khoản thuộc về nhà đầu tư cá nhân, chiếm tỷ trọng hơn 82% tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE. Mặc dù tỷ lệ active (tài khoản hoạt động giao dịch thực) vẫn ở mức thấp (khoảng 20%-30% ở một số công ty chứng khoán tầm trung – theo khảo sát của FiinGroup), đây vẫn là tín hiệu khá tích cực cho thấy mức độ quan tâm cao của nhà đầu tư cá nhân đối với thị trường cổ phiếu.
Rất khó để có thể đánh giá hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân một cách cụ thể. Quan sát của FiinGroup cho thấy nhóm nhà đầu tư cá nhân thường có khẩu vị rủi ro cao và gắn với các cổ phiếu có quy mô vừa và nhỏ.
Cụ thể, xét theo quy mô vốn hóa, dữ liệu của FiinGroup cho thấy nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 90% tổng giá trị giao dịch ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa (VNMID) và nhỏ (VNSML), vượt trội so với tỷ trọng 74% ở nhóm vốn hóa lớn (VN30) – tập hợp các cổ phiếu đầu ngành (bluechips). Đáng chú ý ở nhóm VN30, mặc dù tham gia giao dịch tích cực, tỷ lệ sở hữu thực tế của nhà đầu tư cá nhân (không tính đến nhóm cổ đông nội bộ) rất thấp, chỉ dưới 25%.
Xét theo ngành, Tài chính (bao gồm Ngân hàng, Chứng khoán), Thép và Bất động sản là ba nhóm được nhà đầu tư cá nhân giao dịch nhiều nhất. Điều này phản ánh sự ưu tiên của nhà đầu tư cá nhân cho các mã có thanh khoản cao và khả năng tạo sóng ngắn hạn.
Trên thực tế, nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn trong thanh khoản hàng ngày (bình quân trên 80%) và góp phần chính trong việc tạo động lực ngắn hạn cho VN-Index. Nhìn lại giai đoạn từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2023, dữ liệu giao dịch theo loại nhà đầu tư trên hệ thống FiinTrade cho thấy nhà đầu tư cá nhân có xu hướng mua ròng khi VN-Index tăng mạnh và bán ròng trong các đợt điều chỉnh.
Đáng chú ý, họ thường đẩy mạnh giao dịch khi VN-Index đang trong xu hướng tăng hoặc ở vùng đỉnh (VN-Index tăng 47% từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022), nhưng lại thiếu quyết liệt trong việc “cắt lỗ” khi thị trường bước vào giai đoạn giảm sâu (VN-Index giảm 32% từ tháng 2/2022 đến tháng 12/2022).
Để nâng cao hiệu quả đầu tư của nhà đầu tư cá nhân, theo FiinGroup, khó có giải pháp nào khác ngoài việc nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán. Cụ thể, FiinGroup kiến nghị:
- Thứ nhất, đẩy mạnh giảm sở hữu nhà nước ở những công ty, ngành mà Nhà nước không cần sở hữu chi phối hoặc kiểm soát.
- Thứ hai, khuyến khích các doanh nghiệp trên sàn UPCoM chuyển sang sàn niêm yết và nâng cao hoặc rà soát chuẩn niêm yết hoặc để các công ty tăng cường quản trị doanh nghiệp và minh bạch.
- Thứ ba, tiếp tục cải thiện hơn nữa chất lượng công bố thông tin. Chẳng hạn, tập trung cải thiện chất lượng công bố thông tin, khắc phục các vấn đề hiện nay như giải thích sự biến động kết quả kinh doanh không đi vào bản chất, lãnh đạo doanh nghiệp công bố thông tin ra công chúng nhưng lại giấu tên; đồng thời kiểm soát giao dịch của Ban lãnh đạo doanh nghiệp, ví dụ như xem xét hạn chế hiện tượng công bố thông tin mua/bán cổ phiếu nhưng lại không thực hiện mặc dù giá thị trường thấp hơn giá dự kiến mua hoặc cao hơn giá dự kiến bán.
Đối với thị trường TPDN, cần hình thành khung pháp lý cho các công ty bảo lãnh trái phiếu; tiếp tục chuẩn hóa minh bạch thông tin, đẩy mạnh hoạt động xếp hạng tín nhiệm và xây dựng nền tảng mềm (như đường cong lãi suất, lịch sử vỡ nợ...).