Vietstock - Thị trường điều chỉnh trong ngắn hạn nhưng trung và dài hạn là tương lai xán lạn
Tại tọa đàm "Tìm động lực cho thị trường chứng khoán những tháng cuối năm" được tổ chức sáng ngày 30/10/2023, nhiều chuyên gia kỳ vọng thị trường chứng khoán trong tương lai vẫn xán lạn và diễn biến vừa qua là vận động hợp lý.
Thị trường điều chỉnh trong ngắn hạn nhưng trong trung và dài hạn là tương lai xán lạn
Ông Phan Dũng khánh - Chuyên gia chứng khoán
|
Ông Phan Dũng Khánh - Chuyên gia chứng khoán đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam gặp khó khăn trong 2 tháng vừa qua. Tuy nhiên, trên thị trường tài chính nói chung thì chứng khoán vẫn là kênh đầu tư có tỷ suất lợi nhuận tốt nhất, đặc biệt là trong giai đoạn 8 tháng đầu năm, khi nhiều cổ phiếu có mức tăng không chỉ tính bằng phần trăm mà còn tính bằng lần.
Có nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán nhưng một trong những điểm đặc biệt nhất là chính sách điều hành tại Việt Nam vô cùng linh hoạt, hỗ trợ thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung. Lãi suất đã được NHNN hạ 4 lần liên tiếp và thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với yếu tố lãi suất.
Bên cạnh đó, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn giai đoạn nửa đầu năm. Nhưng càng về cuối năm, các số liệu về kinh tế vĩ mô càng được cải thiện. Gần về cuối năm 2023, không chỉ doanh nghiệp dệt may, da giầy, còn nhiều doanh nghiệp khác ghi nhận lượng đơn hàng quay trở lại đáng kể.
Ông Phan Dũng Khánh đánh giá thị trường điều chỉnh trong thời gian qua không phải điều quá ngạc nhiên. Nhưng nhờ những cơ hội như vậy, những người có tỷ trọng tiền mặt cao mới có cơ hội để tích lũy thêm cổ phiếu trong thời gian tới. Nhất là trong năm 2023, chứng khoán vẫn là kênh đứng số một, bên cạnh chính sách điều hành linh hoạt, hỗ trợ nhiều cho thị trường, nền kinh tế.
Có thể, thị trường điều chỉnh trong ngắn hạn nhưng trong trung và dài hạn là tương lai xán lạn.
Diễn biến thị trường chứng khoán vừa qua tương đối hợp lý
Ông Đinh Đức Minh - Giám đốc đầu tư, CTCP Quản lý Quỹ VinaCapital
|
Ông Đinh Đức Minh - Giám đốc đầu tư, CTCP Quản lý Quỹ VinaCapital cho rằng nhìn diễn biến thị trường từ đầu năm tới nay cũng như đáy thấp nhất của thị trường giữa tháng 11 năm trước đến nay thì diễn biến thị trường tương đối hợp lý, cũng không phải tệ lắm.
Tâm lý nhà đầu tư vài tuần vừa qua hơi bi quan một chút. Nhìn lại từ đầu năm, thị trường tăng đâu đó gần 10%. Từ giữa tháng 11 năm ngoái, thị trường tăng đâu đó cỡ 20%. Ông Minh cho rằng mức này tương đối hợp lý và phản ánh tương đối chính xác diễn biến, kể cả sự kiện tích cực lẫn tiêu cực, trên thị trường trong khoảng 1 năm nay.
Chuyên gia từ quỹ VinnaCapital cho biết có một số điểm rất rõ trên thị trường. Thứ nhất, khi thị trường rơi xuống một mức nào đó, định giá tương đối rẻ bắt đầu thu hút được dòng tiền. Tháng 11, 12 năm ngoái, khi định giá thị trường rơi vào mức thấp thì nhà đầu tư thấy hấp dẫn và quay trở lại đầu tư.
Thứ 2, thị trường chứng khoán khá nhạy cảm với lãi suất. Giai đoạn tháng 6, 7, 8 vừa qua, khi NHNN và NHTM liên tục có những động thái hạ lãi suất thì thị trường chứng khoán thu được dòng tiền rất mạnh.
Thứ 3, dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài cứ thấy thị trường chứng khoán Việt Nam rẻ là có dòng tiền vào. Tương tự tháng 11 và 12 năm ngoái, tháng 1 năm nay hay những tuần vừa rồi khi thị trường rơi sâu thì thấy dòng tiền nước ngoài trở lại.
Ngược lại, dòng tiền nước ngoài cũng rất nhạy cảm với diễn biến đồng USD trên thế giới. Khi USD mạnh lên, lãi suất ở Mỹ tăng cao thì dòng tiền nước ngoài có xu hướng yếu đi, rời khỏi Việt Nam.
Diễn biến vừa qua là vận động tương đối của thị trường
ông Nguyễn Anh Đức - Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán khách hàng tổ chức, CTCK SSI (HM:SSI)
|
Ông Nguyễn Anh Đức - Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán khách hàng tổ chức, CTCK SSI cũng cho rằng thị trường diễn biến tương đối thú vị trong năm nay. Xuất phát điểm trong năm nay tương đối rối ren, có nhiều nỗi lo trong năm như tỷ giá, biến động mạnh về lãi suất, trái phiếu doanh nghiệp và những nỗi lo khác như margin call, suy giảm tiêu dùng nội địa, đầu tư FDI sụt giảm. Bối cảnh này khiến những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 tương đối tệ.
Tuy nhiên, sau Tết, Chính phủ đưa ra nhiều chính sách mạnh mẽ. Trong giai đoạn tháng 3, 5 và 6, cứ một tuần hoặc vài ngày một lần, Chính phủ lại có một quyết định quan trọng.
Nhiều vấn đề như cho phép thanh toán trái phiếu doanh nghiệp trong 2 năm, cắt giảm thuế, giảm lãi suất điều hành… rồi câu chuyện giải ngân đầu tư công. Nhiều chính sách được đưa ra, giúp ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, đẩy lùi rủi ro về việc hệ thống có thể đổ vỡ, giúp môi trường lãi suất giảm nhanh, dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán.
Từ tháng 4-8, thị trường đã có những đợt tăng trưởng mạnh mẽ. Nhà đầu tư thực sự trở nên hưng phấn và có lợi nhuận tốt giai đoạn này.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 8, mọi thứ đi hơi quá đà so với cải thiện thực tế của nền kinh tế: tăng trưởng kinh tế Việt Nam hay phục hồi doanh nghiệp đều chưa rõ ràng. Thị trường bắt đầu xuất hiện nỗi lo mới: Câu chuyện về tỷ giá và địa chính trị, kéo theo những câu chuyện về margin call khi giá cổ phiếu giảm nhanh. Nước ngoài cũng đã bán ra liên tục từ tháng 5 và mạnh hơn trong tháng 7 và 8.
Trong bối cảnh đó, thị trường điều chỉnh từ tháng 9-10 là điều dễ hiểu. Chúng ta đang trải qua thời kỳ phản ánh hết những biến động, không rõ ràng của thị trường này.
Theo ông Đức, đây là vận động tương đối của thị trường chứ không phải là quá đà.
Cát Lam