Vietstock - Tôi đi làm môi giới
Lý do nào khiến mấy năm gần đây, hàng ngàn, hàng chục ngàn thanh niên trẻ thuộc đủ mọi ngành nghề, trình độ khác nhau bước chân vào nghề môi giới địa ốc dù biết rằng bán được một sản phẩm là vô vàn khó khăn? Liệu có phải chỉ vì thu nhập cao? Để trả lời câu hỏi này một cách thực chất, tôi quyết định thử đi làm môi giới.
Nghề môi giới bất động sản đang thu hút nhiều người trẻ...
|
Học nghề
Để làm nhân viên môi giới bất động sản, việc đầu tiên tôi làm là tìm một công ty môi giới để xin việc. Sau khi tra từ khóa “tuyển nhân viên môi giới bất động sản tại TP.HCM” trên Google, tôi nhanh chóng có được gần nửa triệu kết quả. Trong số đó, tôi chọn một công ty môi giới tại quận 7 để nộp hồ sơ. Trong quảng cáo tuyển môi giới, công ty này cho biết không cần kinh nghiệm, công việc ổn định, thu nhập ngoài lương tháng thì còn hoa hồng bán hàng…
Gọi vào số tuyển dụng, tôi được một người tên Trương Văn T., giới thiệu là Giám đốc nhân sự công ty hẹn gặp ngay vào chiều hôm đó, hồ sơ thì khi nào đi làm nộp cũng được. Cuộc gặp phỏng vấn tưởng sẽ cả giờ đồng hồ, nhưng khi tới, tôi chỉ phải trả lời phỏng vấn đơn giản như tên tuổi, quê quán, từng làm ở đâu, kiến thức về bất động sản thế nào. Kết thúc 15 phút phỏng vấn, tôi được hẹn sáng hôm sau đi làm luôn…
Tuy nhiên, có vài thắc mắc tôi xin thêm 5 phút để hỏi như lương lậu thế nào, có được đào tạo kiến thức hay không? Ông T. cho biết, lương 3 triệu đồng/tháng, sẽ được đào tạo kiến thức 3 ngày. Ngoài lương, mỗi sản phẩm bán được sẽ nhận hoa hồng khoảng 3 - 4% với đất nền, còn nhà thì 2 - 3%.
“Ở đây các bạn học đại học nhưng làm nhân viên môi giới nhiều lắm, có người còn học cả thạc sĩ ngành dược, nhưng rồi về bán bất động sản thu nhập mỗi tháng cả vài chục triệu”, ông T. nói.
Đúng hẹn, sáng hôm sau tôi đến công ty và công việc làm môi giới bất động sản cũng bắt đầu từ đây. Đầu tiên, tôi phải sắm trang phục môi giới, đó là áo trắng quần đen, giầy tây đen, áo vest do công ty phân phối. Sau đó, ông T. giao tôi cho một cô gái tên Cúc, được giới thiệu là tổ trưởng. Cúc cho biết, mình 24 tuổi, có 2 năm trong nghề và từng học Đại học Mở TP.HCM ngành xã hội.
Đầu tiên, Cúc dạy tôi cách học dùng Facebook để quảng cáo sản phẩm. Cúc nói, muốn làm nhân viên môi giới thì phải để hình đại diện là 1 hot girl ăn mặc “nóng bỏng”, đặc biệt là phải đưa thông tin nhà đất thật nhiều lên Facebook của mình. Những thông tin cũng phải hấp dẫn như “đất quận 9 có 11 triệu đồng/m2, ngay mặt đường Đỗ Xuân Hợp luôn. Ai có nhu cầu nhắn tin em nhá… bảo đảm mua cái lời ngay”…
Tiếp đó, tôi được dạy cách gọi điện, nhắn tin mời mua đất. Theo đó, khi gọi điện thoại, giới thiệu tên tuổi, công ty và vào thẳng vấn đề là đang có dự án ABC tại quận XYZ, giá bán chỉ từng này, từng này… Nếu nhà bề ngang 3 m cứ nói 5 - 10 m, không gần sông cứ nói gần sông, gần chợ, gần trung tâm thành phố. Nhà xây năm sau mới xong cứ nói đang hoàn thiện. Một điểm đáng chú ý là gọi điện thoại nên tận dụng buổi tối sau 19h, vì sẽ “tám” được nhiều hơn.
... tuy nhiên, làm môi giới bất động sản không toàn màu hồng, mà còn nhiều nước mắt
|
Cúc dặn kỹ là giá bán chỉ nói thấp tuyệt đối, còn giá thật thì khi nào khách đồng ý đi coi mới báo. Khi khách thắc mắc thì bảo là giá đó bên em bán dự án khác, nhưng giờ hết hàng rồi…
“Nhưng làm sao có số điện thoại của khách hàng mà gọi?”, tôi hỏi. Cúc trả lời, cái đó không phải lo, vì công ty đã mua danh sách khách hàng tiềm năng và chia cho các bạn gọi mời.
Sau 2 ngày để hấp thụ hết kỹ năng bán hàng qua điện thoại, tin nhắn và Facebook, ngày thứ 3, Cúc dạy tôi kỹ năng bán hàng trực tiếp khi gặp khách hàng.
Cúc nói: “Khi ta gọi mời khách đã vẽ ra một dự án cực đẹp, giá rẻ, nhưng thực chất không như vậy. Chính vì vậy, khi gặp khách hàng, chúng ta phải biến hóa trong cách trả lời. Ngoài việc ăn mặc “ngon mắt”, còn phải để ý cảm xúc khách hàng, thấy họ ưng ý là thuyết phục ký hợp đồng liền”.
