Vietstock - Tại sao vẫn có nhiều người thích mua Bitcoin?
Giá Bitcoin đã hình thành xu hướng giảm rất rõ nét. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục mua.
Một loại tài sản nguy hiểm
Khi được hỏi về tiền kỹ thuật số, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cho biết ông không thích chúng. Ông cho biết: “Nói đến các loại tiền kỹ thuật số, tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng chúng sẽ có một cái kết tồi tệ”.
Giám đốc điều hành ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon cũng dự báo bong bóng tiền kỹ thuật số rốt cục sẽ vỡ tung. Ông nói: “Đây là một trò bịp bợm và tệ hơn cả bong bóng hoa tulip”.
Nguồn: New York Daily News
Thậm chí, tỷ phú Howard Marks còn gọi tiền kỹ thuật số là “mô hình lừa đảo đa cấp”. Vậy tại sao các nhà đầu tư vẫn lao vào?
Thông thường, khi không thể giải thích được theo logic của lý thuyết kinh tế thì chúng ta có thể nhờ đến tài chính hành vi.
Ai là người đầu tư tiền kỹ thuật số?
Một điều rất dễ nhận thấy là hầu hết những nhà đầu tư vào Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số khác đều là các cá nhân. Các ngân hàng hay các định chế tài chính khác vẫn chưa hề đầu tư vào loại tài sản này.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận định rõ hơn về các nhà đầu tư cá nhân. Thông thường sẽ có ba loại nhà đầu tư cá nhân đối với tiền kỹ thuật số.
Loại thứ nhất: Người hầu như không có tiền
Loại người hầu như không có tiền (học sinh, sinh viên, nhân viên cấp thấp…) thì khi đầu tư tâm lý khá thoải mái và tâm lý “liều ăn nhiều” khi đó sẽ lên ngôi. Loại này thường xuất hiện ở Mỹ và châu Âu. Trường hợp của cậu bé Erik Finman kiếm được 1.09 triệu USD chỉ từ 1,000 USD ban đầu có thể coi là điển hình cho loại này.
Nguồn: CNBC
Nói đến loại người này thì Giáo sư Dịch Trung Thiên đã có những phân tích khá sâu sắc: “Vì sao một số tên lưu manh nghèo đói, đầu đường xó chợ có thể trở thành hoàng đế? Lưu manh chẳng có gì ngoài sự can đảm. Chính vì chẳng có gì nên mới can đảm. Nghĩ xem, không có gia tài thì sợ gì phá sản; không có chức vị, sợ gì bị bãi quan; không có địa vị, sợ gì mất mặt; không có tri thức, sợ gì nói sai. Vậy họ sợ cái gì? Sợ chết chăng? Chuyện đùa, ai mà chẳng phải chết? Sợ chết không có đất chôn ư? Tôi vốn không mua nổi cỗ quan tài thì tiền đâu mua đất. Chẳng phải thân bại danh liệt sao? Tôi làm gì có danh dự mà mất”.
Rõ ràng, chính vì tâm lý “không có gia tài thì sợ gì phá sản” đã thúc đẩy nhiều cá nhân mua vào tiền kỹ thuật số dù rằng có thể họ thừa biết nguy cơ mất trắng là cực lớn. Họ chỉ biết rằng nếu thắng thì họ có thể đổi đời chỉ sau 1-2 năm. Còn mất trắng thì cũng chả có gì buồn. Kiểu gì cũng nghèo sẵn rồi, có nghèo thêm tý nữa thì chết ai!
Loại thứ hai: Người có tiền nhưng chỉ đầu tư một ít vào tiền kỹ thuật số
Loại người có tiền nhưng chỉ đầu tư một ít vào tiền kỹ thuật số thì thường rơi vào châu Á. Đặc điểm của dân châu Á là thường đầu tư nhiều tiền vào bất động sản và gửi tiết kiệm. Thông thường thì hai khoản này phải chiếm đến hơn 70% tổng tài sản (tính cả ngôi nhà để gia đình ở). Phần còn lại thì thường dùng để mở công ty, đầu tư chứng khoán, tỷ giá, tiền kỹ thuật số… Như vậy, phần tiền dành ra để đầu tư tiền kỹ thuật số chỉ khoảng 5%-7%.
Đối với một miếng đất giá vài chục tỷ đồng thì nhà đầu tư có thể phải suy tính kỹ lưỡng, cân đong đo đếm nát óc. Nhưng với vài nghìn USD bỏ ra để đầu tư tiền kỹ thuật số thì đôi khi họ cũng chẳng cần quan tâm đến việc tài sản này thực sự có giá trị hay không. Vì với họ số tiền nhỏ này chỉ như lông gà, vỏ tỏi không đáng để dành quá nhiều thời gian cân nhắc.
Loại thứ ba: Tội phạm
Bên cạnh các tiện ích như nhanh chóng, tiết kiệm chi phí thì giao dịch bằng tiền kỹ thuật số còn có một ưu điểm khác là ẩn danh. Vì vậy, nó đang trở thành một công cụ hoàn hảo cho tội phạm rửa tiền, trốn thuế, cá độ bóng đá, chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài…
Chủ sở hữu địa chỉ của ví tiền kỹ thuật số vốn không được xác định danh tính rõ ràng, đặc biệt là với các loại tiền thế hệ mới sau Bitcoin. Vì thế, tiền bẩn được luân chuyển thành tiền sạch một cách dễ dàng mà không thể truy xét, kiểm duyệt nguồn gốc số tiền hay danh tính người dùng là ai. Hầu như mọi quy trình kiểm tra giao dịch tài chính thông thường đều không thể áp dụng được đối với hệ thống này.
Giá của tiền kỹ thuật số có thể giảm mạnh nhưng so với việc mất trắng toàn bộ khi bị các cơ quan chức năng bắt được thì vẫn tốt hơn nhiều. Vì vậy, các nhóm tội phạm xuyên quốc gia rất “tâm đắc” và thường xuyên sử dụng tiền kỹ thuật số trong thời gian gần đây.
Nguồn: InfoTecnology
Như vậy, ngay cả khi chứng minh được tiền kỹ thuật số không hề có giá trị gì thì vẫn sẽ có rất nhiều người sẵn sàng đầu tư vào loại tài sản này vì nhiều lý do khác nhau!
Thế Phong