Vietstock - Tin đồn – “đặc sản” của thị trường chứng khoán
Với những cú điều chỉnh sâu và chưa thể tìm thấy ngưỡng hỗ trợ cứng như hiện tại, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ lại đua nhau tìm những lý do hoặc tin đồn – vốn là đặc sản của thị trường chứng khoán, để biện minh cho việc đầu tư kém hiệu quả.
Có những tin đồn chỉ mãi là tin đồn!
Sau vài tháng hồi phục từ dưới 1,100 lên gần 1,300 điểm thì thời gian gần đây, VN-Index lại tiếp tục khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng khi không vượt nổi mốc 1,300 điểm và đảo chiều đi xuống.
Diễn biến VN-Index trong 6 tháng vừa qua
Nguồn: VietstockFinance
|
Hiện vẫn chưa rõ liệu rằng đây có phải xu hướng downtrend như những lời phân tích trong các hội nhóm chứng khoán trên mạng xã hội. Nhưng với những cú giảm sâu và chưa tìm thấy ngưỡng hỗ trợ cứng, các nhà đầu tư đặc biệt là những nhà đầu tư nhỏ lẻ như tôi lại đang đua nhau đi tìm đến những nguyên nhân khiến thị trường giảm sâu như vậy. Trong số đó có cả những tin đồn liên quan và không liên quan đến thị trường chứng khoán, kinh tế Việt Nam. Thậm chí có một số tin đồn thất thiệt liên quan đến thay đổi chính trị cũng được đưa ra bàn tán, chia sẻ rầm rộ trên các hội nhóm chứng khoán.
Với kinh nghiệm đầu tư khá lâu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tôi nhận thấy có một số tin đồn thành sự thật nhưng cũng có những tin đồn mãi mãi chỉ là tin đồn. Vấn đề chính là nằm ở tâm lý khi giao dịch của nhà đầu tư. Bởi lẽ có nhiều người mà chúng tôi hay gọi vui là “cá mập” hay “đội lái” lợi dụng tâm lý đầu tư theo đám đông của các nhà đầu tư và sử dụng tin đồn như một công cụ để thao túng.
Khi một tin đồn xuất hiện, nhà đầu tư thường phản ứng bằng cách mua hoặc bán tháo cổ phiếu nhanh nhất mà không mảy may suy nghĩ đây có phải là thông tin chính xác hay chưa. Điều này có thể tạo ra sự biến động lớn về giá cổ phiếu và thậm chí kéo theo sự điều chỉnh mạnh trên thị trường chứng khoán. Chúng ta cần hiểu rõ, một số tin đồn có thể được “make up” lên quá đà nhằm tăng độ kịch tính cho thị trường, gây ảnh hưởng xấu đến những cổ phiếu có nền tảng hoạt động kinh doanh vững chắc. Và sau những cú giảm sâu như vậy, sẽ có những tay “cá mập” chuyên nghiệp nhảy vào mua những cổ phiếu tốt với giá rẻ “bèo”.
Sai lầm khi chỉ đánh giá bằng cảm xúc hơn là con mắt khách quan
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ lại mua bán cổ phiếu theo tin đồn là do họ thường có xu hướng đánh giá bằng cảm xúc hơn là con mắt khách quan. Theo ông James Motier - chuyên gia về tài chính hành vi, sự thất bại khi giao dịch theo tin đồn có hai hình thức chính: Nhận thức cho chọn lọc và diễn giải sai lệch. Nói cách khác, đôi khi nhà đầu tư chỉ ghi nhớ sự kiện tích cực và lờ đi những vấn đề tiêu cực, nhưng đôi khi lại nhìn nhận nó một cách tiêu cực.
Vấn đề mấu chốt vẫn là tâm lý của các nhà đầu tư hiếm khi đạt được sự cân bằng về sức nặng giữa phát triển thuận lợi và phát triển không thuận lợi. Tương tự vậy, việc diễn giải hiện tượng của các nhà đầu tư luôn mang tính thiên vị bởi những phản ứng cảm xúc theo bất cứ điều gì đang xảy ra tại thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, thông thường đa phần lý do nhà đầu tư không biết tại sao mình lại hành động như vậy, bởi họ không lập kế hoạch mua bán cổ phiếu. Họ hành động tự phát và bốc đồng, sau đó mới tìm lý do để hợp lý hóa hành vi của mình. Những lý do này hoặc là lời biện minh cho việc đã làm, hoặc là lời bào chữa cho việc họ không làm.
Trên thực tế, chúng ta nên chấp nhận rằng hành vi trên thị trường chứng khoán hầu hết đều phi lý trí và không có thị trường hiệu quả như các lý thuyết đưa ra. Nếu muốn học cách dự đoán sự dịch chuyển về giá, chúng ta không nhất thiết phải quan tâm đến lý do hay những tin đồn đằng sau sự biến động của thị trường. Điều chúng ta cần làm là xác định phần đông các nhà đầu tư đang nhìn nhận gì về thị trường chứng khoán và hãy dùng những kiến thức cũng như kinh nghiệm tích lũy trong sách vở, thực tiễn để phân tích, từ đó đưa ra quyết định.
Thiên Lương