Sau khi học lý thuyết, Cúc dẫn tôi đi thực tế với khách hàng tại một dự án trên đường Lò Lu, quận 9. Khách thắc mắc vì sự thật không như thông tin ban đầu mà Cúc giới thiệu. Thấy khách bắt đầu khó chịu, giọng Cúc ngọt trần lại và giải thích: “Dạ, đây là khu vực sau này sẽ có những tiện ích đó, anh thấy dự án mới bán có nửa tháng mà giờ đã gần hết rồi. Tại tháng này em hụt doanh thu, nên em cắt phí hoa hồng để tặng anh nếu anh mua đất dự án này, chứ sợ qua tuần anh liên hệ lại em cũng không còn hàng bán cho anh”.
Khi đó, tôi mới hiểu vì sao Cúc là tổ trưởng, quản lý hơn 10 nhân viên. Thu nhập của Cúc vì thế cũng luôn trên 20 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập mà nếu làm đúng nghề đã học, Cúc nằm mơ cũng không có.
Sau 1 tuần học nghề, tôi mới biết vì sao nghề môi giới bất động sản lại hút được nhiều người trẻ tham gia đến vậy. Có thể thấy, đây là nghề có thể đem lại thu nhập cao, lại không cần nhiều kinh nghiệm và trình độ học vấn.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt
Tại buổi mở bán dự án căn hộ mà công ty tôi phân phối, trước khi mở bán, chúng tôi phải chào khách hàng mua sản phẩm trước 1 tháng, sau khi khách đồng ý mua, hoặc nhận tiền đặt cọc giữ chỗ sẽ mời khách tới dự buổi mở bán. Tuy nhiên, để có khách hàng, sự cạnh tranh giữa các nhân viên môi giới giữa các sàn cùng bán sản phẩm và ngay cả nhân viên cùng sàn diễn ra khốc liệt.
Để có khách hàng, chúng tôi phải hàng ngày ra tận dự án phát tờ rơi, rồi gọi điện chèo kéo. Khi có khách hàng, chúng tôi phải làm đủ mọi cách để khách ký hợp đồng với mình.
Tại dự án công ty tôi phân phối, có một khách hàng đã chấp thuận mua căn hộ tại dự án với một nhân viên môi giới tên Thắng, nhưng sau đó lại nhảy qua mua hàng của một người tên Thương do Thương chiết khấu cao hơn Thắng. Vậy là cuộc cãi nhau nảy lửa diễn ra ngay tại công ty, khiến giám đốc phải đích thân xử lý.
Thấy tôi ngạc nhiên, Cúc cho biết, đây là chuyện như cơm bữa của công ty và giám đốc sàn cũng đã quen. Tuy nhiên, nếu giải quyết không khéo, nhân viên không phục, sẽ phá hợp đồng này và bỏ đi qua công ty khác làm. Tại buổi mở bán, không chỉ khách hàng ở TP.HCM, mà có cả khách hàng ở các địa phương khác tham gia. Để chiều “thượng đế”, nhân viên môi giới phải thuê xe xuống tận tỉnh đón khách hàng lên, nhưng rồi khi bốc thăm căn hộ, vì khách hàng không đồng ý căn hộ đó, nên không chấp thuận mua nữa. Vậy là nhân viên môi giới vừa mất cả công sức, mất cả tiền thuê xe.
Còn nữa, có khách hàng ở Long An muốn mua nhà của dự án, nhưng cả mẹ và con cùng đăng ký, mẹ nhận lời với một môi giới khác, người con nhận lời với một môi giới công ty khác. Khi mở bán, hai nhân viên môi giới của hai công ty xuống người đón người mẹ, người đón người con. Tới khi mua nhà, người mẹ là người ra quyết định, nên nhân viên môi giới của người con vừa mất công, vừa mất tiền.
Ngọc, cô gái sinh năm 1987, là cử nhân sư phạm văn, nhưng vì lương giáo viên thấp nên quyết định đi làm môi giới bất động sản cho biết, các công ty môi giới bất động sản hiện nay đều trả lương cứng thấp, chỉ khoảng 3 - 4 triệu đồng và áp doanh số bán 1 - 3 sản phẩm/tháng, không làm được sẽ bị đào thải. Chính điều này đã tạo áp lực lớn với nhân viên môi giới. Nếu trong tháng mà không bán được sản phẩm nào, nhân viên đó coi như không có thu nhập, thậm chí là âm tiền túi.
“Lương chỉ đủ tiền mời khách cà phê và xăng xe, chứ tiền nhà, tiền ăn đều ngóng vào việc bán sản phẩm. Trong khi hoa hồng chỉ nhận được khi khách hàng ra hợp đồng mua bán, chứ không phải lúc khách đặt cọc, nên có tháng ‘móm toàn tập’”, Ngọc nói.
Do áp lực doanh số, nên để bán được hàng, Ngọc cho biết, nhiều nhân viên môi giới chấp nhận “cắt máu”, bằng việc tặng luôn hoa hồng cho khách hàng nếu khách hàng chấp nhận mua sản phẩm. Tất cả chỉ để tồn tại, không bị công ty đào thải.
Không chỉ có vậy, theo các nhân viên ở đây, chuyện nhân viên môi giới còn bị khách lừa lấy mất xe, tiền cũng hay xảy ra. Thậm chí, có nhân viên môi giới nữ còn bị khách gạ đổi tình lấy hợp đồng.
Ngọc và Cúc cho biết, các cô đều đã trải qua các chuyện trên, nên truyền cho nhau kinh nghiệm để bảo vệ mình.
GIA HUY