Vietstock - Thăng hoa rồi lại đổ nhào, cổ phiếu KPF có cơ hội quay về đỉnh cũ?
Cổ đông nội bộ đua nhau thoái vốn, “thay máu” nhân sự chủ chốt và giá liên tục kịch trần là những gì đang diễn ra tại CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh (HOSE: KPF). Liệu rằng đà tăng giá đột ngột này có đủ sức đưa cổ phiếu KPF về vùng đỉnh cũ?
Nộp hồ sơ niêm yết vào cuối năm 2015, nhưng phải đến đầu tháng 3/2016 KPF mới chính thức giao dịch trên sàn HOSE với giá tham chiếu 12,600 đồng/cp. Tuy nhiên, thị giá KPF sau đó cứ thế giảm dần, mãi đến cuối năm 2016 thì bất ngờ tăng vọt lên mức cao kỷ lục 12,000 đồng/cp trước khi giảm đều trở lại.
Im hơi lặng tiếng kéo dài mãi cho đến ngày 22/11/2017, phiên kịch trần đầu tiên đưa cổ phiếu KPF đi lên từ đáy, và kéo dài liên tiếp 8 phiên. Theo đó, cổ phiếu KPF đã ghi nhận mức tăng hơn 60%, từ mức 5,320 đồng/cp (21/11) lên mức 9,100 đồng/cp (04/12).
Tuy nhiên, đang phút thăng hoa cổ phiếu KPF lại đột ngột quay đầu giảm sâu, chỉ phiên 04/12 đã giảm hơn 5% về mức 8,600 đồng/cp. Liệu rằng câu chuyện tăng giá của KPF đã đến hồi kết, hay còn cơ hội cho cổ phiếu Công ty quay về vùng đỉnh cũ?
Biến động cổ phiếu KPF từ lúc niêm yết đến nay
Cấp lãnh đạo ồ ạt sang tay cổ phiếu trước giờ G
Ở khía cạnh khác, đi cùng với đợt tăng giá đột ngột trên là những lần sang tay cổ phiếu của cấp lãnh đạo cùng người có liên quan. Khởi đầu là giao dịch tại hai nhân sự chủ chốt, Chủ tịch HĐQT Dương Minh Đức mua vào 1.4 triệu cổ phiếu, tương đương 8.16% vốn vào cuối tháng 1/2017. Cùng thời gian trên, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Đào Minh Tuấn đã bán ra số lượng tương tự (1.4 triệu cổ phiếu), giảm tỷ lệ sở hữu về 9.84%.
Thời gian sau đó, ông Tuấn liên tục thực hiện 3 lần bán ra, giữa tháng 11/2017 ông đã chính thức đăng ký thoái toàn bộ 1.6 triệu cổ phiếu KPF còn lại, giao dịch dự kiến kết thúc vào ngày 15/12/2017. Trong khi đó, Chủ tịch Đức đã hoàn tất thoái sạch 1.4 triệu cổ phiếu vào cuối tháng 11, chỉ sau 10 tháng nắm giữ.
Giao dịch tại KPF từ đầu năm đến nay
Song song với việc cấp lãnh đạo đua nhau bán cổ phiếu là những cổ đông lớn mới liên tục xuất hiện, điển hình như ông Vũ Đức Toàn, ông Kiều Xuân Nam, bà Lương Thị Hồng Vân…
Hơn nữa, cùng khoảng thời gian này, KPF cũng thay đổi hàng loạt nhân sự cấp cao. Trong đó, ông Đặng Quang Thái được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc thay ông Đoàn Minh Tuấn từ 16/10; ông Đồng Văn Tín được bổ nhiệm làm Kế toán trưởng và bà Nguyễn Kim Anh được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc…
Với diễn biến thời gian gần đây thì dường như KPF đã và đang thay máu, lãnh đạo cũ theo đó ra đi và bán lại cổ phiếu cho những người mới tiếp quản.
Đi tìm nguyên nhân tăng giá
Cả hai đơn vị này đều kinh doanh chính trong lĩnh vực khai thác đá, cát, sỏi… Trong đó, Phú Gia Hà Nam được thành lập vào năm 2010 với vốn điều lệ hiện đạt 80 tỷ đồng; Đầu tư Tam Hà ra đời sau đó 1 năm (2011) với vốn điều lệ tương đương 80 tỷ đồng.
Với mục tiêu tái cấu trúc ngành nghề kinh doanh vào năm 2014 để tập trung vào lĩnh vực khai thác vật liệu xây dựng (cát, đá…), việc đầu tư vào Phú Gia Hà Nam và Đầu tư Tam Hà đã từng giúp KPF toàn quyền khai thác những bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng đắc địa như: Mỏ cát Tam Hà tại bãi bồi sông Hồng, Mỏ cát Phú Gia tại bãi bồi sông Hồng, bến bãi tại huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam)… Mặt khác, không chỉ đầu tư tài chính, KPF còn có mối quan hệ hợp tác kinh doanh với cả 2 đơn vị trên, khi mà Công ty đang ghi nhận khoản phải thu dài hạn 5 tỷ đồng với Đầu tư Tam Hà và phải thu dài hạn 5 tỷ đồng với Phú Gia Hà Nam (tính đến ngày 30/09/2017). |
Được biết, đà tăng giá của cổ phiếu KPF bắt đầu ngay sau khi đơn vị này công bố về việc thoái vốn tại công ty liên kết là Phú Gia Hà Nam. Tổng số cổ phần chuyển nhượng là 3.92 triệu đơn vị, tương ứng 49% vốn.
