Vietstock - Tạo ra một loại hình BĐS mới liệu có khả thi trong điều kiện hiện nay?
Chỉ còn 3 tuần nữa là khép lại năm 2018. Có thể nói rằng thị trường BĐS vẫn “yên ổn” như nhiều chuyên gia đã dự báo trước, không rơi vào chu kỳ, không có bong bóng xảy ra. Trong bối cảnh khá là yên ổn như vậy, liệu có nên làm mới thị trường bằng việc tạo ra một loại hình BĐS mới, một phân khúc mới?
Trong 11 tháng đầu năm 2018, có 6,400 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) mới được thành lập, tăng 41.7% so với cùng kỳ năm 2017. Số doanh nghiệp xây dựng thành lập mới là 15,500 doanh nghiệp, tăng 5.8%.
Bên cạnh đó, quy mô vốn cũng tăng mạnh từ khoảng 20 tỷ đồng/doanh nghiệp ở năm 2017 lên 69 tỷ đồng/doanh nghiệp trong năm 2018. Theo FIA, lượng vốn FDI đăng ký vào BĐS 11 tháng đầu năm ở mức 5.2 tỷ USD, tăng 208% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 33% tổng vốn FDI đăng ký mới.
Riêng về bằng bằng bán lẻ, thị trường tiêu dùng Việt Nam tăng trưởng rất tốt trong 10 tháng đầu năm, vào khoảng 11.4%. Nếu loại trừ đi yếu tố giá thì mức tăng ở khoảng 8.8%, đây cũng là mức tăng cao nhất trong 5 năm vừa qua.
Trong điều kiện thị trường BĐS như trên, một câu hỏi đặt ra rằng liệu có nên tạo ra một loại hình BĐS mới, một phân khúc mới?
Hội nghị Bất động sản Việt Nam 2018 do kênh thông tin Batdongsan.com.vn tổ chức ngày 06/12.
|
Tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam 2018 do kênh thông tin Batdongsan.com.vn tổ chức ngày 06/12, ông Trần Như Trung – Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng Giám đốc Capitel House cho biết, doanh nghiệp khi cung cấp sản phẩm mới ra thị trường sẽ có hai lựa chọn, một là đi theo thị trường, tức là thị trường như thế nào thì mình sẽ cung ra sản phẩm như thế đó, còn nếu không thì phải tạm ngưng một thời gian.
Theo ông Trung, nếu ở vị thế là người dẫn dắt, tạo lập thị trường thì việc tạo ra một loại hình BĐS mới đúng là khó, “mình phải là người chủ động, một là đưa ra được sản phẩm mới áp đảo lại số đông của thị trường, thứ hai là phải có đủ nguồn lực”. Ông cũng thẳng thắn chia sẻ “với góc nhìn là một nhà đầu tư thì tôi không thích theo vai trò dẫn dắt bởi riêng thị trường nhà ở đã mênh mông, làm không hết việc nên không nhất thiết phải thêm một loại hình mới”.
Còn với góc nhìn của đơn vị tư vấn BĐS, ông Trần Lâm – Nhà sáng lập DKRA Việt Nam cho rằng, tùy theo chiến lược mà mỗi nhà phát triển BĐS có sự lựa chọn riêng. Trên thực tế, vẫn có những nhà phát triển chủ động tạo ra lợi thế cạnh tranh. Đơn cử cách đây một hai năm, có nhiều nhà phát triển mạnh dạng tham gia vào BĐS xanh, mặc dù trước đó họ chưa đề cập đến và thị trường cũng chưa có. Hoặc là sự tiên phong của các doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ vào các công trình, dự án. Ông Lâm cũng dẫn ra có hai xu hướng trong việc phát triển nhà ở hiện nay là vừa xanh, vừa thông minh.
Câu hỏi tạo ra một loại hình BĐS mới liệu có khả thi trong điều kiện hiện nay cũng gần giống với câu hỏi để thị trường dẫn dắt hay có nhu cầu rồi mới phát triển. Trong sự lựa chọn của nhiều nhà phát triển hiện tại, họ lựa chọn sự an toàn đó là làm tốt hơn. Điều này có nghĩa thay vì nghĩ ra cái gì quá sáng tạo hay khác biệt, làm tăng chi phí thì họ chỉ cần làm tốt hơn về mặt chất lượng, về mặt cam kết cũng như chính sách bán hàng.
Nguyên Ngọc