Vietstock - Siêu đòn bẩy trên thị trường chứng khoán (kỳ II): Nhận diện những mã ưa thích của “tổng kho”
Hoạt động của “tổng kho” trên TTCK đang tạo ra những biến động tăng hoặc giảm giá mạnh của không ít mã cổ phiếu. Những mã chứng khoán dễ nằm trong danh mục tổng kho có chung một số đặc điểm và thực ra không khó tìm, nếu chịu hỏi… môi giới.
* Siêu đòn bẩy trên thị trường chứng khoán (kỳ 1): Nỗi sợ hãi mang tên “tổng kho”
3 đặc điểm nhận dạng cổ phiếu hàng “tổng kho”
Nguyễn Hữu P. là một nhà đầu tư cá nhân tại Hà Nội, hiện đang đầu tư cho chính mình kiêm quản lý gần 10 tài khoản cá nhân khác. Tổng quy mô vốn tự có các tài khoản này tính đến hết tháng 6/2017 là gần 250 tỷ đồng.
Trong 3 tháng liên tiếp, từ tháng 7 - 9 vừa qua, tài khoản do P. quản lý liên tục tăng trưởng, giá trị tài sản ròng bật mạnh, vượt rất xa mức bình quân chung của VN-Index. May mắn đã chạm 1 bàn tay lên vai P. khi những cổ phiếu trong danh mục đều tăng giá.
Sử dụng sự hỗ trợ của một số “tổng kho” với mức đòn bẩy tỷ lệ 400% (đặt cọc 20% giá trị giao dịch), một số mã trong danh mục của nhà đầu tư P. tăng giá trên 30% trong thời gian ngắn. Đây là lý do chính giúp P. hưởng siêu lợi nhuận từ các khoản đầu tư của mình.
Thế nhưng, chỉ một đợt giảm giá từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11, tỷ suất lợi nhuận khủng mà P. đạt được giai đoạn 3 tháng trước đó đã… tan thành mây khói.
P không phải là không biết đến cách đa dạng hóa danh mục. Tuy nhiên, do đặc điểm chung các cổ phiếu lựa chọn trong danh mục của P. đều là quy mô vốn hóa lớn, có sóng và thanh khoản cao, các “tiêu chuẩn” này cũng là những tiêu chuẩn được nhà đầu tư ưa thích sử dụng siêu đòn bẩy tại các tổng kho khác.
Khi một mã cổ phiếu giảm giá mạnh, cả nhóm cổ phiếu có liên quan đều bị bán ra để thu hồi nợ, kéo theo hiệu ứng giảm. Với tỷ lệ đặt cọc thấp 20 - 25%, khi giá chứng khoán giảm, nhà đầu tư rất dễ "cháy" tài khoản. Khi 1 mã cháy sẽ lan sang các mã khác, tạo nên phản ứng dây chuyền.
Thanh khoản lớn là một trong những ưu tiên đặc biệt của nhà đầu tư. Với những mã chứng khoán có đủ các yếu tố như mức độ biến động giá lớn, thanh khoản cao, đặc biệt là yếu tố lượng cổ phiếu tự do lưu hành nhiều…, độ rủi ro giá do phụ thuộc vào giao dịch của các “tổng kho” là rất lớn. Thông thường, hoạt động của các tổng kho với các mã này chủ yếu là cho nhà đầu tư vay đầu tư chứng khoán.
Với trường hợp các mã chứng khoán có thanh khoản lớn, lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng nhiều, nhưng biến động giá không quá cao, các tổng kho còn có thêm một nghiệp vụ nữa là cho vay cổ phiếu để nhà đầu tư giao dịch. Mức phí cho vay sẽ phụ thuộc vào từng loại hàng và tùy giai đoạn diễn biến thị trường cũng như biến động của giá cổ phiếu cụ thể.