Tiếp tục vào khoảng cuối tháng 11, KPF một lần nữa công bố thông tin thoái vốn tại đơn vị liên kết khác là Đầu tư Tam Hà. Tổng số cổ phần chuyển nhượng là 3.92 triệu cổ phiếu tương ứng 49% vốn điều lệ.
Hiện, cả hai kế hoạch thoái vốn này đều đang trong giai đoạn thỏa thuận giá chuyển nhượng và lựa chọn thời điểm thích hợp để ký hợp đồng.
Theo BCTC 9 tháng đầu năm 2017 của KPF, tổng số tiền Công ty đã đầu tư vào 2 đơn vị trên đạt hơn 78 tỷ đồng, tương đương khoảng hơn 45% vốn điều lệ của KPF. Điều bận tâm ở đây là, sau khi thoái vốn tại Phú Gia Hà Nam và Đầu tư Tam Hà, KPF còn được toàn quyền khai thác tại các mỏ cát đắc địa (Tam Hà, Phú Gia)?!
* KPF: Sẽ thu về tối thiểu 67 tỷ đồng từ Phú Gia và Hà Nam
Chưa dừng lại, mới đây KPF đã công bố sẽ chuyển nhượng 2.3 triệu cổ phần nắm giữ tại Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Phú Gia, tương đương 12.78% vốn với giá không thấp hơn mệnh giá cho ông Đặng Thế Phi. Đồng thời, Công ty cũng sẽ chuyển nhượng 4.4 triệu cổ phần nắm giữ tại CTCP Đầu tư Nông nghiệp Hà Nam, tương đương 44% vốn với giá tối thiểu là 10,000 đồng/cp cho ông Phạm Văn Lượng.
Như vậy, tổng số tiền KPF thu về dự kiến không thấp hơn 67 tỷ đồng, tương đương 50% vốn hiện tại của Công ty.
Nếu tính cả số tiền thu về sau khi thoái tại Đầu tư Tam Hà và Phú Gia Hà Nam, lượng tiền KPF có được sẽ lên đến 145.4 tỷ đồng, hiện vẫn chưa rõ sau khi thoái vốn thì dòng tiền thu về sẽ được KPF sử dụng để làm gì?
Thoái hết các khoản đầu tư, KPF còn lại gì?
Về KPF, được thành lập vào năm 2009 với vốn điều lệ ban đầu là 5 tỷ đồng, sau 8 năm hoạt động, Công ty hiện đã tăng con số này lên mức 156 tỷ đồng. Năm 2014, Công ty đã tiến hành tái cơ cấu kinh doanh, chuyển từ tư vấn, thầu xây dựng sang sản xuất, cung ứng vật liệu (cát, đá…) thông qua công ty liên kết là Phú Gia Hà Nam và Đầu tư Tam Hà. Cũng nhờ đó mà lợi nhuận ròng năm 2015 của KPF tăng đột biến.
Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, KPF góp vốn vào Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Phú Gia để đầu tư dự án bãi đổ xe, văn phòng nhà ở Thụy Phương Garden tại Từ Liên Hà Nội.
Tuy nhiên việc KPF thông báo sẽ thoái vốn khỏi Phú Gia Hà Nam Đầu tư Tam Hà cũng như Phát triển Nhà và Đô thị Phú Gia khiến giới đầu tư đặt ra câu hỏi lớn về hoạt động của Công ty ở các mảng sản xuất, cung ứng vật liệu cũng như đầu tư bất động sản.
Ngoài các mảng kinh doanh trên, theo bản cáo bạch niêm yết năm 2016, hiện KPF đang đầu tư xây dựng khu công nghệ cao (đại diện vốn góp 30% các xã viên tại Hợp tác xã phát triển nông nghiệp sạch) trên 71 ha tại bãi giữa xã Châu Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam với chi phí thuê thấp. Hiện tại, Công ty cho biết chưa khai thác hết quỹ đất này, Công ty đã tiến hành trồng canh tác thử nghiệm chuối giống Thái chất lượng cao trên một phần diện tích, và bước đầu cho thấy hiệu quả. Kế hoạch cho thời gian tới, Công ty dự kiến sẽ mời một số đối tác nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp sạch công nghệ cao tham gia thực hiện dự án để mang lại hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên mới đây thì KPF lại muốn thoái sạch vốn tại đơn vị liên doanh là CTCP Đầu tư Nông nghiệp Hà Nam.
Thăng hoa rồi lại đổ nhào, cổ phiếu KPF có cơ hội quay về đỉnh cũ?
|
Vậy KPF sẽ làm gì khi thoái sạch các khoản đầu tư trên? Theo thông báo ngày 06/12, HĐQT Công ty đã thông qua việc nhận chuyển nhượng 45% vốn điều lệ Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm từ hai đối tượng là ông Kiều Xuân Nam (tỷ lệ 44%) và ông Vũ Đức Toàn.
Điều đáng chú ý là ông Kiều Xuân Nam và ông Vũ Đức Toàn hiện đang là 2 cổ đông lớn của KPF sau đợt tháo chạy của Ban lãnh đạo cũ KPF. Ngoài ra, Đầu tư Cam Lâm hiện do ông Kiều Xuân Nam sở hữu 44% vốn và ông Vũ Đức Toàn sở hữu 56% vốn.
Nói thêm về Đầu tư Cam Lâm, Công ty này thành lập vào năm 2014 do 3 cổ đông sáng lập là ông Kiều Xuân Nam, ông Vũ Đức Toàn và ông Đặng Quang Thái (hiện đang là TGĐ KPF). Hoạt động kinh doanh chính của Đầu tư Cam Lâm là xây dựng nhà các loại.
Như vậy, nếu thương vụ này thành công thì đây có thể là hướng kinh doanh mới mà KPF sẽ thực hiện trong tương lai.
Tri Túc