Vietstock - TPHCM dừng làm tuyến buýt nhanh 3.000 tỉ đồng
Do việc xây dựng tuyến xe buýt nhanh (BRT) chạy dọc đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ chưa mang lại hiệu quả nên loại hình vận chuyển này sẽ được thay thế bằng tuyến xe buýt chất lượng cao, theo kết quả rà soát của Sở Giao thông Vận tải TPHCM.
Theo kết quả rà soát tính khả thi và hiệu quả của việc đầu tư tuyến xe buýt nhanh (BRT) được Sở GTVT TPHCM hoàn thành và báo cáo chính quyền TPHCM hồi cuối tháng 8-2017 thì loại hình BRT chỉ phát huy hiệu quả tại các khu vực dân cư phát triển mới, tập trung dày đặc dọc theo các hành lang mà tuyến BRT đi qua.
Qua rà soát, lượng khách năm đầu tiên đi BRT dự kiến vào khoảng 17.700 lượt người một ngày, thấp hơn so với dự báo trước đây là hơn 24.700 lượt người. Lượng hành khách đi BRT được cho là cao hơn không nhiều so với các tuyến buýt bình thường hiện nay, thậm chí thấp hơn một số tuyến xe buýt, trong khi kinh phí đầu tư tuyến BRT là gần 144 triệu đô la Mỹ (khoảng 3.036 tỉ đồng).
Do vậy, Sở GTVT đề xuất chính quyền TPHCM cho làm tuyến xe buýt chất lượng cao sử dụng nhiên liệu sạch ở trục đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ thay vì làm BRT. Với cơ sở hạ tầng và tổ chức giao thông đặc thù, thành phố có thể linh hoạt hơn trong việc tổ chức các tuyến xe buýt chất lượng dịch vụ cao này.
Về hạ tầng nên đầu tư đồng bộ để người dân tiếp cận với xe buýt như có dịch vụ xe đạp công cộng, bãi đỗ xe cá nhân ở những điểm xe buýt. Ở những đoạn chưa đô thị hóa sẽ đầu tư với quy mô phù hợp, tiết kiệm chi phí.
Sở GTVT TPHCM cho rằng, việc đầu tư xe buýt chất lượng cao sẽ giảm được quy mô đầu tư các hạng mục như hệ thống giao thông thông minh (ITS), thiết bị soát vé, nhà chờ kết cấu hạ tầng, chi phí đầu tư phương tiện BRT.
Bênh cạnh đó, khi làm tuyến xe buýt chất lượng cao vẫn thực hiện được dự án tranh thủ được nguồn vốn ODA, tránh được rủi ro, thất bại khi phương án BRT không hiệu quả.
Nguồn vốn tiết kiệm được từ đầu tư BRT sẽ dùng để đầu tư một trung tâm điều hành quy mô lớn đảm trách toàn bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TPHCM. Ngoài ra, sẽ đầu tư thêm xe sử dụng nhiên liệu sạch cho các tuyến xe buýt có lượng hành khách đi lại lớn.
Hôm 8-9, Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã nghe báo cáo kết quả rà soát tính khả thi của dự án BRT. Theo nguồn tin TBKTSG Online có được, tại cuộc họp này đại diện của Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị (UCCI- đơn vị nghiên cứu dự án) báo cáo rằng qua 4 lần khảo sát, đánh giá mô hình BRT của Hà Nội cũng như tham khảo mô hình BRT ở Nam Mỹ, châu Âu, châu Á thì việc làm tuyến buýt nhanh tại thời điểm này là chưa phù hợp.
Thay vì làm BRT, TPHCM nên làm tuyến xe buýt chất lượng cao ở tuyến đường dự định làm BRT là đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, 5-10 năm sau khi có điều kiện thì có thể nâng cấp lên BRT. Sau cuộc họp Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cũng thống nhất với phương án dừng dự án BRT, thay vào đó sẽ làm tuyến xe buýt chất lượng cao.
Trước đó, dự án tuyến xe buýt nhanh (BRT) dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ đã được nghiên cứu với chiều dài tuyến là 23 km, kéo dài từ vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân đến ga Rạch Chiếc, quận 2. Tuyến này gồm hai làn xe riêng biệt, mỗi làn rộng 3,5 mét đi kèm với các hạng mục như cải tạo 6 cầu bộ hành hiện hữu và xây mới 11 cầu bộ hành, 28 trạm dừng, 8 bãi đậu xe cá nhân, di dời các hệ thống cây xanh dọc tuyến...
Tổng mức đầu tư là gần 144 triệu đô la Mỹ, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới khoảng 123 triệu đô la Mỹ và còn lại là vốn đối ứng của thành phố. Suất đầu tư tính ra khoảng 3,5 triệu đô la Mỹ cho một km.
Theo kế hoạch dự kiến sẽ thi công vào tháng 8-2018 và hoàn tháng vào 12-2019. Theo kết quả nghiên cứu với việc đi làm đường riêng xe buýt nhanh sẽ giúp rút ngắn được khoảng 25 phút di chuyển so với đi xe buýt thường hiện nay.