Vietstock - Sẽ thu hồi nhà ở xã hội nếu sau 3 tháng cư dân không đến ở
Trước tình trạng nhiều nhà ở xã hội sử dụng sai mục đích, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung tuyên bố sẽ thu hồi nếu không đến ở sau 3 tháng bàn giao nhà. Hiện, các dự án nhà ở xã hội thường xuyên diễn ra tình trạng mua đi bán lại không đúng với quy định của pháp luật.
Một dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội khá vắng cư dân
|
Vẫn còn nhiều nhà ở xã hội sử dụng sai mục đích
Phát triển nhà ở xã hội là chủ trương để hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp có nhà ở. Tuy nhiên, tại TP. Hà Nội, nhiều khu nhà ở xã hội đang bị sử dụng chưa đúng mục đích hoặc không có người ở vì đầu tư không hợp lý và thiếu tính đồng bộ.
Theo kết quả kiểm toán chương trình nhà ở xã hội tại Hà Nội được Kiểm toán Nhà nước công bố hồi năm 2015, một số dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội đã được bàn giao và đưa vào sử dụng, bước đầu tạo được sự quan tâm, tin tưởng của người dân.
Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều hạn chế, trong đó đáng kể là việc triển khai theo kế hoạch và mục tiêu đến năm 2015 so với mục tiêu đưa ra ban đầu chỉ đáp ứng được khoảng 36,7% nhu cầu, 15.500/42.232 căn hộ. Một số dự án thực hiện quy hoạch chưa kịp thời, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật chưa được xây dựng đồng bộ, điển hình là dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp tại ô đất CT1, CT2 khu Đô thị mới Đại Mỗ; dự án tại ô đất có ký hiệu CT thuộc dự án xây dựng khu chức năng đô thị Tây Mỗ; dự án tại ô đất có ký hiệu B4-CT1 và B5-CT2 thuộc quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực Bắc Cổ Nhuế, Chèm; Dự án tại khu tái định cư Kiến Hưng.
Tình trạng mua bán nhà ở xã hội chưa đúng quy định diễn ra khá phổ biến.
|
Tình trạng mua - bán nhà ở xã hội chưa đủ điều kiện đang diễn ra khá phổ biến, thậm chí công khai rao bán trên mạng internet. Người mua lại những căn hộ này theo kiểu “trao tay” sẽ đối diện với rủi ro về pháp lý, còn người bán trót lọt mỗi căn hộ có thể hưởng chênh lệch hàng trăm triệu đồng.
Không khó để tìm kiếm những mẩu tin rao bán, chuyển nhượng căn hộ nhà ở xã hội trên mạng internet. Từ những dự án chưa bàn giao nhà, đến những dự án mới bàn giao gần đây và chưa cấp sổ đỏ cho cư dân, hay những căn hộ đang được vay theo gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng vẫn được rao bán lại. Có khi cùng một người rao bán một lúc nhiều căn hộ nhà ở xã hội khác nhau.
Trước đó, Công an thành phố Hà Nội cũng đã từng kiểm tra và công bố báo cáo về thông tin nhân khẩu tại 9 dự án nhà ở xã hội đã đưa vào sử dụng. Kết quả tại 4/9 dự án nhà ở xã hội cho thấy các dự án đều có vi phạm về mục đích sử dụng căn hộ: 319 căn hộ do đối tượng khác sử dụng (chiếm 6,5%); 441 căn hộ chưa có người sử dụng (chiếm 9%); 5 căn hộ đã sử dụng không phải mục đích để ở (chiếm 0,1%).
Bên cạnh những tồn tại kể trên, nhà ở xã hội tại Hà Nội được cấp tràn lan nên dễ bị lợi dụng, chẳng hạn, có những người mượn hồ sơ mua 2 căn hộ cạnh nhau có vị trí đẹp rồi đập thông thành 1 căn hộ rộng hơn bởi giá bán của nhà ở xã hội rẻ hơn lại được vay vốn hỗ trợ lãi suất thấp theo ưu đãi của nhà nước. Như vậy có thể nói, nhiều người đã lợi dụng chính sách của nhà nước để thu lợi bất chính.
Thu hồi lại nhà ở xã hội nếu sau 3 tháng không đến ở
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì phiên họp tập thể UBND thành phố tháng 3. Tại hội nghị, tập thể UBND thành phố đã xem xét, biểu quyết thông qua nghị quyết về 9 nội dung thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố.
Trong đó có các nội dung về quản lý, sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn; phê duyệt Quyết định ban hành Quy định quản lý bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn…
Tại phiên họp, trước khi tập thể UBND thành phố biểu quyết thông qua từng nội dung nghị quyết, về quy định quản lý bán, cho thuê, mua nhà ở xã hội trên địa bàn, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản đề nghị thành phố cần phải có quy định cụ thể về việc thu hồi nhà ở xã hội nếu vi phạm. Ông Toản đề xuất nếu người mua nhà không về ở sau 3 tháng bàn giao nhà thì sẽ thu hồi, còn đối với các đối tượng có lý do chính đáng thì phải có quy định cụ thể.
Phát biểu tại buổi họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng các quy định hiện nay về quản lý bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố còn lỏng lẻo, đối tượng chưa được xác định rõ.
Do đó, cần phải có quy định chặt chẽ hơn. Phải xác định rõ tiêu chuẩn các đối tượng được mua nhà ở xã hội phải là những người không có điều kiện mua nhà ở thuộc phân khúc nhà ở thương mại có giá trị cao.
Bên cạnh đó cũng cần lưu ý quy định này chỉ được áp dụng với một đối tượng trong gia đình, tránh trường hợp cả vợ cả chồng ở hai cơ quan khác nhau đều nộp hồ sơ xin mua nhà ở xã hội.
Ông Chung khẳng định thành phố sẽ xây dựng cổng thông tin điện tử để người mua nhà đăng ký “xếp hàng” mua công khai, đăng ký theo khu vực, tự đối chiếu tiêu chuẩn và phải chịu trách nhiệm về việc đăng ký đó. Việc giám sát, thanh tra sẽ được giao cho các đơn vị chức năng liên quan. Trường hợp sai nếu phát hiện sẽ tiến hành thu hồi ngay.
Điều 19 Nghị định 100 của Chính phủ về Phát triển và Quản lý nhà ở xã hội nêu rõ: Người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua; chỉ được phép bán lại hoặc cho thuê sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trong thời hạn chưa đủ 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở xã hội, nếu bên mua hoặc thuê mua có nhu cầu bán lại nhà ở xã hội thì chỉ được bán lại cho Nhà nước hoặc bán lại cho chủ đầu tư, hoặc bán lại cho đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội, với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm.
Nhân Hà