Vietstock - Sửa đổi Luật thuế giá trị giá tăng như thế nào là phù hợp?
Vấn đề quan trọng là làm thế nào để cân đối giữa các mặt lợi và hại, để cải cách chính sách thuế phù hợp, lâu dài; từ đó, giúp cho thuế Việt Nam phù hợp với xu hướng của thế giới và đảm bảo nguồn thu của ngân sách Nhà nước.
* Đề xuất bổ sung 3 nhóm hàng hóa không được áp dụng thuế GTGT 0%
* Phân bón có thể chịu thuế VAT 5%
Ngày 06/01/2024, Bộ Tài chính cho biết, đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi, nhằm tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế GTGT.
Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009, thay thế cho Luật thuế GTGT năm 1997 và được sửa đổi, bổ sung qua các năm 2003, 2005, 2014.
Từ năm 2013 đến năm 2022, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới, nhưng số thu thuế GTGT vẫn được bảo đảm, tăng trưởng đều qua các năm và ổn định về tỷ trọng thu thuế GTGT trong tổng số thu ngân sách Nhà nước (NSNN). Theo thống kê của cơ quan quản lý, số thu về thuế GTGT luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu NSNN, cũng như chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu về thuế. Cụ thể, năm 2014 khoảng 26.9%, năm 2019 khoảng 23.3%, năm 2020 khoảng 22.7%, năm 2021 khoảng 23.6% (năm 2020, 2021 chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19), năm 2022 khoảng 24.5%.
Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế trong chính sách thuế GTGT: Số lượng hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế còn nhiều (26 nhóm), việc áp dụng các mức thuế suất 0%, 5% và 10% còn chưa phù hợp, quy định về giá tính thuế GTGT…
Do vậy, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết phải ban hành Luật thuế GTGT (sửa đổi), nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế GTGT để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện luật, để góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; đảm bảo thu đúng thu đủ vào NSNN, đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN.
Vì sao cần sửa đổi Luật thuế GTGT?
Người viết đã có dịp trao đổi với PGS (HN:PGS).TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế về một số điều trong dự thảo Luật thuế GTGT.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế
|
Luật thuế GTGT sửa đổi đề xuất áp thuế suất 5% với mặt hàng phân bón thay vì không chịu thuế như hiện tại. Theo ông, việc này sẽ tác động thế nào đến doanh nghiệp sản xuất phân bón?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Trước hết, nếu thực hiện việc tính thuế 5% đối với phân bón thì việc giảm trừ đầu vào cho hoạt động sản xuất phân bón sẽ được tính khấu trừ. Hiện nay, thuế GTGT đối với phân bón không áp dụng, mà nếu thuế 0% thì không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Như vậy, toàn bộ chi phí về sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp phải tính vào giá thành sản phẩm và bán ra thị trường; từ đó, làm cho giá bán các sản phẩm phân bón tăng lên. Giá bán trên thị trường cho người nông dân sẽ cao hơn.
Thứ hai, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước sẽ giảm so với phân bón nhập ngoại. Giá phân bón nhập ngoại khi bán ra tại Việt Nam không tính thuế GTGT đầu vào, doanh nghiệp nước ngoài được lợi nhiều thứ và đã được khấu trừ đầu ra, trong khi doanh nghiệp Việt Nam lại không được khấu trừ. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó cạnh tranh được với doanh nghiệp phân bón nước ngoài.
Chưa kể, tính toán như vậy, người sản xuất kinh doanh sẽ chịu áp lực rất lớn về khả năng cạnh tranh khi sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, trừ trường hợp phân bón xuất khẩu ra nước ngoài (khi đó sẽ được giảm tỷ lệ thuế đầu vào), còn cạnh tranh trong nước rất khó. Quan trọng là người nông dân sẽ khó tiếp cận được phân bón nội.
Trong kiến nghị sửa đổi, có dự thảo thay đổi thời điểm tính thuế GTGT. Điều này sẽ ảnh hưởng gì đến thuế của các doanh nghiệp?
Thời gian tính thuế chỉ mang tính thời điểm, nhưng rất quan trọng, vì xác định tính thuế đối với các hàng hóa từ khi nào, từ đó tính ra các hoạt động tăng giảm giá trị của giá thành sản phẩm hàng hóa, giúp cho hoạt động của doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quá trình thực thi.
