Vietstock - Tháng đầu năm, lựa chọn sai coi chừng “mất Tết”
Tháng đầu năm nhà nhà tất bật chuẩn bị đón Tết, lòng người xa xứ nôn nao ngày trở về quê nhà. Tuy vậy, chứng trường khốc liệt không có ngoại lệ cho bất cứ thời điểm nào. Liệu cổ phiếu nào có thể mang lại “cái Tết” cho nhà đầu tư?
Cổ phiếu “rực rỡ” đầu năm tại sàn HOSE
Trên sàn HOSE, có 12 cổ phiếu “mở bát rực rỡ” trong giai đoạn cả 3 năm từ 2016 – 2018.
Danh sách cổ phiếu sàn HOSE tăng liên tục vào tháng 1 trong giai đoạn 2016 - 2018
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong nhóm này có sự góp mặt của 3 gương mặt tỷ đô là VIC, GAS, MBB.
Một điều thú vị trong 12 cái tên vàng đầu năm thì có đến một nửa trong số đó là các cổ phiếu thuộc VN30, đó là 6 ông lớn VIC, GAS, MBB, PNJ, CII, REE.
Tuy vậy quán quân về mặt hiệu suất sinh lợi xét trong các tháng đầu năm của giai đoạn 2016 – 2018 thì lại là TEG, một cái tên khá xa lạ với phần đông nhà đầu tư. CTCP Bất động sản và Xây dựng Trường Thành (HOSE: TEG) hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản. Giai đoạn 2014 – 2017, kết quả kinh doanh của Công ty tăng trưởng đáng kể. 9 tháng đầu 2018, TEG đạt doanh thu thuần 113.8 tỷ đồng và lãi ròng 9.7 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 31.3% và 11.4% so với cùng kỳ năm trước. Hiện cổ phiếu TEG chỉ đang được giao dịch với mức giá 7,500 đồng/cp (kết phiên 25/12/2018). Dù vậy, tổng hiệu suất sinh lợi chỉ tính trong 3 tháng đầu năm của giai đoạn 2016 – 2018 của cổ phiếu này lên đến 111%.
Xét đến khía cạnh khác, không phải cứ khởi động rực rỡ thì cả năm sẽ tài lộc, NKG chính là minh chứng cho điều này. Câu chuyện được kể về NKG trong năm 2018 mang nhiều sắc u buồn. Sau năm 2017 lãi kỷ lục, doanh nghiệp này khởi động 2018 với 2 quý kinh doanh sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Để rồi sang quý 3/2018, Thép Nam Kim chỉ lãi trước thuế vỏn vẹn 1 tỷ đồng, kết quả thấp nhất của Công ty kể từ quý 1/2013. Lẽ dĩ nhiên, chuyện “kém vui” cũng xảy ra với cổ phiếu của doanh nghiệp thép từng một thời được kỳ vọng này, từ việc được giao dịch với giá 44,300 đồng/cp (10/01/2018), đến kết phiên chiều 25/12/2018, NKG chốt giá 7,800 đồng/cp.
“Mất Tết” tại sàn HOSE
Tại sàn HOSE, có tất cả 21 cổ phiếu có tháng khởi động gây phiền lòng giới đầu tư liên tục trong 3 năm từ 2016 - 2018.
Danh sách cổ phiếu sàn HOSE giảm liên tục vào tháng 1 trong giai đoạn 2016 - 2018
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong đó, VHG, FIT, TMT lần lượt là 3 cổ phiếu gây thua lỗ lớn nhất cho nhà đầu tư trong tháng 1 tính trong giai đoạn 3 năm 2016 – 2018. Nếu một nhà đầu tư chỉ mua và nắm giữ các cổ phiếu kể trên trong tháng 1 và giữ tiền vào tất cả các tháng còn lại trong giai đoạn 2016 – 2018 thì danh mục của anh ta sẽ chỉ còn lại 56%, 63%, 65% sau 3 mùa xuân, tương ứng lần lượt với việc mua VHG, FIT, TMT.
Xét về khía cạnh vốn hoá, ông lớn trong nhóm “phiền lòng” không ai khác chính là DCM. Tính đến thời điểm 25/12/2018, vốn hoá thị trường của DCM đạt gần 5,559 tỷ đồng. Ngoài DCM, trong nhóm này chỉ có thêm 2 cái tên nữa có vốn hoá thị trường nghìn tỷ, là TCM và SJS với các con số vốn hoá lần lượt là 1,218 tỷ đồng và 2,107 tỷ đồng tính đến thời điểm 25/12/2018.
Đầu năm “ảm đạm” tại HNX
Tại sàn HNX, trong giai đoạn 2016 – 2018 chỉ có 5 cổ phiếu tăng giá liên tiếp trong cả 3 tháng đầu năm, tuy nhiên, con số này về phía chiều giảm lại lên đến 17.
Danh sách cổ phiếu sàn HNX tăng/giảm liên tục vào tháng 1 trong giai đoạn 2016 - 2018
Nguồn: VietstockFinance
|
SHB (HN:SHB), PGS, PVI, HAD, IDJ là 5 cái tên được nêu trên bảng vàng sàn HNX.
Tính trong tháng 1/2018, SHB và PGS là 2 cổ phiếu đã mang về “cái Tết no ấm” cho nhà đầu tư. Đáng chú ý, ngoài việc thị giá phi mã, cổ phiếu SHB cũng có thanh khoản bùng nổ trong tháng khởi đầu năm 2018, với khối lượng giao dịch bình quân lên đến gần 22.3 triệu cp/ngày.
Tuy vậy, câu chuyện về 2 cổ phiếu PGS và SHB lại được kể rất khác trong phần còn lại của năm. Tính đến kết phiên chiều 25/12/2018, PGS có giá 30,500 đồng/cp, dù đã giảm so với mức đỉnh 37,000 đồng/cp (31/01/2018), cổ phiếu này vẫn đạt mức tăng 22% so với mức giá kết ngày đầu năm. Câu chuyện buồn hơn lại xảy đến với các cổ đông của SHB, cổ phiếu này chốt phiên chiều 25/12/2018 tại mức giá 7,200 đồng/cp, giảm 47.8% từ đỉnh (13,800 đồng/cp kết phiên ngày 16/03/2018) và giảm 26.5% so với mức giá kết ngày đầu năm.
Về phía nhóm cổ phiếu giảm liên tục vào tháng đầu năm trong giai đoạn 2016 – 2018, những cổ phiếu gây thua lỗ lớn nhất cho nhà đầu tư (xét trên cùng khung thời gian) lần lượt là NDF, KLF, SDA. Giả sử một nhà đầu tư chỉ mua và nắm giữ các cổ phiếu kể trên trong tháng 1 và giữ tiền trong tất cả các tháng còn lại, liên tục trong 3 năm 2016 – 2018, thì tính đến nay danh mục của anh ta sẽ chỉ còn lại 44%, 59%, 64% lần lượt tương ứng với việc mua NDF, KLF, SDA.
Vĩnh Thịnh