Vietstock - Tập đoàn Hòa Bình: Việc hủy niêm yết cổ phiếu HBC không phù hợp với pháp luật hiện hành
Ngày 30/07, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HM:HBC) đã gửi công văn phúc đáp tới Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) và khẳng định không đồng ý với các căn cứ HOSE áp dụng để xem xét hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HBC.
Tập đoàn Hòa Bình cho rằng thứ nhất, điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ không quy định chi tiết về việc xem xét điều kiện lỗ lũy kế trên BCTC kiểm toán hợp nhất hay trên BCTC kiểm toán riêng.
“Hiện nay, chưa có bất kỳ văn bản pháp luật của cơ quan có thẩm quyền nào hướng dẫn áp dụng hay giải thích pháp luật đối với trường hợp này”, Hòa Bình nêu rõ.
Theo điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020: “Cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau: Kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong BCTC kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét”. |
HBC cho biết vốn điều lệ của Công ty hơn 2,741 tỷ đồng, trong khi tại BCTC kiểm toán riêng năm 2023 lỗ lũy kế hơn 2,401 tỷ đồng và tại BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2023 lỗ lũy kế hơn 3,240 tỷ đồng. Như vậy, tổng số lỗ lũy kế của HBC trên BCTC kiểm toán riêng chưa vượt quá số vốn điều lệ của Công ty nên không thuộc trường hợp hủy bỏ niêm yết theo quy định.
Thứ hai, việc HOSE căn cứ vào tiền lệ trước đây (lịch sử áp dụng) để xem xét hủy niêm yết cổ phiếu HBC là không phù hợp với pháp luật hiện hành. Cụ thể, trước đây, quy chế niêm yết chứng khoán tại HOSE ngày 19/03/2018 có hướng dẫn về việc căn cứ vào BCTC hợp nhất để xem xét điều kiện lỗ lũy kế đối với tổ chức niêm yết có công ty con, nên các trường hợp tương tự Tập đoàn Hòa Bình trong lịch sử bị hủy niêm yết là phù hợp.
Tuy nhiên, ngày 31/03/2022, Hội đồng thành viên (HĐTV) HOSE đã ban hành quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV để thay thế. Theo đó, quy chế mới đã bỏ quy định nêu trên của quy chế cũ.
Do đó, ở thời điểm hiện tại, việc HOSE căn cứ vào tiền lệ trước đây (lịch sử áp dụng), nguyên tắc tương tự hay bất kỳ căn cứ nào khác không phải là quy định pháp luật hiện hành thì đều không phù hợp quy định pháp luật.
Ban lãnh đạo Công ty ý thức được các hệ lụy vô cùng nghiêm trọng của việc hủy bỏ niêm yết đối với cổ phiếu của Công ty. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 39,000 cổ đông và hàng ngàn người lao động đang phụ thuộc kinh tế vào Công ty, đồng thời ảnh hưởng đến hơn 1,400 nhà cung cấp; nhà thầu phụ với hàng trăm ngàn nguời lao động của các doanh nghiệp này.
Do đó, Tập đoàn Hòa Bình tha thiết kính mong HOSE xem xét, cân nhắc trước khi đưa ra quyết định liên quan đến việc hủy bỏ niêm yết đối với cổ phiếu HBC.
Điều này nhằm tạo điều kiện cho Hòa Bình, một doanh nghiệp đầu ngành đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển công nghiệp xây dựng Việt Nam, thực hiện hoài bão đưa công nghiệp xây dựng Việt Nam ra nước ngoài, đóng góp hiệu quả nhất cho sự phát triển kinh tế quốc gia. Bên cạnh đó, việc này giúp Hòa Bình có điều kiện duy trì đảm bảo hoạt động liên tục nhằm làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm của HBC với cổ công cùng các bên liên quan.
* Chủ tịch Lê Viết Hải: 4 nguyên nhân khiến HBC âm vốn chủ sở hữu
* HBC hoàn thành sớm kế hoạch 2024 nhờ hoàn nhập dự phòng và thanh lý tài sản
* HBC và HNG (HM:HNG) bị hủy niêm yết bắt buộc
Thanh Tú