BÀI DỰ THI: SẮC MÀU CHỨNG KHOÁN
Vietstock - TTCK: Nơi những bài học chóng quên
Quá khứ luôn lặp lại, chỉ có con người là mau quên. Những bài học kinh nghiệm luôn luôn đúng, chỉ có những nhà đầu tư cứ học hoài mà không thuộc.
Năm 2017 có thể được xem là màn trình diễn chói sáng của chứng khoán Việt Nam trong xu hướng tăng dài hạn đã được thiết lập từ năm 2012, giúp nhiều nhà đầu tư thu được lợi nhuận đáng kể. Tuy nhiên, bản thân tôi lại có nhiều sự nuối tiếc khi đã có không ít quyết định sai lầm.
Từ quyết định đúng
Đó là một ngày cuối tháng 9, sau nhiều cân nhắc và lựa chọn, tôi đã quyết định mua vào cổ phiếu của ngân hàng Vietcombank (HM:CTG) (VCB), với mức giá bình quân quanh 37,000 đồng/ cp. Có nhiều cơ sở để tôi quyết định đầu tư vào VCB ở thời điểm đó. Đầu tiên là, dù thị trường đã trải qua một giai đoạn tăng mạnh suốt từ đầu năm nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa thật sự bứt phá được nhiều như dự báo.
Thứ hai là, cổ phiếu VCB đã trải qua một thời gian dài tích lũy quanh vùng giá 35,000 – 37,000 đồng/cp, trong khi đây là ngân hàng lớn và hiệu quả nhất suốt nhiều năm. Thật vậy, là 1 trong 4 'ông lớn' ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước, quy mô kinh doanh của Vietcombank luôn dẫn đầu nhờ uy tín, hình ảnh và thương hiệu mạnh mẽ, mạng lưới có độ phủ lớn, chất lượng tín dụng ổn định và thực chất, trong khi cùng với MBBank là 2 ngân hàng có chi phí vốn ở mức thấp nhất trong ngành nhờ có lượng tiền gửi thanh toán lớn.
Ngoài ra, kể từ khi NHNN quy định trần lãi suất huy động USD về 0% từ cuối năm 2015, một lượng tiền gửi ngoại tệ khổng lồ từ các ngân hàng khác có xu hướng dịch chuyển về những ngân hàng lớn như VCB do có vị thế vượt trội, giúp nguồn vốn ngoại tệ của ngân hàng càng thêm dồi dào. Vì vậy, ngân hàng này có điều kiện phát triển mạnh các khoản cho vay ngoại tệ với biên lãi suất cao hơn rất nhiều so với VND, đồng thời chuyển đổi một lượng lớn vốn ngoại tệ sang tiền đồng để cho vay với lãi suất cao hơn, cũng như có đủ nguồn vốn để đầu tư một lượng lớn trái phiếu ngoại tệ do chính phủ phát hành với lãi suất hấp dẫn, trong khi chi phí vốn USD đầu vào là 0%.
Bên cạnh đó, với thế mạnh truyền thống về kinh doanh ngoại hối và có lượng khách hàng cơ sở lớn ở nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nguồn thu từ dịch vụ và ngoại hối của VCB cũng gần như “vô địch” trong ngành.
Thứ ba là, thời điểm đó đã xuất hiện những thông tin tích cực quanh VCB như khả năng bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, kế hoạch thoái vốn tại các ngân hàng mà VCB đang sở hữu như OCB, MBB, EIB,… có thể giúp mang lại lợi nhuận đột biến, bên cạnh việc sắp đến ngày chốt quyền chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông, nên càng thúc đẩy nhiều nhà đầu tư quyết định “lăn chốt”.
Vốn làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, do đó, tôi có hiểu biết sâu về hoạt động của ngành ngân hàng nói chung và các ngân hàng bạn nói riêng, tôi đánh giá VCB không chỉ là 'cánh chim đầu đàn' của ngành ngân hàng trong quá khứ, hiện tại, mà còn cả dự báo cho tương lai, khi Chính phủ cũng định hướng Việt Nam phải có 3-5 ngân hàng thuộc tốp đầu của khu vực. Ở đây, tôi đã thực hiện đúng như lời khuyên của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet, đó là “chỉ nên đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mà mình hiểu rõ cách thức hoạt động và vận hành”.
