Vietstock - TTCK phái sinh đã sẵn sàng
Dự kiến đầu tháng 8 tới đây, thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh sẽ chính thức đi vào hoạt động. Trải qua một chặng đường khá dài chuẩn bị về cơ sở vật chất, điều kiện thị trường cũng như trình độ nhân lực, đến thời điểm này, có thể thấy tất cả mọi thứ đã đạt đến điểm chín muồi cho sự ra đời của TTCK phái sinh.
Nấc thang phát triển tiếp theo của TTCK
Là sản phẩm gắn liền với chứng khoán và TTCK, TTCK phái sinh đã hình thành và phát triển từ hàng trăm năm nay trên thế giới. Đến nay ước tính đã có trên 70 sở giao dịch chứng khoán phái sinh khác nhau trên thế giới. Dù Việt Nam hiện mới chỉ được xếp ở nhóm thị trường cận biên (frontier market) nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không được phép cho ra đời và vận hành những công cụ tài chính hiện đại.
TTCK Việt Nam đến nay đã ra đời được hơn 16 năm với những bước phát triển cả về chiều sâu lẫn chiều rộng. Thống kê cho thấy, trong những năm qua, quy mô TTCK đã tăng trưởng không ngừng. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu từ 43,2% GDP năm 2016 đã tăng lên 50,3% GDP vào tháng 3-2017, gấp hơn ba lần so với năm 2010 và trên 2.000 lần so với năm 2000. Trong khi đó, thị trường trái phiếu Chính phủ cũng có tốc độ tăng trưởng bình quân ở mức rất cao (31%/năm).
TTCK (bao gồm cả kênh cổ phiếu và trái phiếu) đã giúp huy động một nguồn vốn không nhỏ cho nền kinh tế với tổng giá trị vốn huy động được kể từ khi đi vào hoạt động đến nay đạt khoảng hai triệu tỉ đồng từ nhà đầu tư trong nước và khoảng 15 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư gián tiếp. Số lượng tài khoản giao dịch tính đến 31-12-2016 đạt 1,71 triệu tài khoản, trong đó có 9.942 tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư tổ chức.
Trên cơ sở đó, sự ra đời TTCK phái sinh được coi là bước tiếp theo để hoàn chỉnh cấu trúc thị trường tài chính, bao gồm thị trường huy động vốn và thị trường phân tán rủi ro. Ngoài những điều kiện vật chất liên quan đến hệ thống bù trừ thanh toán, khả năng đáp ứng quy định về vốn và trình độ nhân lực của các thành viên tham gia thị trường thì khung pháp lý cho thị trường vận hành cũng đã hoàn tất.
Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh với các quy định khung rất cơ bản về thiết kế, niêm yết sản phẩm, tổ chức giao dịch và thanh toán, công bố thông tin và quản lý giám sát trên TTCK phái sinh. Dưới Nghị định, Bộ Tài chính cũng đã ban hành các thông tư hướng dẫn. Đó là Thông tư 11/2016/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh và Thông tư 23/2017/TT-BTC sửa đổi một số điều của Thông tư 11/2016/TT-BTC tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình chuẩn bị triển khai TTCK phái sinh.
Tác động tích cực tới thanh khoản thị trường
Sự ra đời của TTCK phái sinh được đánh giá sẽ mở ra một cánh cửa mới cho TTCK nói riêng và thị trường tài chính Việt Nam nói chung ở khía cạnh hoàn thiện thể chế, cấu trúc thị trường và là tiền đề để cho ra đời các sản phẩm và công cụ đầu tư mới, hấp dẫn, phức tạp và đa dạng. Dễ thấy nhất chính là cơ hội gia tăng thanh khoản cho thị trường nhờ tăng tính hấp dẫn đối với cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài. Chứng khoán phái sinh là phân khúc thị trường nhằm mục tiêu phòng vệ rủi ro, cho nên các sản phẩm phái sinh sẽ trở thành công cụ quản trị rủi ro không thể thiếu đối với các danh mục đầu tư có quy mô vốn lớn tại Việt Nam, đặc biệt từ các công ty quản lý quỹ nước ngoài. Ngoài ra, với đặc tính sử dụng đòn bẩy tài chính cao, nhà đầu tư sẽ có khả năng thu được mức lợi nhuận rất lớn một khi đoán định đúng xu hướng thị trường. Yếu tố này được đánh giá là đặc biệt hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong nước.
Hiện Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã hoàn tất việc thiết kế ba sản phẩm chứng khoán phái sinh để giao dịch lần đầu trên TTCK phái sinh Việt Nam. Đó là hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ và hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu (áp dụng cho hai chỉ số VN30 và HNX30). Trong đó, hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index dự kiến sẽ được đưa vào giao dịch trên TTCK phái sinh ngay khi mở cửa thị trường. Mẫu hợp đồng đối với các sản phẩm này cũng đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Đáng lưu ý, chứng khoán phái sinh là sản phẩm giúp nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro song nó cũng ẩn chứa những rủi ro mang tính hệ thống. Trong lịch sử, TTCK thế giới đã nhiều lần chứng kiến rủi ro từ các sản phẩm chứng khoán phái sinh, gần nhất là cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 xuất phát từ loại chứng khoán được đảm bảo bằng các khoản nợ dưới chuẩn. Do vậy, các cơ quan quản lý cần nhận định rõ những trường hợp rủi ro có thể xảy ra, đồng thời phải liên tục giám sát, rút kinh nghiệm, chỉnh sửa các quy định khi TTCK phái sinh chính thức đi vào hoạt động.
Về dài hạn, TTCK phái sinh được kỳ vọng sẽ phát triển đa dạng về sản phẩm giao dịch, bao gồm các hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn đối với cả chứng khoán, tiền tệ và hàng hóa. Xa hơn nữa, bên cạnh một TTCK phái sinh tập trung, có thể cho phép tồn tại một TTCK phái sinh phi tập trung (OTC) có quản lý. Thực tế cho thấy, một số loại sản phẩm phái sinh tiền tệ phù hợp với giao dịch trên thị trường OTC, một số sản phẩm khác lại phù hợp với giao dịch trên thị trường tập trung.