[Chuyển động quỹ đầu tư tuần 23/09-29/09/2017]
Vietstock - Thị trường “tẻ nhạt”, quỹ đầu tư đẩy mạnh rút tiền
Thị trường nửa tháng trở lại đây vẫn chưa bứt phá được khỏi thế giằng co, khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả hai sàn. Trong diễn biến này, các giao dịch bán, sang tay của nhiều quỹ đầu tư vẫn chiếm ưu thế tuần vừa qua.
Ngoài việc Credit Suisse AG (Singapore Branch) trở thành cổ đông lớn của Vincom Retail sau khi chuyển đổi cổ phiếu ưu đãi, hầu hết các giao dịch còn lại nghiêng về bên bán, tập trung tại các mã như KBC, VCS, LTG, VPB,…
Ngày 20/09/2017, sau khi chuyển đổi hơn 96 triệu cp ưu đãi tại Vincom Retail theo tỷ lệ 1:1, Credit Suisse AG đã nâng tỷ lệ sở hữu lên 5.05% (96.1 triệu cp) và trở thành cổ đông lớn của Vincom Retail. Cùng với Credit Suisse AG, một tổ chức ngoại khác là WP Investments III B.V. (Hà Lan) cũng trở thành cổ đông lớn của Vincom Retail sau khi chuyển đổi toàn bộ cổ phiếu ưu đãi thành cổ phiếu phổ thông với tỷ lệ nắm giữ 15.17% (288.3 triệu cp).
Sở GDCK TP.HCM (HOSE) cách đây vài ngày vừa thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của Vincom Retail với số lượng cổ phiếu tới hơn 1.9 tỷ cp, tương ứng vốn điều lệ 19,010 tỷ đồng. Phía Vingroup (HOSE: VIC) cho biết, sau niêm yết, Tập đoàn dự định sẽ vẫn là cổ đông lớn của Vincom Retail. Tính đến cuối quý 2/2017, Tập đoàn Vingroup nắm giữ 100% quyền biểu quyết và 97.53% lợi ích của Vincom Retail.
Tại CII, DC Developing Markets Strategies PLC - một quỹ đầu tư thuộc Dragon Capital vừa đăng ký mua 2 triệu cp từ 03/10-01/11 nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên 1.05% (2.6 triệu cp). Cũng trong khoảng thời gian này, CTCP Đầu tư Tân Tam Mã đăng ký bán đúng số cổ phiếu trên để trả nợ vay margin cho CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC, HOSE: HCM).
Giá cổ phiếu CII đã giảm 6% trong vòng 1 tháng qua, lùi về mức 32,000 đồng/cp chốt phiên 29/09. Ước tính tại mức giá này, DC Developing Markets Strategies PLC có thể phải bỏ ra khoảng 64 tỷ đồng để gom số cổ phiếu nói trên.
PYN Elite Fund (Non-Ucits) cũng vừa thực hiện mua qua sàn hơn 1 triệu cp Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) trong ngày 21/09, tăng sở hữu lên gần 10.2 triệu cp, tương ứng tỷ lệ nắm giữ 9.04%. Giao dịch được thực hiện sau hơn nửa năm im hơi lặng tiếng của PYN Elite Fund đối với cổ phiếu JVC, được biết quỹ này từng liên tục gom vào cổ phiếu JVC trong giai đoạn cuối năm 2016 - đầu năm 2017.
Động thái gom vào cổ phiếu JVC của PYN Elite Fund chỉ sau một thời gian ngắn Công ty công bố kế hoạch niên độ 2017-2018 có lãi trong khi niên độ trước liên tục thua lỗ. Cụ thể, JVC đặt mục tiêu doanh thu năm 2017 tăng trưởng 26% lên 630 tỷ đồng; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 23 tỷ và 19 tỷ đồng, trong khi niên độ trước lỗ ròng 32 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo JVC cho biết, kết quả công tác triển khai cuối năm 2016 đã giúp Công ty có những dự án và hợp đồng tiềm năng cho năm 2017. Biên lợi nhuận tăng không phải do Công ty tăng giá bán thiết bị y tế mà là tập trung xây dựng chất lượng sản phẩm, các dịch vụ hậu mãi...
