Vietstock - TP.HCM xuất hiện căn hộ với giá bán 334 triệu đồng/m2
Tại buổi báo cáo thị trường bất động sản nhà ở quý 1/2019 diễn ra vào sáng ngày 04/04, DRKA cho biết ngoại trừ phân khúc nhà phố/biệt thự và condotel có sự tăng nhẹ thì các phân khúc còn lại gồm đất nền, căn hộ và biệt thự biển để sụt giảm về cả nguồn cung và lượng tiêu thụ so với quý trước.
Nguồn cung đất nền tiếp tục xu hướng giảm
DKRA ghi nhận có 2 dự án đất nền mới được mở bán trong quý đầu năm 2019, trong đó có 1 dự án ở Củ Chi và 1 dự án ở quận 9, cung cấp ra thị trường 259 nền, bằng 24% nguồn cung quý trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 86%, tương ứng 224 nền.
Có rất nhiều lý do để lý giải cho việc nguồn cung phân khúc đất nền sụt giảm. Một trong những lý do là Quyết định 60 của UBND TP.HCM về tách thửa. Về cơ bản, nhu cầu ở phân khúc này vẫn khá cao, hầu như sản phẩm đưa ra là hấp thụ ngay.
Giá đất nền ở khu vực phía Đông là đáng chú ý nhất, vào khoảng 23 triệu đồng/m2 và cao nhất là 180 triệu đồng/m2. Tùy từng vị trí sẽ có những mức giá cao hơn. Tại khu vực TP.HCM, đất giao dịch thứ cấp biến động giá không nhiều so với cùng thời điểm ở năm 2017 và 2018.
Theo dự báo của DKRA, đất nền tiếp tục là kênh lựa chọn hàng đầu mặc dù thị trường gần đây có xu hướng giảm. Đến quý 2/2019, phân khúc này có thể sẽ tăng mạnh so với quý 1, đặc biệt là đất nền phân lô tại các tỉnh giáp ranh TP.HCM như Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai.
Nguồn cung căn hộ rơi xuống mức thấp nhất theo quý kể từ 2016
Trong quý đầu năm 2019, có 8 dự án mới bán ra thị trường (Metro Star, Centum Wealth Complex, Hausbelo, Sunshine City, Midtown, Park Legend và The Grand Manhaltan), trong đó có 5 dự án mới và 3 dự án giai đoạn tiếp theo, cung cấp ra thị trường khoảng 2,700 căn, bằng 25% so với quý trước. Lượng tiêu thụ đạt 86%, tương đương 2,326 căn, bằng 29% quý trước.
Với những số liệu trên có thể thấy, nguồn cung căn hộ trong quý 1/2019 rơi xuống mức thấp nhất theo quý tính từ năm 2016 đến nay, chỉ bằng 1/4 quý trước và tỷ lệ tiêu thụ bằng 29% quý trước.
Trong số 8 dự án được tung ra thị trường, có 55% là căn hộ hạng B (có giá trên 1,000 USD/m2), 25% là căn hộ hạng A và căn hộ hạng sang là 20%. Đáng lưu ý, căn hộ hạng C (dưới 1,000 USD/m2) tiếp tục “vắng bóng” trên thị trường. Với tình hình này, nguồn cung căn hộ hạng C lại duy trì sự khan hiếm.
Trong suốt 2 năm vừa qua, thị trường căn hộ có xu hướng tập trung ở khu Đông - khu vực chủ đạo của thị trường và tỷ lệ tiêu thụ của khu vực này cũng lớn nhất.
Một điểm đặc biệt, giá căn hộ hạng sang của 1 dự án tại trung tâm quận 1 đưa ra lên đến 334 triệu đồng/m2, tương đương gần 16,000 USD/m2. “Thật sự khi nhìn vào bảng giá này tôi cũng hết hồn vì lần đầu tiên có mức giá cao như vậy, trong khi năm 2017, 2018 mức giá cao nhất của căn hộ cũng chỉ 240 - 250 triệu đồng/m2”, ông Nguyễn Hoàng – Giám đốc bộ phận R&D chia sẻ. Đây là kỷ lục mới về mức giá của căn hộ hạng sang. Điều này cho thấy, đến một lúc nào đó thị trường căn hộ sẽ tiệm cận đến các nước xung quanh như Băng Cốc, Malaysia,…
Về nguồn cung căn hộ trên thị trường trong tương lai, mức dao động căn hộ được dự báo có thể sẽ lên 5,000 - 7,000 căn, nguồn cung và sức cầu của thị trường có thể tăng hơn so với quý 1, trong đó khu Đông và khu Nam chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung. Phân khúc hạng A và B tiếp tục dẫn dắt thị trường trong khi nguồn cung căn hộ hạng C khan hiếm.
Với giá bất động sản ở TP.HCM đang leo thang như hiện nay thì việc tiếp cận nhà ở của người dân trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Ông Phạm Lâm - nhà sáng lập DKRA nói vui rằng: “Nghĩ đến việc mua một bất động sản tại TP.HCM với giá 1 tỷ đồng hiện nay rất khó, có được sổ đỏ trong tay rất căng, mà làm để có được 1 tỷ thì rất mệt”.
Ông Lâm cũng chỉ ra rằng, thị trường hiện nay không có nguồn cung từ căn hộ hạng C. Thêm vào đó, giá tại các khu vực hiện nay rất cao, kể cả những khu vực mà trước đây tạm gọi là “dễ mua” như Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh,.. Trong giai đoạn hiện nay người mua dần “chấp nhận” thị trường khi giá đất ở Hóc Môn trên 30 triệu đồng/m2 hay quận 9 có giá 40 triệu đồng/m2 vẫn được cho là “bình thường”.
Kể từ giữa năm 2018, sự chững lại của thị trường bất động sản TP.HCM đã góp phần làm nở rộ các phân khúc như căn hộ, nhà phố/biệt thự tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và xa hơn là Bình Thuận. Trong khi trước đó những khu vực này chỉ nở rộ phân khúc đất nền.
Sự xuất hiện của nhiều dự án có quy mô lớn, được quy hoạch bài bản đã thiết lập những mặt bằng giá mới và hình thành nhiều điểm nóng đáng chú ý như Nhơn Trạch, Long Thành, Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa, Bà Rịa, Phan Thiết,…
Nguyên Ngọc