Bình luận về hoạt động của các tổng kho, một môi giới nổi tiếng trong ngành nói: “Với những mã chứng khoán được nhiều nhà đầu tư vay vốn đầu tư từ các tổng kho, cổ phiếu không giảm giá thì thôi, còn khi có biến động giảm thì xác định là mất đứt 50% thị giá là hết sức bình thường. Cơ hội lãi lớn là có, nhưng trong một vài trường hợp, các kho cũng bị vỡ. Khi đó, cổ phiếu có thể sẽ rất khó tìm thấy đáy và mất trắng là hiển nhiên”.
Không ít mã cổ phiếu có diễn biến thất thường trên sàn chứng khoán. Trong đó, giá một số mã giảm mạnh, bên cạnh câu chuyện sức khỏe của các doanh nghiệp còn có thể vì nhiều nguyên nhân khác mà tổng kho là câu chuyện không loại trừ.
Tổng kho: Anh là ai?
Nhìn danh sách cổ đông mới chốt của một công ty niêm yết, nhà đầu tư Trần Văn M. lắc đầu ngao ngán: “Có tới 5 đầu tổng kho có mặt ở đây, bảo sao giá cổ phiếu không bị tung hứng”.
Danh sách cổ đông của doanh nghiệp trên được lập ít ngày trước khi mã cổ phiếu này lao dốc. Tham khảo các đầu môi giới, nhà đầu tư M. phát hiện, ở phiên tạo đỉnh, cổ phiếu bị một kho bán ra gần 3 triệu đơn vị, với lý do… thu hồi nợ.
Khách hàng của tổng kho này đã bị lỗ ở một mã cổ phiếu khác, nên “người cầm cái” đành thất lễ, bán gấp mã đang nóng để thu vốn về. Phản ứng ngay sau đó là các tổng kho khác liên tiếp bán ra, tạo vòng xoáy cho một đợt giảm lớn của cổ phiếu. Những người nhìn qua sẽ rất khó hiểu, vì sao doanh nghiệp chẳng có gì bất thường, sao giá lại giật mạnh?
“Công đông T.M.T thực ra là một tổng kho có tiếng”, ông M. chia sẻ. Hình thái hoạt động của các tổng kho này là một người “cầm cái” quản lý hàng chục tài khoản mở ở nhiều công ty chứng khoán, nhưng tập trung chủ yếu ở các công ty chứng khoán trong Top 10.
Bình thường, đó là các tài khoản đầu tư, không có dấu hiệu gì sai luật. Nhưng phía sau đó là các hoạt động vay mượn ngầm có lãi suất cao, sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho những nhà đầu tư khát kiếm lãi lớn trong ngắn hạn.
Quan sát từ thị trường cho thấy, những mã chứng khoán thuộc hàng “lướt sóng” đều có sự tham gia rất tích cực của các đầu tổng kho, với số lượng lên tới hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đơn vị mỗi đầu quản lý.
Cơ chế vận hành chung của các tổng kho là dùng nguồn tiền bên ngoài (nhàn rỗi, thường tài trợ bởi ngân hàng và các nguồn tín dụng trôi nổi khác) và lập kho tiền - hàng cho khách hàng vay, mức lãi suất trên 20%/năm.
Hoạt động của các tổng kho gắn bó khá mật thiết với các môi giới tại nhiều công ty chứng khoán, không chỉ ở khâu kết nối cung - cầu khách hàng, mà quan trọng hơn là chia sẻ lợi ích khi phát sinh giao dịch.
Không quá khó để tìm một tổng kho, nhưng nếu không phải là nhà đầu tư lớn, hoặc được mối tin cậy giới thiệu thì nhà đầu tư cá nhân thông thường sẽ chỉ gặp các kho nhỏ. Các đầu tổng kho lớn sẽ chỉ tiếp các “khách sộp”, với số dư giao dịch lên tới hàng triệu cổ phiếu mỗi mã.
Đặc điểm chung các mã chứng khoán trong danh mục tài khoản là thanh khoản cao, hàng tự do nhiều và chủ yếu là không có tên trong danh mục được phép giao dịch ký quỹ. Muốn tiếp cận với các tổng kho, hỏi môi giới là… biết liền.
Tiểu Mai