Vietstock - Tràn ngập cổ phiếu "rác"
Phải nhanh chóng có cách xử lý tình trạng cổ phiếu mất thanh khoản để làm mạnh thị trường.
Hai năm trở lại đây, thị trường chứng khoán phục hồi và tăng trưởng mạnh, VN-Index có thời điểm vượt 1.200 điểm, giá trị giao dịch trung bình 5.000-7.000 tỉ đồng/phiên, cổ phiếu tăng giá gấp nhiều lần so với trước. Tuy nhiên, không phải cổ phiếu nào cũng có giao dịch tốt, tăng trưởng cùng với thị trường.
Rẻ hơn cả trà đá
Ngược lại, trên sàn hiện nay có rất nhiều mã chứng khoán gần như mất thanh khoản hoàn toàn, giá cả nhiều năm không vượt nổi mệnh giá, thậm chí ngày càng lao dốc khiến nhà đầu tư xa lánh. Thị trường vẫn gọi những cổ phiếu này với cái tên như cổ phiếu đầu cơ, penny, cổ phiếu trà đá hay gần đây là cổ phiếu "rác".
Hơn nửa số cổ phiếu trên các sàn dưới mệnh giá và không có giao dịch ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh thị trường chứng khoán Việt Nam Ảnh: HOÀNG TRIỀU
|
Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, tại sàn TP HCM (HoSE) hiện có hơn 100 trên tổng số 364 mã cổ phiếu đang niêm yết có giá dưới mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu). Trong đó, mã LCM của Công ty CP Khai thác và Chế biến Khoáng sản Lào Cai giá chỉ 800 đồng/cổ phiếu, rẻ hơn cả một ly trà đá lề đường. Doanh nghiệp (DN) này lên sàn tháng 9-2011 với giá 22.900 đồng, tăng giá mạnh được vài tháng rồi trượt dài từ đầu năm 2012 đến nay. Nguyên nhân chủ yếu là do kết quả kinh doanh bết bát của DN, cộng thêm việc liên tục phát hành cổ phiếu khiến nhà đầu tư mất niềm tin. Tuy nhiên, đây là mã chứng khoán yêu thích của các "đội lái" khi giá tăng trần hoặc giảm sàn nhiều phiên liên tục không rõ lý do.
Rất nhiều mã cổ phiếu khác cũng trong tình trạng tương tự LCM, như VHG của Công ty CP Đầu tư Cao su Quảng Nam, chỉ có giá 1.080 đồng/cổ phiếu. VHG niêm yết tháng 1-2008 với giá lên tới 96.000 đồng/cổ phiếu, cũng vì làm ăn thua lỗ và không ngừng phát hành thêm nên bị nhà đầu tư quay lưng. Hiện VHG đang nằm trong diện kiểm soát của HoSE do thua lỗ 2 năm liên tục. Hay như mã ATG của Công ty CP An Trường An chỉ 1.200 đồng/cổ phiếu; mã PPI của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương, giá 1.200 đồng/cổ phiếu; mã TSC của Công ty CP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ, giá 1.840 đồng/cổ phiếu…
Ngay cả những cổ phiếu từng một thời rất lừng lẫy trên thị trường, được nhà đầu tư săn đón hiện giá cũng quá thấp, như SAM (chưa tới 8.000 đồng/cổ phiếu), ITA (chưa tới 2.800 đồng/cổ phiếu).…
Những cổ phiếu dạng này trên sàn Hà Nội (HNX) và UpCoM số lượng gấp nhiều lần sàn HoSE, với trên 520 mã. Một môi giới có kinh nghiệm cho biết những cổ phiếu này trên sàn "nhiều vô kể". Nhà đầu tư mua bao nhiêu cũng không có quyền lợi gì, cổ tức năm nào cũng chia nhưng toàn là "giấy", chủ DN suốt ngày chỉ quan tâm đến lướt sóng, tạo sóng trên chính cổ phiếu công ty mình, thường hứa hẹn về giá cổ phiếu, hết dự án bánh vẽ này đến dự án bánh vẽ khác…
Ngoài ra, trên các sàn hiện nay còn có rất nhiều mã cổ phiếu không có giao dịch, những cổ phiếu được niêm yết theo kiểu đối phó, số lượng lên tới hơn 760 mã. Trong đó, không ít mã nhiều phiên, nhiều tháng, thậm chí cả năm trời không kiếm nổi một giao dịch. Do đó, giá cổ phiếu thường đứng yên, hoặc biến động rất ít. Tuy nhiên, vì hiện nay chưa có quy định cổ phiếu không có giao dịch hay cạn thanh khoản phải rời sàn nên những cổ phiếu thế này vẫn ung dung tồn tại. Các chuyên gia nhận định đây có thể là một trong những lý do khiến Việt Nam không được thăng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi vì thanh khoản còn thấp so với số lượng cổ phiếu niêm yết.