Và diễn biến thị trường sau đó đã chứng minh quyết định của tôi là hoàn toàn đúng. Chỉ vài ngày sau đó, tức từ đầu tháng 10, cổ phiếu VCB bắt đầu có sự bứt phá mạnh, vượt kháng cự ở vùng 38,000 đồng/cp, kèm theo đó là những phiên thanh khoản tăng vọt. Sau khi vượt mốc 40,000 đồng/cp vào những ngày cuối tháng 10, tốc độ tăng giá cổ phiếu VCB ngày càng nhanh hơn, trong đó không ít phiên đã có thời điểm chạm được mức giá trần.
Giá cổ phiếu VCB sau đó đã vươn đến mốc được nhiều người chờ đợi nhất tại 50,000 đồng/cp vào ngày 30/11. Về phần mình, tôi cũng đã sớm chốt lời ở vùng giá 48,000 đồng/cp vào ngày 22/11, tức đúng 2 tháng kể từ khi mua vào cổ phiếu này, tỷ suất sinh lời đạt được là 30% không tính lãi từ chia cổ tức. Thật ra, lúc đó, tôi chỉ quyết định tạm thoát ra khỏi VCB và chờ đợi giá điều chỉnh từ 15-20% sẽ vào lại, vì tôi cho rằng xu hướng tăng của VCB vẫn chưa kết thúc.
Diễn biến sau đó cho thấy sự nhạy cảm của tôi là chính xác, giá cổ phiếu VCB sau khi chạm mốc tâm lý 50,000 đồng/cp đã điều chỉnh mạnh theo diễn biến chung của thị trường. Khi đó, tôi đã vui mừng nghĩ thầm “Các mốc kháng cự tâm lý quả thật không bao giờ sai, may là mình thoát kịp”.
Đến hàng loạt quyết định sai
Việc chốt lời đúng thời điểm tại cổ phiếu VCB đã giúp tôi thêm tự tin vào những nhận định của mình. Dù vậy, tôi vẫn theo dõi và chờ đợi thời điểm thích hợp để nhảy vào lại VCB. Tuy nhiên, để tối ưu hóa dòng tiền nhàn rỗi của mình, tôi đã nhảy vào lướt sóng cổ phiếu Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC) tại mức giá 13,000 đồng/cp vào ngày 24/11, sau 2 ngày nhảy khỏi “chuyến tàu” VCB khi tiền vừa về đến tài khoản.
Lý do để tôi quyết định lướt sóng ở cổ phiếu KBC khi đó là do nhận thấy cổ phiếu này đã rớt xuống mức thấp, ngược chiều với xu hướng đi lên của thị trường suốt thời gian dài, nên mức độ an toàn khá cao trong bối cảnh thị trường chung đang bắt đầu điều chỉnh. Thứ hai là, lợi nhuận KBC thời điểm đó có sự đột biến vì thoái vốn, trong khi thanh khoản cũng tăng vọt và có dấu hiệu thiết lập xu hướng tăng trở lại sau chu kỳ giảm kéo dài. Thứ ba là, nhiều công ty chứng khoán định giá hợp lý của cổ phiếu KBC phải quanh 19,000 đồng/cp, đồng thời đưa khuyến nghị mua vào.
Và cổ phiếu KBC sau đó thật sự đã tăng nhanh, tiếp cận gần vùng 15,000 đồng/cp ngay những ngày đầu tháng 12, tức tôi đã đạt tỷ suất sinh lời gần 15% chỉ trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng giá cổ phiếu KBC còn tiếp tục lên, ít nhất phải gần bằng với mức định giá của các công ty chứng khoán. Do đó, tôi quyết định vẫn tiếp tục nắm giữ, trái ngược với ý định lướt sóng ban đầu. Ở đây, nguyên tắc đầu tư lướt sóng và chốt lời nhanh đã bị xâm phạm, và đây cũng là thời điểm khởi đầu cho những nuối tiếc sau đó.
Giá cổ phiếu KBC đã không thể vượt được mốc kháng cự ở 15,000 đồng/cp như kỳ vọng và nhanh chóng suy yếu dần sau đó, tôi cũng đã đánh mất cơ hội chốt lời nhanh. Về phần VCB, cổ phiếu này sau hơn 2 tuần điều chỉnh, ngày 12/12 đã giảm mạnh và “nhúng” nhanh xuống mức thấp nhất ở 41,600 đồng/cp, để rồi sau đó bật mạnh trở lại, bất ngờ đóng cửa trong sắc xanh khi dòng tiền ồ ạt nhảy vào bắt đáy. Về phần mình, tôi đã không kịp quay lại VCB như kế hoạch ban đầu vì dòng vốn vẫn đang bị mắc kẹt tại KBC.
