Vietstock - TP HCM điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất ra sao?
Từ năm 2010 đến 2020, đất nông nghiệp tại TP HCM giảm từ 118.052 ha xuống 88.005 ha, trong khi đất phi nông nghiệp tăng từ 90.868 ha lên 188.890 ha.
Sáng 11-8, UBND TP HCM đã tổ chức hội nghị công bố Nghị quyết 80/2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020). Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chủ trì hội nghị.
Đánh giá tình hình sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015), Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng cho biết đã đạt được những kết quả nhất định, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng đất cho các mục đích; đã khai thác được tiềm năng về đất đai, tạo nguồn thu cho ngân sách để đầu tư xây dựng kết cầu hạ tầng và là một nguồn lực quan trọng trong quá trình xây dựng đô thị mới và nông thôn mới ở TP những năm qua.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng nhìn nhận một số chỉ tiêu về sử dụng đất không thực hiện được theo quy hoạch được duyệt, làm hạn chế hiệu quả sử dụng đất và bảo vệ môi trường.
Theo ông Thắng, nguyên nhân là do thiếu các giải pháp có tính khả thi để thực hiện quy hoạch sử dụng đất, trong đó có 2 khâu yếu là không cân đối đủ nguồn vốn đầu tư và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.
Đến cuối năm 2015, TP còn 2.100 ha đất ở đô thị chưa được chuyển mục đích theo kế hoạch được duyệt.
Đề cập đến quy hoạch sử dụng đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020), ông Thắng cho hay nhóm đất nông nghiệp được điều chỉnh đến năm 2020 là 88.005 ha (năm 2010 là 118.052 ha).
Nhóm đất phi nông nghiệp là 188.890 ha, cao hơn 1.080 ha so với chỉ tiêu quốc gia phân bổ (năm 2010 là 90.868 ha); trong đó đất phát triển hạ tầng là 34.912 ha, cao hơn 3.244 ha so với chỉ tiêu quốc gia phân bổ, tăng 15.233 ha so với năm 2015. Đất ở tại đô thị được điều chỉnh đến năm 2020 là 1.250 ha, cao hơn 134 ha so với chỉ tiêu quốc gia phân bổ.
Hội nghị công bố Nghị quyết 80/2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối, vào sáng 11-8 (Ảnh: Phan Anh)
|
Để thực hiện được kế hoạch trên, ông Thắng đưa ra 5 nhóm giải pháp về đầu tư phát triển; cơ chế chính sách; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ quỹ đất nông nghiệp và tổ chức thực hiện.
Theo ông Thắng, TP sẽ chú trọng đầu tư hoàn chỉnh 4 đô thị vệ tinh tại 4 hướng. Phía Đông: phường Long Trường, quận 9 giáp với trục cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây với diện tích khoảng 280 ha. Phía Tây: khu vực giáp Quốc lộ 1 thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (200 ha), trục Nguyễn Văn Linh. Phía Nam: khu A đô thị mới Nam Sài Gòn, trục đường Nguyễn Hữu Thọ (110 ha). Phía Bắc: thuộc khu Tây – Bắc (500 ha), hướng Quốc lộ 22.
Song song đó là xây dựng giao thông kết nối giữa các khu dân cư và các tuyến metro để tiếp cận nhanh với giao thông công cộng; chú trọng đầu tư các đô thị vệ tinh theo hướng đồng bộ cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi để hạn chế di chuyển người dân vào khu trung tâm, góp phần giảm ùn tắc giao thông và thúc đẩy chương trình giãn dân ra các khu đô thị mới.
Bên cạnh đó, TP sẽ tiếp tục chọn những nhà đầu tư có năng lực để đầu tư những dự án lớn, các khu đô thị mới; thường xuyên kiểm tra tiến độ đầu tư dự án...
Phan Anh