Vietstock - Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đạt vốn hóa 200 tỷ USD năm 2018
Nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng trong năm 2018 sẽ là một điểm sáng trong khu vực cũng như thế giới.
Đó là nhận định của ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận nghiên cứu kinh tế CTCP Chứng khoán MB (MBS) về thị trường chứng khoán Việt Nam trong buổi hội thảo báo cáo chiến lược năm 2018 diễn ra ngày 11/01/2018.
Thị trường chứng khoán đã có những cải thiện cơ bản về chính sách, tạo cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời những thương vụ IPO các doanh nghiệp lớn của Nhà nước góp phần mở cửa đón thêm nhiều nguồn vốn ngoại. Điều này cũng giúp mức vốn hóa toàn bộ thị trường đã tiếp xúc nâng lên một tầm cao mới là 140 tỷ USD, và theo dự báo của MBS khả năng sẽ đạt 200 tỷ USD trong năm 2018.
Thêm nữa, Việt Nam đang trong lộ trình để bước lên thị trường mới nổi. MBS cho rằng khả năng trong năm 2019, Việt Nam sẽ được đưa vào danh sách xem xét để nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi của MSCI. Hiện Việt Nam đã thỏa mãn các tiêu chí định lượng theo yêu cầu của MSCI về vốn hóa, vốn hóa tự do lưu hành và thanh khoản, nhưng về tiêu chí định tính thì vẫn còn 18 chỉ tiêu nhỏ Việt Nam chưa đáp ứng được. Theo đó, các tiêu chí cần phải hoàn thiện trong những năm tới có liên quan đến mức độ sở hữu nước ngoài, mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, hiệu quả của hệ thống vận hành thị trường chứng khoán.
Về mặt bằng giá hàng hóa, nhất là giá dầu với việc OPEC kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng, chuyện dư cung dầu mỏ sẽ dần kết thúc và giá dầu có khả năng sẽ tiếp tục phục hồi rõ nét. Tuy giá dầu sẽ khó quay lại mức giá 100 USD/thùng như trước đây vì thị trường dầu mỏ đã thay đổi khi có sự tham gia của dầu đá phiến, nhưng với mức giá duy trì trong khoảng 60-70 USD/thùng thì cơ hội đầu tư vào nhóm ngành dầu khí, lọc hóa dầu và dịch vụ dầu khí vẫn được đánh giá tốt.
VN-Index sẽ đạt 1,280 với mức tăng trưởng lợi nhuận 30%
MBS đưa dự báo mức điểm mà VN-Index có thể chinh phục là 1,280 điểm, tăng trưởng lợi nhuận thị trường đạt khoảng 30%.
Chia sẻ thêm về xu hướng chứng khoán Việt Nam, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán MB (MBS) khẳng định rằng thị trường đã hình thành xu hướng đi lên rõ ràng và hiện đang ở giữa chu kỳ tăng trưởng.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán MB (MBS) chia sẻ tại buổi hội thảo diễn ra ngày 11/01
|
Bên cạnh những triển vọng về kinh tế thế giới tiếp tục tăng nhờ 3 trụ cột lớn là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ tốt cho dòng vốn đổ vào thị trường chứng khoán; kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng ổn định với mức kỳ vọng 6.75% trong năm 2018; thì quan trọng nhất là điểm nhấn thúc đẩy đầu tư đến từ những câu chuyện liên quan đến nhóm cổ phiếu mới chuẩn bị niêm yết, nhóm doanh nghiệp cổ phần hóa, nhóm cổ phiếu thoái vốn Nhà nước và các cổ phiếu vốn hóa lớn, đầu ngành có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao.
Về những thương vụ IPO, trong năm 2017, số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện được ước tính là 38 trên tổng số 44 doanh nghiệp theo kế hoạch ban đầu. Bước sang năm 2018, số lượng doanh nghiệp theo kế hoạch ghi nhận đến 64, cộng với những doanh nghiệp chưa thực hiện ở năm 2017 thì tổng cộng sẽ có đến 70 doanh nghiệp cần thực hiện cổ phần hóa. Bên cạnh những cái tên "xông đất" trong tháng đầu năm như Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower), thị trường còn ghi nhận một số doanh nghiệp lớn tiêu biểu dự kiến IPO trong năm 2018 là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, Tổng Công ty Phát điện 1, Tổng Công ty Phát điện 2, Tổng Công ty Phát điện 3,…
Tiến trình thoái vốn Nhà nước cũng là một điểm nhấn cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong năm 2018. Sau khi hoàn tất thoái vốn tại 40 doanh nghiệp với giá trị hơn 1,900 tỷ đồng, thu về 21,639 tỷ đồng (trong đó thương vụ đấu giá 3,33% vốn cổ phần VNM đã thu về gần 9,000 tỷ đồng), SCIC còn phải thoái vốn khoảng 95 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn thoái ước tính 19,461 tỷ đồng.
Một số nhóm ngành tiềm năng trong năm 2018 được đánh giá cao gồm có ngân hàng, tiêu dùng và bán lẻ, nhựa, bất động sản, thép, dầu khí… Với khối ngành ngân hàng, tăng trưởng tín dụng có thể tiếp tục được duy trì từ 18-20%, chất lượng tài sản được cải thiện, lợi nhuận dự kiến duy trì tăng trưởng cao và Nghị quyết về xử lý nợ xấu được thông qua giúp khối ngành có thêm nhiều dư địa để xử lí nợ xấu.
Với điểm sáng là tốc độ tăng trưởng nhanh và nhiều tiềm năng nhờ kinh tế ổn định, dân số trẻ, thu nhập tăng cao và quy mô thị trường vẫn còn nhiều dư địa hấp dẫn, khối ngành Hàng tiêu dùng và bán lẻ tại Việt Nam ước tính doanh số thị trường bán lẻ sẽ tăng 5% tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) từ 17-21. Trong đó, các sản phẩm phi thực phẩm được dự báo sẽ có mức tăng trưởng cao hơn 5.8% so với mức tăng 4.7% của thực phẩm.
Phúc Mai