Theo Dong Hai
Investing.com – Trình giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu; Đơn hàng dệt may chững lại; Các quỹ lớn đều đạt hiệu suất âm sau 6 tháng đầu năm. Thị trường Việt Nam hôm nay sẽ có các tin tức mới với nội dung dưới đây.
1. Trình giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu
Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký thông qua Dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn theo đề nghị của Bộ Tài chính.
Cụ thể, mức thuế suất thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng được đề xuất giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; thuế với nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; và dầu hỏa giữ nguyên ở 300 đồng/lít vì đây đã là mức sàn trong khung thuế bảo vệ môi trường.
Sau giai đoạn này, từ năm 2023, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trường hợp nghị quyết được ban hành trong tháng 7, Bộ Tài chính đề nghị hiệu lực thi hành của nghị quyết áp dụng từ ngày 1/8 để đảm bảo việc triển khai thực hiện kịp thời.
2. Các quỹ lớn đều đạt hiệu suất âm sau 6 tháng đầu năm
Theo số liệu tại cuối tháng 6, VFMVN Diamond ETF ghi nhận hiệu suất khả quan nhất thị trường dù âm 3,6%. Tỷ suất đầu tư của VFMVN Diamond ETF vượt xa thị trường chung do các cổ phiếu có tỷ trọng lớn như PNJ (HM:PNJ), FPT (HM:FPT), MWG (HM:MWG), REE (HM:REE)... đều tăng trưởng dương so với đầu năm.
Các quỹ ETF sử dụng tham chiếu là VN30 Index như VFM VN30 âm 18,3%, SSIAM VN30 âm 18,8% MAFMVN30 ETF âm 18,5%… do chỉ số VN30 ghi nhận hiệu suất âm gần 18,7% trong nửa đầu năm nay. VanEck Vietnam ETF là quỹ hiệu suất tệ nhất khi âm 31,9%, gấp rưỡi so với mức giảm 20,7% của VN-Index từ đầu năm đến nay. Quy mô của quỹ là gần 378 triệu USD, trong đó VIC (HM:VIC), VHM (HM:VHM), HPG (HM:HPG) chiếm tỷ trọng lớn nhất. Hiệu quả đầu tư của các quỹ ETF còn lại đều có mức âm trung bình 22-27%.
Các quỹ đầu tư chủ động đều có tỷ suất đầu tư âm khoảng 20%, tương đương mức giảm của VN-Index. Quỹ hơn 2 tỷ USD của Dragon Capital - Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) ghi nhận hiệu suất âm 20,1%. Phần lớn các cổ phiếu thuộc top 10 danh mục quỹ đều giảm mạnh như HPG, VPB (HM:VPB), ACB… Tương tự VEIL, PYN Elite Fund có hiệu suất âm tương tự VN-Index với âm 20%.
3. Đơn hàng dệt may chững lại
Theo thống kê 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may với 22,3 tỷ USD. Cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành chủ lực với mức tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, từ giữa quý II, những biến động về thị trường, lạm phát trên thế giới đang khiến đà tăng trưởng này chậm lại.
Theo các công ty sản xuất hàng may mặc trong nước, khách hàng đã rút ngắn thời gian đặt trước đơn hàng do lượng hàng tồn kho ở thị trường xuất khẩu ở mức cao và người dân thắt chặt chi tiêu. Trước đây, khách hàng thường đặt hàng trước 6 tháng thì nay chỉ đặt hàng trước 3 tháng.
Lý giải về tình trạng này, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thắt chặt chi tiêu là một phần. Phần lớn lượng hàng tồn kho của phía đối tác châu Âu, Mỹ là quần áo mặc thiết yếu ở thời điểm dịch COVID-19 bùng phát người dân hạn chế ra ngoài, nay lượng hàng này dồn lại. Ngoài ra, nhu cầu chuyển sang các mặt hàng quần áo công sở, du lịch, hoạt động ngoài trời khiến doanh nghiệp sẽ mất thời gian xử lý hàng tồn. Theo Hiệp hội, việc ùn ứ, chậm đơn hàng chỉ diễn ra cục bộ ở một số nhóm mặt hàng nhất định khi mà nhu cầu tiêu dùng đang định hình lại.