Kể từ sau đó, cổ phiếu VCB tiếp tục phục hồi trở lại cùng với xu hướng tăng mạnh của ngành ngân hàng để dẫn dắt thị trường, đặc biệt sau khi vượt mốc 50,000 đồng/cp thì VCB càng bứt phá mạnh mẽ để chạm mức cao nhất ở 76,500 đồng/cp vào ngày 19/3, tức đã tăng hơn gấp đôi so với mức giá tôi đã mua vào cách đó 6 tháng. Lúc này, tôi mới thấm thía câu nói mà thật ra mình đã biết từ lâu “bán bò tậu ễnh ương”.
Thật ra, thời điểm chốt lời cổ phiếu VCB, tôi cũng bị ảnh hưởng một phần bởi phân tích của các công ty chứng khoán, khi hầu hết tổ chức đều định giá hợp lý cổ phiếu VCB chỉ quanh 52,000 đồng/cp, nên khi giá sắp chạm 50,000 đồng/cp, vừa là mốc kháng cự tâm lý và cũng gần với định giá hợp lý, tôi quyết định tạm thoát ra. Tuy nhiên, sau này, khi giá cổ phiếu VCB tăng mạnh thì các tổ chức cũng liên tiếp dời mức định giá lên 60,000 đồng/cp, rồi 70,000 đồng/cp theo diễn biến của thị trường. Sau này, tôi mới rút ra bài học rằng “ý kiến của các tổ chức, chuyên gia chỉ nên là một trong những cơ sở tham khảo và thông thường cũng chỉ chạy sau thị trường.”
Đến bây giờ, sau 1 năm thì giá cổ phiếu VCB dù đã điều chỉnh đáng kể về quanh 55,000 đồng/cp, nhưng vẫn còn cao hơn so với mức giá “chốt lời non” của tôi cách đây 1 năm. Trong khi đó, khoản đầu tư tại KBC tôi vẫn còn giữ cho đến tận bây giờ, dù giá KBC mãi lình xình chưa thể lấy lại mức 13,000 đồng/cp. Nhưng rút kinh nghiệm từ bài học lần trước, có lẽ tôi sẽ cố gắng trung thành và kiên định nắm giữ khoản đầu tư mà mình đã lựa chọn, khi KBC hiện cũng đang đón nhận nhiều thông tin tốt và có thể tận dụng được cơ hội từ dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển sang Việt Nam trước rủi ro cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện tại.
Diễn biến giá cổ phiếu VCB trong gần 2 năm qua
Ngoài thương vụ giao dịch tại VCB, thời điểm tháng 10/2017, tôi cũng có một thương vụ gây nuối tiếc không kém tại cổ phiếu Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHB (HN:SHB)). Cùng với VCB, tôi cũng mua vào SHB khi nhận thấy đây là một trong những ngân hàng có quy mô lớn nhưng giá cổ phiếu quá thấp, cũng như để đón đầu sóng cổ phiếu ngân hàng. Thời điểm tôi mua vào SHB là tại mức giá quanh 8,000 đồng/ cp, trong những phiên mà khối lượng giao dịch khớp lệnh đột biến lên đến hàng chục triệu cổ phiếu/phiên.
Và tôi cũng lần nữa dự báo chính xác khi cổ phiếu SHB tăng mạnh sau đó, tiếp cận lại gần mệnh giá 10,000 đồng/cp. Lúc đó, vì cần tiền nên tôi tạm thoát ra khi giá gần chạm mốc kháng cự tâm lý này, và đúng là cổ phiếu SHB cũng điều chỉnh về lại vùng 8,500 đồng/cp, nhưng rồi sau đó đã nhanh chóng quay lại xu hướng tăng, chạm mức cao nhất trên 13,000 đồng/cp trong tháng 3, tức tăng hơn 60% so với mức giá tôi đã mua vào. Nhưng cũng như VCB, tôi đã không thể nào bắt đáy được SHB trong đợt điều chỉnh đó, để rồi tiếc nuối nhìn giá cổ phiếu cứ bứt phá giai đoạn sau này. Đúng là khi đã quyết định đầu tư, kiên nhẫn và giữ vững tâm lý có lẽ là bài học quan trọng nhất.
Lê Hải
FILI
Kính mời bạn đọc tham gia Cuộc thi viết: SẮC MÀU CHỨNG KHOÁN Chi tiết xem tại: >> Khởi động cuộc thi viết: SẮC MÀU CHỨNG KHOÁN |