Vietstock - Siêu đòn bẩy trên thị trường chứng khoán (kỳ 1): Nỗi sợ hãi mang tên “tổng kho”
“Hôm nay một kho bán ra 3 triệu cổ phiếu. Thế là nhà đầu tư hoảng, đồng loạt bán theo, làm giá cổ phiếu giảm sàn”, H, một môi giới chứng khoán nhắn cho khách hàng, giải thích về lý do cổ phiếu mà anh vừa tư vấn cho khách hàng mua trước đó đang đi ngang, bỗng nằm sàn.
Những ngày sau đó, cổ phiếu trên liên tục rơi sàn, bởi việc bán ra của nhiều kho khác. Đây không phải trường hợp cá biệt, bởi thực tế, sự phát triển ngày một sôi động của các “tổng kho” trên thị trường chứng khoán đang góp phần tạo ra rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư.
Siêu lợi nhuận nhờ tổng kho
Không cần quan tâm đó là cổ phiếu nào, miễn có thanh khoản và có 20 - 25% tiền đặt cọc, nhà đầu tư có thể thông qua các tổng kho để mua cổ phiếu. Hình thức khá đơn giản: nhà đầu tư chuyển tiền vào tài khoản của tổng kho phần đặt cọc, phía tổng kho sẽ đặt lệnh giao dịch mua vào. Kỳ hạn vay tiền mua các cổ phiếu này không bị giới hạn, nhưng mức lãi suất khá “chát”: trên 20 - 23% mỗi năm.
Các giao dịch này đều dựa trên niềm tin, khi nhà đầu tư tin tưởng rằng, các khoản ký gửi của mình sẽ an toàn nơi tổng kho. Và trên thực tế, thị trường cũng chưa ghi nhận được trường hợp nào tổng kho “cuỗm” tài sản của khách.
Tổng kho ra đời là đáp ứng cơn khát kiếm lời của một bộ phận nhà đầu tư trong bối cảnh muốn sử dụng đòn bẩy lớn. Trên thực tế, rất nhiều mã chứng khoán có thanh khoản tốt, nhưng lại không nằm trong danh mục cổ phiếu được phép giao dịch ký quỹ của công ty chứng khoán, hoặc nếu có thì ở tỷ lệ thấp, thậm chí chỉ được vay 3 - 5% giá trị giao dịch.
Nếu giả định cổ phiếu tăng giá 20% trong vòng 10 ngày, khi sử dụng giao dịch qua các tổng kho với lãi suất 24%/năm, đặt cọc 20%, nhà đầu tư có thể được hưởng mức lợi nhuận lên tới trên 97%. Đây là một con số cực kỳ hấp dẫn cho các giao dịch đầu tư. Và thông thường, tại thị trường chứng khoán mà các nhà đầu tư coi T+3 là một kỳ hạn đầu tư phổ biến, sự hình thành nên các tổng kho là một loại công cụ tạo nên siêu lợi nhuận cho nhà đầu tư dám liều.
Thế nhưng, sự đời không như là mơ.
Với mức cho vay lên tới 75 - 80% tổng giá trị khoản mua, chỉ cần 1 phiên cổ phiếu sụt giảm mạnh, các nhà đầu tư sẽ bị các tổng kho bán ồ ạt ra thị trường. Trong tình huống này, nhà đầu tư thường có nguy cơ mất trắng, bởi bản thân việc bán cổ phiếu bằng mọi giá đã tạo nên một cú hẫng giá cổ phiếu trên thị trường. Sử dụng đòn bẩy lớn tức là nhà đầu tư đã chấp nhận câu chuyện “được ăn cả, ngã về không” trong các thương vụ.
Những hiểm họa cho thị trường chứng khoán
Cổ phiếu X, với thanh khoản tốt và do đứng ngoài danh sách được phép giao dịch ký quỹ, là một trong những mã chứng khoán được các nhà đầu tư giao dịch ủy thác qua các tổng kho rất nhiều.
Trong đà tăng giá lên tới gần 100% giai đoạn trước, các nhà đầu tư sử dụng tổng kho đạt được mức siêu lợi nhuận.
Nhưng khi dư vị của những trái ngọt từ đợt tăng giá lần trước chưa kịp tan, nhà đầu tư lại bước vào một con sóng mới. Một loạt nhà đầu tư lao vào bắt đáy khi cổ phiếu này giảm giá tới hơn 30% từ mức đỉnh con sóng trước. Những thông tin về tái cấu trúc doanh nghiệp càng khiến nhà đầu tư tự tin. Ở mức giá tưởng chừng không thể giảm hơn nữa, nhà đầu tư bắt đầu dùng vốn từ tổng kho.
Và điều rủi ro nhất đã xảy ra khi mã X bị một tổng kho khác bán ra ồ ạt, vì lý do trong danh mục vay của khách có một mã giảm sàn mất thanh khoản, nên X bị bán để bù đắp khoản vay. Một đợt giảm giá liên tục kéo dài bởi việc các tổng kho lần lượt bán khiến chỉ trong thời gian ngắn, X chỉ còn trên 50% thị giá so với giai đoạn trước. Đà giảm chỉ dừng lại khi các tổng kho ngừng xả hàng vì đã bán xong.
Điều đáng nói trong câu chuyện về sự tồn tại của các tổng kho không phải là việc nhà đầu tư chấp nhận lãi lớn hoặc mất trắng khi sử dụng công cụ siêu đòn bẩy này, mà chính là những hệ lụy đến toàn thị trường. Khi một mã chứng khoán bất ngờ bị chất bán khoảng vài triệu cổ phiếu, người muốn mua sẽ chùn tay lại vì tâm lý thận trọng. Người muốn bán sẽ vội vàng bán ra. Tất cả hỗ trợ cho một đợt giảm dài và thị trường lao dốc.
Bùi Sưởng