Phải cải tổ thị trường
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN), cho rằng việc cổ phiếu tốt nhiều người mua hay có cổ phiếu "treo" giá cao cũng không khớp lệnh… là điều bình thường. Chỉ khi nào DN thua lỗ thường 3 năm liên tiếp hay lỗ hơn vốn điều lệ, cổ phiếu mới bị hủy niêm yết bắt buộc. Còn việc có nhiều cổ phiếu giá "bèo" hay cổ phiếu không có giao dịch thực tế không ảnh hưởng nhiều đến việc nâng hạng của thị trường vì còn phụ thuộc vào nhiều tiêu chí khác.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, những vấn đề về dung lượng, chất lượng cổ phiếu trên sàn… cơ quan quản lý đã nhìn thấy. Sắp tới, UBCKNN bên cạnh việc phát triển về quy mô thị trường, sẽ để ý đến chất lượng DN niêm yết. "Sẽ nâng điều kiện để trở thành công ty đại chúng, điều kiện để niêm yết trên sàn, cũng như nâng cao chất lượng quản trị DN. Những điều kiện này sẽ được thể hiện qua nghị định mới của Chính phủ cũng như đưa cả nội dung quản trị DN vào Luật Chứng khoán sửa đổi. Trong đó, chú ý nhất là nội dung nâng cao chất lượng hoạt động của HĐQT, phải có thành viên HĐQT độc lập… Đặc biệt, trong quản trị DN sẽ có quy định về việc bảo vệ cổ đông nhỏ" - ông Dũng nhấn mạnh.
Người đứng đầu UBCKNN cho hay cơ quan quản lý cũng sẽ siết chặt tiêu chí về công bố thông tin của DN niêm yết nhằm bảo đảm sự minh bạch cho thị trường. Cuối cùng là hướng đến áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế nhằm thúc đẩy sự chuẩn mực, minh bạch cho các DN niêm yết.
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Tài chính Kế toán Trường ĐH Kinh tế TP HCM, đánh giá quản trị DN là mấu chốt, tạo nên sự minh bạch cho thị trường chứng khoán. "Thực tế DN của ta thiếu chuẩn mực trong quản trị, nhóm cổ đông điều hành chi phối nhiều, cổ đông nhỏ không được bảo vệ. Hậu quả là báo cáo kiểm toán dễ bị điều chỉnh. Rồi có hiện tượng đột biến lợi nhuận, đột biến thua lỗ làm cho nhà đầu tư mất niềm tin vào cổ phiếu của DN đó. Quan trọng hơn là DN chưa chú trọng hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR), vì thiếu IR giống như bán hàng mà thiếu giới thiệu, quảng bá và gắn kết trao đổi thông tin giữa các nhà đầu tư với DN… Có như vậy nhà đầu tư mới mua cổ phiếu" - ông Chí phân tích.
Ông Hoàng Hải, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), đề nghị cơ quan quản lý về chứng khoán cần hành động nhiều hơn, cải tổ và quyết liệt hơn. Cụ thể là sắp xếp, siết lại các quy định, luật, tiêu chuẩn niêm yết. Nếu các cổ phiếu không đủ tiêu chí cần mạnh dạn loại khỏi sân chơi, chứ không để tình trạng cổ phiếu "rác" làm ảnh hưởng thị trường và rủi ro cho nhà đầu tư. Đó cũng là làm cho thị trường thực sự ổn định, bền vững hơn.
Đừng nghĩ lên sàn để thoái vốn Theo TS Lê Đạt Chí, thời gian qua, nhiều DN vẫn nghĩ cố gắng cổ phần hóa, niêm yết đúng theo quy định nghĩa là xong. Hay có DN lên sàn chỉ để thoái vốn thay vì xây dựng công ty tốt để huy động vốn. Do đó, phải làm thế nào thay đổi suy nghĩ này của DN. "Nếu không tạo được niềm tin cho nhà đầu tư thì mãi mãi sẽ không thu hút được tiền của họ khi có nhu cầu" - ông Chí nhấn mạnh. |
Sơn Nhung - Trang Nguyễn