Vietstock - Tháo nút thắt hạ tầng cho TP.HCM
Bỏ khung giá đất, gỡ vướng cho các dự án đầu tư công... là những kiến nghị của TP.HCM tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây.
Việc tháo gỡ nút thắt cơ chế sẽ tác động đến sự phát triển chung của thành phố. Ảnh: Đình Sơn |
Theo các chuyên gia, nếu được thông qua sẽ cởi nút thắt rất nhiều vấn đề liên quan đến giao thông, hạ tầng, kinh tế của TP trong thời gian tới.
Tiêu cực, thất thu từ khung giá đất
Ở một góc nhìn khác, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, lại cho rằng kiến nghị của TP thì không khác gì ứng ngân sách để làm bởi hiện nay luật quy định phải giải ngân vốn theo kế hoạch. Trong lúc này, để đẩy nhanh các dự án đầu tư công TP cần chủ động tìm kiếm nguồn vốn tư nhân, xã hội hóa thay vì xin vốn ngân sách thực hiện các dự án. Thời gian qua TP đã xin vốn ngân sách quá nhiều mà không năng động để tìm kiếm nguồn vốn khác. TP.HCM phải nỗ lực trong việc tìm nguồn vốn mới thay vì chỉ tập trung nhiều vào vốn ngân sách. |
Một trong những vướng mắc gây khó khăn kéo dài cho doanh nghiệp (DN), người dân và cả cơ quan chức năng là quy định về khung giá đất do Chính phủ ban hành và được áp dụng ổn định trong vòng 5 năm.
Theo ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM, giá đất trên thực tế biến động thường xuyên, quy định về kỳ ổn định 5 năm của bảng giá đất chưa phù hợp. Vì vậy, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét, bãi bỏ quy định này để giúp TP xây dựng bảng giá đất tiệm cận với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường, tránh thất thu thuế nhà đất đối với các trường hợp áp dụng theo bảng giá đất.
Đồng tình với quan điểm trên, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, phân tích luật Đất đai đã quy định khung giá đất do Chính phủ ban hành, căn cứ vào đó UBND cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất phù hợp với giá đất trên thị trường. Tuy nhiên, có một thực tế giá đất trong khung giá đất và bảng giá đất thấp hơn giá đất thị trường rất nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là nhiều địa phương vẫn lo ngại các nghĩa vụ tài chính sẽ cao vượt quá khả năng chi trả của người dân. Do đó, đã đến lúc cần phải sửa đổi luật Đất đai theo hướng khung giá đất và bảng giá đất phải xác định phù hợp với giá thị trường.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng hiện khung giá đất do Chính phủ ban hành có khoảng cách rất lớn so với giá đất thực tế, chênh lệch tới 30 - 50%. Điều này đã phát sinh rất nhiều hệ lụy, đặc biệt có thể phát sinh tiêu cực, dẫn đến thất thu ngân sách. “Cần sửa hoặc thậm chí bỏ quy định khung giá đất ban hành định kỳ 5 năm một lần, giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất để phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường và tình hình thực tế của từng địa phương”, ông Châu nói.
Để tránh thiệt hại cho người dân khi áp dụng bảng giá đất để tính tiền dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất, hợp thức hóa nhà đất, đóng thuế... cả ông Châu và ông Võ đều cho rằng nếu áp dụng bảng giá đất sát giá thực tế số tiền sử dụng đất người dân phải đóng rất cao, nên tính tiền sử dụng đất trong hạn mức chỉ bằng 15% hoặc một tỷ lệ nào đó so với bảng giá đất cho hộ gia đình, cá nhân hay có thể giảm tỷ suất tính nghĩa vụ tài chính cho phù hợp đời sống thực tế của người dân. Nếu cần thiết có thể bỏ khái niệm tiền sử dụng đất mà thay vào đó là một sắc thuế, thu khoảng 10 - 15% bảng giá đất. Điều này giúp minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin - cho, tránh mất thời gian tiền bạc của người dân, DN.
Gỡ vướng cho các dự án đầu tư công
Kiến nghị nhận được rất nhiều sự quan tâm của cả người dân, DN tại TP.HCM là Chính phủ xem xét, điều chỉnh điều kiện bố trí vốn khởi công mới cho các dự án sau khi đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, không phụ thuộc mốc thời gian 31.10 năm trước năm kế hoạch. Nếu đề xuất này được thông qua, có thể đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công đã được phê duyệt.
TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright, nhận định các dự án đầu tư công phải chịu sự chi phối của rất nhiều quy định khiến đa số dự án bị chậm tiến độ. “Đang có thực trạng các địa phương trong một năm được bố trí ngân sách 10.000 tỉ đồng. Nếu linh hoạt có thể chi hết, nhưng do luật không cho linh hoạt nên không chi được, bởi dự án có thể chi được thì không có tiền, dự án có tiền thì vướng không được giải ngân. Chính vì vậy, vấn đề cơ bản là giao quyền chủ động về cho các địa phương, để cơ chế xin - cho càng ít càng tốt”, ông Du nói và cho rằng các dự án ở địa phương thì T.Ư không nên can thiệp, như vậy sẽ ít tiêu cực hơn, làm nhanh hơn.
Ở góc độ DN, lãnh đạo một công ty bất động sản (BĐS) thừa nhận các DN BĐS luôn muốn biết kế hoạch, quy hoạch đầu tư hạ tầng của nhà nước để chạy dự án “ăn theo”. Một dự án hạ tầng được xây dựng và đưa vào sử dụng không những giúp người dân khu vực đó được hưởng lợi mà cả thị trường BĐS cũng được hưởng lợi theo. Chính vì vậy, việc các dự án hạ tầng được triển khai đồng bộ, đúng tiến độ, đúng kế hoạch sẽ hỗ trợ thị trường BĐS rất nhiều. Tuy nhiên có một thực tế là hiện nay các dự án BĐS đều đi trước, hạ tầng đi sau rất lâu, thậm chí không theo kịp. Nguyên nhân chủ yếu là do việc phê duyệt nguồn vốn chậm, dẫn đến giải ngân chậm. Do đó, việc tháo gỡ khó khăn, giải ngân vốn để kịp triển khai các dự án hạ tầng sẽ có tác động rất tốt đến sự phát triển kinh tế chung của TP và đời sống người dân, DN.
Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án cần nghiên cứu, sửa đổi luật Nhà ở 2014 theo hướng “có quyền sử dụng đất hợp pháp” thay vì “có quyền sử dụng đất ở hợp pháp”. Muốn vậy, chỉ cần sửa đổi 1 luật (luật Nhà ở 2014) thì các thủ tục khác sẽ được triển khai đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế cũng như các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác (luật Đất đai, luật Đầu tư, luật Kinh doanh BĐS). Trong giai đoạn này cần nhanh chóng sửa đổi điểm b khoản 1 điều 3 về thành phần hồ sơ giao đất, thuê đất, cho chuyển mục đích sử dụng đất tại Thông tư 30 của Bộ Tài nguyên - Môi trường quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất thì cơ bản cũng giải quyết được các thủ tục đầu tư. Đồng thời không còn vướng về vấn đề “có đất ở hợp pháp”. Luật sư Trần Thu |
Đình Sơn