Trong khi đó, ngày 26/09, PYN Elite Fund lại bán qua sàn hơn 4.4 triệu cp Đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC), giảm tỷ lệ sở hữu xuống 5.98% (28 triệu cp). Còn Dragon Capital không còn là cổ đông lớn của KBC sau khi một quỹ thành viên Vietnam Enterprise Investments Limited bán ra 470,000 cp vào ngày 21/09 trước đó.
Cổ phiếu KBC đã giảm hơn 15% từ đầu tháng 7/2017 đến nay, từ khoảng 17,000 đồng/cp xuống 14,600 đồng/cp chốt phiên 29/09.
Ngoài KBC, PYN Elite Fund và Dragon Capital lần lượt bán bớt 123,900 cp Cảng Đoạn Xá (DXP) và 594,000 cp Vicostone (VCS) từ 18-26/09.
Các cổ phiếu “hot” mới lên sàn như Lộc Trời (LTG), VPBank (VPB) cũng thu hút khá nhiều đợt sang tay của quỹ ngoại tuần qua.
Theo thông báo của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), Vietnam Azalea Fund Limited (VAF) đã chuyển nhượng thành công 1 triệu cp LTG cho một quỹ ngoại khác là Kingsmead Vietnam And Indochina Growth Master Fund vào ngày 28/09.
VAF là quỹ do Mekong Capital quản lý, là cổ đông lớn của Tập đoàn Lộc Trời và đã đầu tư 4.4 triệu USD vào Lộc Trời hồi tháng 12/2008. Ngày 25/07/2017, VAF đã rút vốn ngay khi cổ phiếu này lên sàn UPCoM (24/07). Số lượng cổ phiếu bán ra hơn 3 triệu cp (tương đương 75% khoản đầu tư của Mekong Capital) với giá 68,000 đồng/cp. VAF cho biết thu về khoảng 9.2 tỷ USD sau thương vụ này.
Ngoài ra, VAF cũng đã ký một thỏa thuận bán nốt 25% khoản đầu tư của mình tại Lộc Trời với mức giá 68,000 đồng/cp và cam kết này sẽ được hoàn thành trước cuối tháng 9/2017. Như vậy, sau khi chuyển nhượng 1 triệu cp tại Lộc Trời, tương đương 25% vốn cho Kingsmead Vietnam And Indochina Growth Master Fund, VAF đã hoàn tất thoái vốn khỏi Lộc Trời. Tại mức giá 68,000 đồng/cp, VAF đã thu về 68 tỷ đồng sau thương vụ này.
Trước đó một ngày (27/09), cũng đã có tổng cộng 930,000 cp VPB đã được các tổ chức nước ngoài sang tay. Trong đó, KT Zmico Securities Company Limited chuyển nhượng 530,000 cp VPB cho Phatra Capital Public Company Limited; còn 3 tổ chức Fides Xin Moi B&I Private Investment Trust 7, 8, 9 chuyển nhượng 400,000 cp VPB cho Vietnam Holding Limited.
Nếu tính theo giá đóng cửa cổ phiếu VPB chốt phiên 27/09 dừng ở mức 37,250 đồng/cp, tổng giá trị các giao dịch này ước tính đạt gần 35 tỷ đồng.
Trong phiên 25/09 trước đó, VPB ghi nhận khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn gần 4 triệu cp với giá trị 156 tỷ đồng. Đến phiên ngày 28/09 tiếp tục có 500,00 cp VPB được trao tay thông qua thỏa thuận, tương đương giá trị 18 tỷ đồng.
Gần đây nhất, VPB đã hoàn tất phân phối hơn 164 triệu cp cho ba cá nhân với mức giá bằng giá chào sàn 39,000 đồng/cp, thu về hơn 6,400 tỷ đồng. Vốn điều lệ của Ngân hàng sau chào bán tăng từ 14,059 tỷ đồng lên 15,706 tỷ đồng.
Các giao dịch bán còn lại có thể kể tới như Vietnam Equity Holding bán thành công 245,600 cp Thế kỷ 21 (C21) trong tổng số 550,000 cp đăng ký bán; Asean Deep Value Fund bán bớt 67,000 cp Đầu tư & Thương mại TNG (TNG), hạ tỷ lệ sở hữu xuống 4.88% và không còn là cổ đông lớn của Công ty này.
Tổng hợp giao dịch quỹ đầu tư công bố trong tuần 23/09-29/09/2017