Vietstock - Tâm lý nhà đầu tư như thế nào sau câu chuyện treo sàn?
Sàn HOSE gần đây ghi nhận những biến động điều chỉnh mạnh nhưng rồi cũng nhanh chóng trở lại đường đua, và mới nhất là sự việc treo sàn khi vào phiên giao dịch ATC chiều ngày 22/01. Trước sự cố này, các chuyên gia chứng khoán đã có những nhận định nhanh về động lực bứt phá của chỉ số trong khoảng thời gian này cũng như tâm lý hiện tại của nhà đầu tư.
* Lần đầu tiên VN-Index không xác định được giá đóng cửa
* VN-Index kết phiên ngày 22/01 tại 1,087.42 điểm và hủy phiên ATC
* Sự cố chưa khắc phục xong, HOSE tiếp tục ngừng giao dịch chứng khoán phiên 23/01
* Nhà đầu tư cần bình tĩnh trước sự cố kỹ thuật tạm ngừng giao dịch tại HOSE
Sau phiên giảm điểm mạnh ở cuối tuần trước, thị trường đã lấy lại được đà hồi phục và tiệm cận mức đỉnh cũ là 1,060 điểm. Riêng phiên giao dịch ngày 22/01, diễn biến chỉ số trong phiên có thời điểm đã chinh phục được đỉnh 1,060 trước khi sự cố treo sàn phiên ATC diễn ra. Theo thông báo từ HOSE, giá đóng cửa phiên giao dịch 22/01 theo đó được xác định dựa trên giá khớp lệnh cuối cùng trong ngày, tức VN-Index sẽ dừng tại 1,087.42 điểm, tương ứng tăng hơn 25 điểm, hay 2.4%.
Bình luận về động lực tăng điểm trong những phiên giao dịch vừa qua, ông Nguyễn Thế Minh - Phó Giám đốc kiêm Trưởng nhóm phân tích thị trường vốn Khối khách hàng cá nhân CTCK Sài Gòn (SSI) cho rằng, yếu tố chính hỗ trợ thị trường đến từ thông tin kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2017 của các doanh nghiệp niêm yết.
Nhận định thị trường trong khung thời gian ngắn hạn, ông Minh cho rằng sắp tới sẽ không còn các thông tin đủ mạnh hỗ trợ khi mà các báo cáo tài chính được công bố hết. Mặt khác, thị trường đã chinh phục vùng đỉnh cũ ở mức cao nên tâm lý nhà đầu tư phần nào sẽ chững lại, theo đó có thể sẽ gây ra các áp lực điều chỉnh.
Về hiện tượng treo vào cuối phiên chiều ngày 22/01/2018, ông Minh cho biết không thể đưa ra kết luận gì tại thời điểm này. Song, ông Minh nhận định thị trường có đôi chút hoảng loạn, tâm lý thận trọng bắt đầu xuất hiện sau sự việc trên. Thêm nữa, diễn biến giao dịch thị trường trong phiên này tồn tại sự phân hóa rất lớn, số lượng cổ phiếu giảm điểm vẫn chiếm tỷ trọng rất cao và hoàn toàn trái chiều với lực tăng mạnh của chỉ số.
Nhà đầu tư nên tập trung quan tâm vào từng nhóm cổ phiếu hơn là diễn biến chỉ số chính, giữ cơ cấu danh mục ở trạng thái cân bằng, bán bớt những cổ phiếu nhỏ và ưu tiên nắm giữ những cổ phiếu có thị giá cao.
Ông Minh cũng lưu ý rằng, hiện tại áp lực điều chỉnh rất lớn vẫn có thể xảy ra, do đó việc mua mới thời điểm hiện tại nên xem xét hạn chế.
Riêng với nhóm cổ phiếu Large Cap ghi nhận lực tăng khá mạnh đồng thời lại không quá phụ thuộc vào margin, nên khả năng cổ phiếu thuộc nhóm này sẽ vẫn kéo dài được đà tăng nhưng trong ngắn hạn vẫn cần sự thận trọng.
Trở lại phiên 22/01, câu chuyện nâng mức ký quỹ ban đầu từ 50% lên 60% áp dụng từ ngày 01/03 sẽ ảnh hưởng ít nhiều lên những cổ phiếu có trị giá nhỏ. Vì các công ty chứng khoán phải thực hiện bài toán cân đong đo đếm để phù hợp với lượng margin hạn hẹp, nên khả năng những cổ phiếu nhỏ sẽ bị giảm tỷ trọng để ưu tiên cho những cổ phiếu có thị giá lớn, nhất là cổ phiếu trong nhóm VN30 hiện đang thu hút dòng tiền tốt.
Sau sự cố treo sàn HOSE, tâm lý nhà đầu tư có phần thận trọng hơn?
|
Ở một góc nhìn khác, ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận nghiên cứu kinh tế CTCP Chứng khoán MB (MBS) chia sẻ, bàn đạp tạo nên đà tăng hiện tại là nhờ lực cầu tăng mạnh của vốn đầu tư từ nước ngoài vào một số mã cổ phiếu hàng đầu trong rổ VN30. Tính từ đầu năm 2018 đến nay, lượng vốn rót vào của khối ngoại ước tính khoảng 7,000 tỷ đồng, giúp chỉ số thị trường tiến đến những mặt bằng cao mới.
Ông Tuấn có quan điểm khá lạc quan về sự sự cố trên sàn HOSE. Ông cho rằng, đây chỉ mang tính kỹ thuật và tâm lý nhà đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, mà thay vào đó là sự bất bình của nhà đầu tư khi bỏ lỡ cơ hội kiếm lợi nhuận vào thời điểm cuối phiên ngày 22/01/2018.
Trí Nhiên