Vietstock - Thông tư 87, hoàn thiện việc xác định mức độ đủ vốn của các tổ chức kinh doanh chứng khoán
Thông tư 87 có hiệu lực từ ngày 10/10/2017, góp phần đánh giá đầy đủ, chính xác hơn tỷ lệ an toàn tài chính của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, từ đó tăng cường tính minh bạch của thị trường chứng khoán.
Ngày 15/08/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 87/2017/TT-BTC quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng các chỉ tiêu an toàn tài chính, thay thế Thông tư số 226/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 và Thông tư số 165/2012/TT-BTC ngày 09/10/2012.
Thông tư 87 có hiệu lực từ ngày 10/10/2017, góp phần đánh giá đầy đủ, chính xác hơn tỷ lệ an toàn tài chính của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, từ đó tăng cường tính minh bạch của thị trường chứng khoán.
|
Cụ thể, ngày 31/12/2010, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 226/2010/TT-BTC (Thông tư 226) quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng các chỉ tiêu an toàn tài chính (đến ngày 09/10/2012 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 165/2012/TT-BTC sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 226. Đây là một dấu mốc quan trọng sau 10 năm hình thành và phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam, lần đầu tiên chúng ta có được một cách tiếp cận quản lý vốn tối thiểu đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II, cách tiếp cận này đã và đang được các nước phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc áp dụng.
Sau khi ban hành, Thông tư 226 đóng vai trò là một trong 3 trụ cột cơ bản (quy định về mức độ đủ vốn, hướng dẫn khuôn khổ quản trị rủi ro, hướng dẫn xếp loại các công ty chứng khoán) góp phần thực hiện việc nâng cao năng lực quản trị rủi ro cho các tổ chức kinh doanh chứng khoán và là công cụ cơ bản được UBCKNN sử dụng cho việc tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán, thanh lọc những tổ chức kinh doanh chứng khoán yếu kém theo Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 06/12/2012.
Cũng với 7 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều thay đổi (Cho phép công ty chứng khoán nước ngoài được mở Chi nhánh tại Việt Nam, khai trương và tổ chức giao dịch chính thức thị trường chứng khoán phái sinh, triển khai các sản phẩm mới như chứng quyền có bảo đảm, việc ban hành chế độ kế toán mới áp dụng cho công ty chứng khoán). Những thay đổi này, cùng với yêu cầu công tác tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán cần được thực hiện một cách quyết liệt hơn nữa đã tác động, đòi hỏi phải được tiếp tục bổ sung và hoàn thiện Thông tư thay thế Thông tư 226.
Thông tư 87/2017/TT-BTC ngày 15/8/2017 về cơ bản vẫn tiếp tục kế thừa cách tiếp cận quản lý an toàn vốn và giữ nguyên kết cấu của Thông tư 226 gồm 4 chương và 20 điều. Ngoài ra, Thông tư 87/2017/TT-BTC có một số nội dung mới so với Thông tư 226, cụ thể là:
- Về đối tượng điều chỉnh: Bổ sung thêm là chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam thuộc đối tượng phải áp dụng các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính.
- Về việc tính vốn khả dụng: Bổ sung nội dung các khoản giảm trừ khỏi vốn khả dụng thêm 03 khoản mục là đầu tư ra nước ngoài (trên cơ sở Nghị định số 135/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài); khoản đóng góp (tiền hoặc chứng khoán) vào quỹ bù trừ của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, giá trị bằng tiền hoặc chứng khoán mà tổ chức kinh doanh chứng khoán ký quỹ cho giao dịch, tự doanh, tạo lập thị trường đối với chứng khoán phái sinh; khoản ký quỹ bằng tiền và giá trị bảo lãnh thanh toán của ngân hàng trong trường hợp công ty chứng khoán phát hành chứng quyền có bảo đảm; và khoản tài sản mà tổ chức kinh doanh chứng khoán đã dùng làm tài sản đảm bảo cho nghĩa vụ của bên thứ 3.
- Về việc tính rủi ro thị trường: Bổ sung nội dung quy định tính rủi ro thị trường đối với các khoản đầu tư vào chứng khoán phái sinh, chứng quyền có bảo đảm, chứng khoán niêm yết ở nước ngoài của tổ chức kinh doanh chứng khoán.
- Về việc trình bày: Sắp xếp lại các khoản mục tại báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính thống nhất với các khoản mục trình bày trên bảng cân đối kế toán theo Thông tư 210/2014/TT-BTC và Thông tư 334/2016/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán đối với công ty chứng khoán.
- Về công tác tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán: Bổ sung cấp độ cảnh báo đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán có tỷ lệ an toàn vốn đạt từ 150% đến dưới 180%; yêu cầu Sở giao dịch chứng khoán hạn chế giao dịch đối với những công ty chứng khoán bị kiểm soát, kiểm soát đặc biệt.
Thông tư 87/2017/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 10/10/2017, góp phần đánh giá đầy đủ, chính xác hơn tỷ lệ an toàn tài chính của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, từ đó tăng cường tính minh bạch của thị trường chứng khoán.