Vietstock - Thành tại… ngân hàng, bại cũng tại… ngân hàng!
Không ai hiểu rõ giá trị thật của cổ phiếu ngân hàng hơn những người đã gắn bó lâu năm, thậm chí “vào sinh ra tử” với nó. Họ thường là những người sáng lập, thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban tổng giám đốc và ban kiểm soát nhiều nhiệm kỳ. Họ nắm giữ cổ phiếu nhiều năm, chỉ khi nào có nhu cầu thật sự về tiền bạc mới bán ra một số lượng nhỏ. Ông Nguyễn Đức Kiên, một cổ đông kỳ cựu của ACB, luôn nói rằng ông có thể bán tất cả tài sản mà ông có, nhưng không bao giờ bán cổ phiếu Ngân hàng Á Châu.
Bởi thế không ít người trong số họ đã ngạc nhiên khi mà vào mùa hè năm ngoái, chính xác hơn là trong mùa đại hội đồng cổ đông thường niên năm ngoái, thị giá cổ phiếu các tổ chức tín dụng cả niêm yết và chưa niêm yết dao động ở 5.000-20.000 đồng, nhưng đến cuối quí 1-2018 đã tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp 5-7 lần. ACB - một ngân hàng minh bạch, hiệu quả, được giới tài chính đánh giá cao, tháng 5-2017 thị giá trên sàn mới 22.000 đồng/cổ phiếu. Ngày 22-5-2018 tức một năm sau, khi VN-Index trả lại mọi thành quả tăng trưởng của quí đầu tiên của năm nay, quay lại dưới mốc 1.000 điểm, thị giá cổ phiếu ACB vẫn còn 41.100 đồng, tức tăng gần gấp đôi.
Cùng thời gian trên, các cổ phiếu ngân hàng khác cũng có diễn biến tương tự: BID từ 18.000 đồng lên 29.300 đồng; MB từ 16.000 đồng lên 28.800 đồng; VCB từ 37.000 lên 53.400 đồng; SHB (HN:SHB) từ 6.500 đồng lên 9.100 đồng; CTG từ 18.000 đồng lên 27.100 đồng. Trên thị trường OTC khi ấy cổ phiếu VPB và Techcombank có giá khoảng 20.000 đồng, còn hiện tại thị giá cổ phiếu VPB trên Hose là 45.000 đồng và Techcombank gần 100.000 đồng (Techcombank chưa niêm yết, giá này đã giảm so với giá bán cho nước ngoài 128.000 đồng/cổ phiếu - NV).
Nhà đầu tư, giới quan sát, dân tài chính và mọi đối tượng quan tâm đến hoạt động ngân hàng đều hiểu rõ sức khỏe hệ thống tổ chức tín dụng đang phục hồi, nợ xấu được giải quyết một phần, lợi nhuận cải thiện, nhưng như thế không có nghĩa là mọi thứ đã hoàn hảo trong khi kỳ vọng của thị trường đã đưa đẩy cổ phiếu ngân hàng tăng quá nhanh. Ngay cả những tổ chức đầu tư kinh nghiệm, bám trụ chứng khoán năm này qua năm khác, đã từng trải qua cuộc khủng hoảng năm 2008, đều không thể ngờ cổ phiếu ngân hàng leo dốc khỏe đến như vậy. Ông Lý Xuân Hải, cựu Tổng giám đốc ACB, sau khi mãn hạn tù, giờ làm người quan sát diễn biến thị trường tài chính - chứng khoán, nhận xét vào tháng 3-2018 khi VN-Index đang ở cao trào: “Chứng khoán lúc này là thị trường của người bán, nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng”. Nhìn vào đồ thị của ACB, mới thấy nhận định của ông Hải có cơ sở. Đầu năm 2007 thị giá cổ phiếu ACB đạt đỉnh 300.000 đồng, tương đương với giá điều chỉnh 52.000 đồng hiện nay sau các đợt tăng vốn, chia cổ tức, chia cổ phiếu thưởng, phát hành thêm. Trong phiên ngày 12-4-2018 vào thời điểm VN-Index ở đỉnh 1.211 điểm, thị giá ACB vượt qua 52.000 đồng. Rồi kể từ đó, nó bắt đầu biến động.
Cách đây bốn năm, năm 2014, hai cổ phiếu ngân hàng lớn là CTG và BID xấp xỉ 10.000 đồng (giá đã điều chỉnh sau khi tăng vốn, chia thưởng, cổ tức). Đầu tháng 4 vừa rồi thị giá BID nhảy vọt tới 46.000 đồng, CTG tới 38.000 đồng. Tính ra bốn năm qua cổ phiếu BID tăng 3,6 lần; CTG tăng 2,8 lần, bình quân 90% và 70%/năm. Với tốc độ này, sự điều chỉnh không xảy ra mới đáng kinh ngạc!
Một thí dụ khác. Cổ phiếu SHB trước đại hội cổ đông năm ngoái còn đứng ở 4.600 đồng nhiều phiên. Một năm sau nó vươn mình lên 13.800 đồng, tăng giá gấp ba. Dĩ nhiên, những nhà đầu tư tỉnh táo phải chốt lời. Ba tuần liền khi giá SHB biến động trong khoảng 13.000-13.800 đồng, thanh khoản giao dịch cổ phiếu này cao chưa từng có, khớp 20 - 35 triệu đơn vị/ngày.
Nhìn lại giao dịch một năm qua và suốt chiều dài biến động một thập kỷ mất mát của cổ phiếu ngân hàng, không khó để nhận ra những diễn biến từ đầu năm đến nay là cuộc đấu trí giữa thế hệ cũ những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, đã nếm trải trái đắng của chứng khoán và thế hệ mới, trẻ với các “tay chơi” năng động, nhiệt huyết nhưng có lẽ chưa kinh qua gian nan.
Cổ phiếu ngân hàng đang trên đường trở về giá trị thực. Lần này rút kinh nghiệm, các tổ chức tín dụng không hào phóng cung cấp vốn vay cho chứng khoán như nhiều năm trước. Hỗ trợ nhà đầu tư có nguồn ký quỹ của các công ty chứng khoán và công nghệ thời nay cho phép các nhà môi giới đảm bảo an toàn cho họ. “Cháy tài khoản” hay lỗ lã nhà đầu tư gánh chịu một mình, không thể “bỏ của chạy lấy người” như trước nữa.
VN-Index thời gian qua “cất cánh” có sự góp sức rất lớn của cổ phiếu ngân hàng. Sự điều chỉnh của chỉ số đến đâu bây giờ phụ thuộc vào cổ phiếu các tổ chức tín dụng. Ở mức 985 điểm, P/E toàn thị trường đang là 17,5 lần theo tính toán của SSI. Để trở nên hấp dẫn cho một chu kỳ tăng trưởng mới, P/E thị trường cần ở tầm 13-14 lần. Và đấy mới chỉ là điều kiện cần, còn chờ điều kiện đủ nữa.
Hải Lý