Vietstock - TPHCM điều chỉnh giấy tờ thế nào khi sáp nhập 80 phường?
TPHCM sẽ tiến hành sáp nhập 80 phường theo hai giai đoạn, hoàn tất trong tháng 6/2025, đồng thời điều chỉnh giấy tờ cho người dân và không thu phí.
Theo Nghị quyết số 1278/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TPHCM giai đoạn 2023-2025, địa phương sẽ sắp xếp 80 phường để hình thành 41 phường mới, giảm 39 đơn vị hành chính. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
UBND TPHCM cho biết việc sắp xếp được chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1, từ ngày 1-30/12: UBND TPHCM đề nghị Ban Thường vụ Quận ủy 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp và Phú Nhuận tổ chức sắp xếp, thành lập, sáp nhập tổ chức bộ máy các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội của các phường trực thuộc theo tên của đơn vị hành chính mới; chỉ định Ban chấp hành, Bí thư, Phó bí thư các phường và Chủ tịch, Phó chủ tịch các phường mới.
TPHCM sẽ tiến hành sáp nhập 80 phường theo 2 giai đoạn và hoàn tất trong tháng 6/2025. Ảnh: Nguyễn Huế |
Lãnh đạo thành phố giao các quận nói trên chỉ đạo các phường thuộc diện sắp xếp rà soát bộ máy, cơ sở vật chất, tài sản, tài chính, các dự án đầu tư đang triển khai thực hiện… để chuẩn bị bàn giao; bổ nhiệm Chủ tịch, Phó chủ tịch các phường mới.
Lãnh đạo các quận cần liên hệ Công an TPHCM và các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để chủ động thực hiện thay đổi con dấu cho các cơ quan, đơn vị chịu ảnh hưởng của việc sắp xếp.
Các phường mới phải thay đổi bảng tên và biển hiệu, hoàn tất bàn giao công việc, tài sản về phường mới quản lý; nhanh chóng ổn định tổ chức, nhân sự.
Giai đoạn 2, từ ngày 1/1/2025: các phường ổn định hoạt động bộ máy để tiến hành Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2025-2030.
Không thu phí khi chuyển đổi giấy tờ
Lãnh đạo thành phố yêu cầu địa phương sau sắp xếp phải từng bước hỗ trợ người dân chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan đến đời sống, an sinh xã hội với nguyên tắc không thu các loại phí, lệ phí; các sở, ngành, địa phương hướng dẫn quận và phường thực hiện tốt công tác điều chỉnh các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức.
Việc chuyển đổi giấy tờ cho người dân, doanh nghiệp... sẽ tiến hành theo từng bước. Ảnh: H.V. |
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc điều chỉnh, chỉnh lý biến động đất đai và hồ sơ sử dụng đất; chỉnh lý hồ sơ địa chính theo quy định hiện hành.
Sở Xây dựng hướng dẫn việc điều chỉnh, chỉnh lý biến động trên giấy phép xây dựng công trình, nhà ở.
Riêng với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, lãnh đạo thành phố yêu cầu rà soát, điều chỉnh, lập mới đồ án quy hoạch phân khu tại các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp, làm cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng trong đô thị và lập quy hoạch chi tiết.
Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao hướng dẫn điều chỉnh dự án đầu tư, xác định địa bàn ưu đãi khi thay đổi địa giới đơn vị hành chính; hướng dẫn thay đổi thông tin giấy chứng nhận đăng ký và địa điểm kinh doanh... Sở Giao thông vận tải hướng dẫn việc điều chỉnh, chỉnh lý biến động trên giấy phép lái xe.
Công an TPHCM được giao hướng dẫn việc thay đổi con dấu của các tổ chức, cơ quan, đơn vị để đảm bảo hoạt động ngay khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực; hướng dẫn cá nhân, tổ chức trong việc điều chỉnh, chuyển đổi các loại giấy tờ thuộc ngành công an phụ trách.
Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu các phường sau sắp xếp tổ chức việc điều chỉnh, chuyển đổi, chỉnh lý biến động trên các loại giấy tờ thuộc thẩm quyền; giải thích, hướng dẫn khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu. Các quận có phường thuộc diện sắp xếp phải xây dựng kế hoạch công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính xã, phường từ ngày 28-31/12.
Hồ Văn