Thực ra, khi tính đến thuế GTGT là phải tính đến cả quá trình hoàn thuế sau này. Khi xuất khẩu ra nước ngoài và cả các yếu tố khác. Cho nên việc xác định thời điểm tính thuế rất quan trọng.
Ông có đề xuất gì thêm cho luật thuế GTGT sửa đổi?
Nếu so với mức thuế GTGT bình quân chung của thế giới thì thuế GTGT của Việt Nam đang ở mức tương đối thấp. Mức bình quân chung của các quốc gia có áp dụng thuế GTGT khoảng 16%, còn tại Việt Nam bình quân chung thuế GTGT ở khoảng 9.6%.
Vì mức chênh lệch thuế của chúng ta thấp hơn mức bình quân chung của thế giới nên cần xem xét các yếu tố đầu ra - đầu vào để phân tích mặt lợi, mặt hại, từ đó có sự chuẩn bị để nâng thuế GTGT trong thời gian tới cho phù hợp.
Nếu như không tính thuế GTGT, việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ gặp nhiều vấn đề, khó cạnh tranh được với các hàng hóa nhập từ nước ngoài vào. Vì thuế GTGT đánh trên tất cả phần giá trị gia tăng của hàng hóa, nếu đánh thuế nhẹ thì thuế hàng nhập khẩu từ nước ngoài sẽ phải đóng ít thuế hơn cho Nhà nước. NSNN không chỉ mất thuế mà hàng hóa của nước ngoài nhập vào hoàn toàn có thể bán rẻ hơn giá hàng hóa nội địa. Đây là điều phải phân tích kỹ, để người tiêu dùng thấu hiểu. Vì khi nâng thuế GTGT, chắc chắn người tiêu dùng sẽ phản ứng, nhưng việc nâng thuế lại được lợi cho cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như bảo vệ cho việc sản xuất trong nước. Do đó, phải tính đến việc nâng thuế GTGT.
Thế nhưng, khi tăng thuế GTGT, giá hàng hóa bán ra sẽ tăng lên, sẽ phản ứng ngược với mục tiêu kích cầu tiêu dùng, kích cầu kinh tế hiện tại. Ông đánh giá như thế nào?
Dĩ nhiên, chính sách nào cũng cần phải cân nhắc 2 chiều, do đó phải phân tích, đánh giá mặt lợi và hại giữa việc đánh thuế GTGT thấp và cao, có nên nâng thuế hay không.
Người tiêu dùng cần biết rằng, nếu muốn nguồn thu đủ lớn để đảm bảo chi tiêu thì việc đáp ứng nhu cầu về thuế từ các nguồn khác nhau vào NSNN là cần thiết.
Thêm nữa, mức thuế áp dụng ở mức nào thì phù hợp là điều cần phải tính toán kỹ càng.
Vấn đề quan trọng là làm thế nào để cân đối giữa các mặt lợi và hại, để cải cách chính sách thuế phù hợp, lâu dài, không phải chỉ chỉnh sửa một số điểm nhỏ như hiện nay; từ đó, giúp cho thuế Việt Nam phù hợp với thuế chung của thế giới và đảm bảo nguồn thu của NSNN.
Dự thảo bổ sung quy định cụ thể tên các dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%. Dịch vụ xuất khẩu là dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài gồm: Dịch vụ cho thuê phương tiện vận tải được sử dụng ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam; dịch vụ vận tải quốc tế; dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế. Dự thảo bổ sung quy định cụ thể 3 nhóm hàng hóa không được áp dụng thuế suất 0% để luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới luật (Nghị định, Thông tư) gồm: Thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu; xăng, dầu mua tại nội địa bán cho xe ô tô của cơ sở kinh doanh trong khu phi thuế quan; xe ô tô bán cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho cá nhân không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan. Dự thảo cũng đề xuất không áp dụng thuế suất 5% đối với các loại nước uống đóng chai, đóng bình và các loại nước giải khát khác. Quy định thuốc bảo vệ thực vật thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%... |
Xin cảm ơn ông.
Cát Lam