DỊCH VỤ
Vietstock - Tiềm năng tăng trưởng dài hạn của cổ phiếu ngân hàng
Thị giá cổ phiếu ngân hàng đang được định giá thấp trong năm 2023 nhưng nhìn về 2024, tiềm năng tăng trưởng cổ phiếu ngân hàng sẽ phục hồi mạnh mẽ khi môi trường kinh doanh trở lên thuận lợi hơn.
Tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu ngân hàng
Trải qua năm 2023 nhiều khó khăn, chứng khoán Việt Nam dao động với biên độ 1,000 - 1,250 điểm. Cổ phiếu ngân hàng là dòng không thể thiếu để tạo hiệu ứng lan tỏa nhằm góp phần kéo VN-Index tăng trưởng lên đỉnh của năm. Ngoài ra, so với nhiều ngành khác, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn ở vùng giá khá hấp dẫn để đầu tư do chưa tăng trưởng nhiều trong năm vừa qua.
Mặt bằng giá cổ phiếu của ngành ngân hàng được đại diện bởi chỉ số P/B đã điều chỉnh và đang được giao dịch ở vùng 1.4x, gần với mức đáy 1.3x năm 2020 và 2022. Điều này cho thấy mức định giá của ngành ngân hàng hiện tại khá hấp dẫn, mức giá rẻ so với thị trường chung, trong đó có một số cổ phiếu có chỉ số P/B khá thấp như: SHB (HM:SHB) đạt 0.85; TCB (HM:TCB) đạt 0.91; CTG (HM:CTG) đạt 1.26; MBB (HM:MBB) đạt 1.24…
Theo báo cáo triển vọng ngành 2024, Công ty Chứng khoán BIDV (HM:BID) (BSC) tiếp tục duy trì khuyến nghị khả quan với ngành ngân hàng trong 2024 dựa trên các luận điểm chính: Thứ nhất là môi trường lãi suất thấp cùng triển vọng kinh tế phục hồi giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện và NIM bật tăng nhờ chi phí vốn được tái thiết lập; Thứ hai là tăng cường xử lý nợ xấu trong 2023 tạo dư địa để ghi nhận lợi nhuận từ thu hồi nợ trong 2024, từ đó giúp triển vọng tăng trưởng lợi nhuận 2024 khả quan hơn, được hỗ trợ bởi mức định giá vẫn trong vùng phù hợp để tích lũy.
Nhận định về sự điều chỉnh của cổ phiếu nhóm ngân hàng, một số chuyên gia cho rằng, nhóm cổ phiếu lĩnh vực ngân hàng trong năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, các giải pháp gần đây của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế sẽ đem lại những kết quả tích cực, giúp giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh giảm chung của thị trường chứng khoán hiện nay, ngành ngân hàng vẫn được đánh giá cao hơn so với các ngành khác. Nếu lấy chỉ số P/B so sánh giá cổ phiếu trên thị trường với giá trị sổ sách của doanh nghiệp cho năm 2024 của nhóm ngân hàng sẽ về mức hấp dẫn 1.5x-1.6x, thấp hơn từ 15-25% so với mức định giá P/B trung bình 5 năm trở lại đây. Do đó, cơ hội đầu tư ở cổ phiếu ngân hàng vẫn rất tiềm năng.
Lựa chọn cổ phiếu ngân hàng đầu tư trung, dài hạn
Trong nhóm VN30 (cổ phiếu bluechip), cổ phiếu ngân hàng có mặt 13 mã, chiếm gần 49% danh mục. Theo tính toán của Công ty chứng khoán Mirae Asset, trong nhóm VN30, thì các mã trong nhóm ngân hàng gồm: CTG, MBB, BID, ACB (HM:ACB), TCB, SHB là những mã có tăng giá cao nhất trong 1 tháng. Các mã MBB, HDB (HM:HDB) và SHB là những cổ phiếu ngân hàng tăng giá cao nhất trong 1 năm vừa qua tương ứng lần lượt: 33.3%; 31.9% và 29.1%.
Trên thị trường chứng khoán nói chung và nhóm VN30 nói riêng, cổ phiếu SHB đang là cổ phiếu có thanh khoản cao nhất. Đơn cử như trong phiên giao dịch ngày 31/01/2024, SHB có phiên giao dịch với khối lượng cao nhất lịch sử với hơn 127 triệu cổ phiếu chuyển nhượng, tương ứng 11.3% tổng khối lượng giao dịch trên sàn chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Với khối lượng giao dịch này, cổ phiếu SHB xô đổ kỷ lục về thanh khoản từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Trước đó, vào ngày 10/1, SHB đã xác lập kỷ lục về thanh khoản khi khớp lệnh 94.3 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,154 tỷ đồng. Tính đến nay, SHB là một trong số ít cổ phiếu ghi nhận khối lượng khớp lệnh trên 100 triệu cổ phiếu trong một phiên.
Tính chung trong 2 tháng qua, thị giá cổ phiếu SHB đã tăng hơn 11%. SHB cũng là cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài săn đón, tính từ trung tuần tháng 1/2024 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 8 triệu cổ phiếu SHB.
Công ty chứng khoán Mirae Asset đánh giá SHB thuộc Top 100 mã giá trị giao dịch cao nhất trong tháng với xu hướng hiện tại là Cải thiện.
SHB cũng vừa công bố báo cáo tài chính năm 2023 với kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định cùng các chỉ tiêu an toàn trong bối cảnh thị trường trải qua nhiều khó khăn.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của SHB đạt 630 nghìn tỷ đồng; Huy động vốn thị trường 1 đạt 497 nghìn tỷ đồng; Vốn tự có theo Basel II đạt 70.3 nghìn tỷ đồng; Vốn điều lệ đạt 36,194 tỷ đồng, tiếp tục giữ vững vị thế Top 4 ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất hệ thống. Dư nợ cấp tín dụng của SHB đạt 455 nghìn tỷ đồng, tăng 17.1% so với cuối năm 2022.
Thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 20,523 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 9,245 tỷ đồng. Hiệu quả kinh doanh ổn định, các chỉ số ROE, NIM… của SHB đều tốt tăng trưởng tốt, đặc biệt chỉ số CIR đạt 23%. Chi phí dự phòng rủi ro tăng so với năm 2022 giúp SHB tiếp tục cải thiện đệm dự phòng rủi ro lên mức 75%.
Để đầu tư dài hạn, nhóm cổ phiếu có thể xem xét là ngành ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và duy trì tốc độ tăng trưởng vượt trội so với các ngành khác. Ngoài ra, các ngân hàng với câu chuyện riêng nổi bật như chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện hay bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài cũng nên được lưu tâm.