Vietstock - Tăng trưởng của TTCK Việt Nam: Chiếc bánh không chia đều
Bức tranh tổng thể của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam thời gian qua là tươi sáng. Tuy nhiên, đi sâu vào bên trong, lại có những mảng màu tương phản đáng suy ngẫm…
Điểm lại TTCK Việt Nam năm 2017 và 2 tháng đầu năm 2018
Chỉ số VN-Index tăng gần 48% trong năm 2017 và hơn 13% trong 2 tháng đầu năm 2018, giúp TTCK Việt Nam trở thành một trong những TTCK tăng trưởng hàng đầu thế giới - một sự tăng trưởng ngoạn mục. Sự khởi sắc của TTCK cho thấy bộ mặt nền kinh tế Việt Nam đã cải thiện và phát triển ổn định, chắc chắn, theo sau sự điều hành quyết liệt của Chính phủ - một Chính phủ kiến tạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi, cải thiện môi trường kinh doanh để các doanh nghiệp phát huy tối đa nội lực, tăng tính cạnh tranh trên thị trường khi nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.
Bức tranh tổng thể của TTCK thời gian qua là sáng nhưng đi sâu vào bên trong lại có những mảng màu tương phản đáng suy ngẫm.
Mảng sáng chiếm đa số trong bức tranh này đó là sự tăng trưởng của các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bất động sản và vât liệu xây dựng, hàng tiêu dùng… Cổ phiếu của doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực kể trên đã tăng trưởng mạnh mẽ, định hình sức tăng của TTCK, có thể nêu ra như VIC của Tập đoàn Vingroup, DXG của CTCP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh, HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát, MSN của Tập đoàn Masan, VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), MBB của Ngân hàng Quân Đội, BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam và nhiều tên tuổi khác. Mức tăng của các cổ phiếu này từ trên 50% đến hơn 100% thị giá. Bên cạnh đó, không thể không kể đến cổ phiếu của những doanh nghiệp đầu ngành trong các lĩnh vực hàng thiết yếu như VNM của CTCP Sữa Việt Nam, GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam, PLX của Tập đoàn Xăng Dầu hay SAB của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn hay BHN của Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà nội… Chính mức tăng của những doanh nghiệp nhóm này (tạm gọi là nhóm A) đã tạo nên mức tăng mạnh của chỉ số VN-Index thời gian qua.
Tuy vậy, nụ cười không thể nở trên môi nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và doanh nghiệp nhỏ trong các lĩnh vực khác (tạm gọi là nhóm B) khi năm 2017 và đến hiện nay, cổ phiếu của các doanh nghiệp này liên tục đi xuống. Phải kể đến là bộ đôi HAG, HNG của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, SBT của CTCP Thành Thành Công, GTN của CTCP GTN Food, LSS của CTCP Mía Đường Lam Sơn, DBC của CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam
Nguyên nhân của các diễn biến trái chiều nêu trên
Đối với các doanh nghiệp nhóm A, doanh thu và lợi nhuận đã tăng trưởng mạnh mẽ. Sự tăng trưởng của nền kinh tế nói chung đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và đầu tư của xã hội. Sự phục hồi và tăng trưởng mạnh của thị trường bất động sản thúc đẩy nhu cầu về vật liệu xây dựng. Nhu cầu vốn gia tăng trong nền kinh tế thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng, trong khi chi phí vốn huy động đầu vào thấp cùng với việc nợ xấu được tích cực giải quyết…, đã khơi thông dòng vốn chảy qua hệ thống ngân hàng, mang lại sự tăng trưởng và phát triển ổn định của hệ thống - xương sống của nền kinh tế.
Ngược lại, ở các doanh nghiệp nhóm B hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là sự sụt giảm trong tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, làm hạn chế sự phát triển ổn định của doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp quy mô nhỏ khác có sức cạnh tranh thấp, chưa được hưởng lợi nhiều từ sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, không thu hút được nguồn lực xã hội để phát triển… Một số doanh nghiệp có cấu trúc nguồn vốn chưa phù hợp khi tỷ lệ vốn vay khá lớn so với vốn chủ sở hữu thì gánh nặng tài chính càng gây sức ép lớn hơn. Và cuối cùng, nhiều doanh nghiệp nhỏ có kết quả kinh khá tốt nhưng tính thanh khoản của cổ phiếu thấp nên không thu hút được dòng tiền, giá cổ phiếu dậm chân tại chỗ thậm chí giảm do nhà đầu tư chán nản bán ra để tìm cơ hội ở nhóm A.
Nhìn về phía trước
Năm 2018 được các tổ chức tài chính lớn và các chuyên gia kinh tế dự báo là năm tiếp tục tăng trưởng tốt của nền kinh tế Việt Nam bên cạnh quyết tâm của Chính phủ trong việc nâng cao tỷ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). TTCK theo đó cũng được dự báo tăng trưởng hai con số cùng với kỳ vọng về việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên (Frontier Market) lên thị trường mới nổi (Emerging Market).
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có sự tăng trưởng trong năm 2017 sẽ tiếp tục đà phát triển trong năm 2018 và cổ phiếu của những doanh nghiệp này được dự báo sẽ thu hút được dòng tiền của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí, lành mạnh hơn sức khỏe tài chính doanh nghiệp để đương đầu với thách thức hiện hữu khi thị trường hàng hóa nông nghiệp vẫn chưa cho thấy sự phục hồi đáng kể nào. Trong khi đó, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ cần nâng cao hơn nữa tính cạnh tranh trên thị trường trong việc quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm. Việc tái cấu trúc lại nguồn vốn, giảm tỷ trọng vốn vay để giảm gánh nặng tài chính, cũng như tìm kiếm mở rộng thị trường cho hàng hóa của doanh nghiệp mình sẽ là bài toán không dễ giải quyết, đòi hỏi ban lãnh đạo doanh nghiệp phải nỗ lực vượt bậc để lèo lái doanh nghiệp vượt qua thách thức ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp.
Giá cả hàng hóa nông nghiệp đã “chạm đáy” cùng với việc tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam cũng như nền kinh tế thế giới sẽ là điểm tựa cho các doanh nghiệp nhóm B trong năm 2018 và những năm tiếp theo, theo đó cổ phiếu của những doanh nghiệp này cũng hứa hẹn sẽ đầy tiềm năng.
Hoàng Trần