Vietstock - Sẽ có nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi
Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, chuẩn bị lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân theo quy định, trước khi chính thức trình Chính phủ, trình Quốc hội. Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi gồm 10 chương, 137 điều.
Theo đại diện lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), căn cứ vào kết quả tổng kết, đánh giá thi hành luật, trên cơ sở Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi đã được Chính phủ thông qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBCKNN đã dự thảo những nội dung cơ bản của Luật Chứng khoán sửa đổi.
UBCKNN đã tổ chức thảo luận nội bộ, tham khảo ý kiến một số chuyên gia, tổ chức, cá nhân có liên quan để tiếp tục hoàn thiện dự án luật theo các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo chất lượng, tiến độ đặt ra.
Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị liên quan tới việc đưa dự thảo luật ra lấy ý kiến rộng rãi cơ bản đã hoàn tất và sẽ sớm công bố, đăng tải nội dung dự thảo.
Ban soạn thảo kỳ vọng sẽ nhận được nhiều ý kiến góp ý mang tính xây dựng, từ đó sẽ bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện trước khi trình Chính phủ, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi luật lần này bám sát các nguyên tắc chỉ đạo quan trọng là: Kế thừa những quy định pháp luật về chứng khoán còn phù hợp với thực tế; sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa được điều chỉnh, quy định còn chưa rõ, bất cập; luật hóa một số quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật hiện hành đã ổn định và phù hợp với thực tế nhằm tạo hiệu lực pháp lý cao hơn; cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK), góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...
So với luật hiện hành, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi ghép hai chương: “Thanh tra và xử lý vi phạm” và “Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và bồi thường thiệt hại” thành một chương “Thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại”, để đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh những nội dung sửa đổi về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ,... dự thảo luật sẽ quy định rõ thống nhất với Luật Doanh nghiệp về phạm vi điều chỉnh hoạt động chào bán chứng khoán. Theo đó, Luật Chứng khoán điều chỉnh hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng, chào bán chứng khoán của công ty đại chúng. Chào bán chứng khoán riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Kỳ vọng Luật Chứng khoán sửa đổi khi được ban hành sẽ góp phần hỗ trợ TTCK phát triển ổn định, bền vững và minh bạch hơn nữa. Ảnh: MD
|
Cùng với đó, dự thảo cũng sẽ có những bổ sung, sửa đổi về quy định đối với công ty đại chúng như: điều kiện trở thành công ty đại chúng; hồ sơ công ty đại chúng; quyền và nghĩa vụ của công ty đại chúng; chào mua công khai; quản trị công ty đại chúng;...
Đối với các quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng, dự thảo luật cũng có những sửa đổi, bổ sung cơ bản để đảm bảo tính rõ ràng, phù hợp và khả thi hơn.
Cũng trong dự thảo luật lần này, ban soạn thảo đã sửa đổi bổ sung về mô hình tổ chức của sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp, đồng thời cũng tính đến các yếu tố đặc thù trong thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể của SGDCK bảo đảm cho SGDCK thực hiện tốt chức năng tổ chức và giám sát hoạt động giao dịch chứng khoán. Hoạt động của SGDCK thực hiện theo quy định của Luật Chứng khoán.
Song song với đó, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, dự thảo luật đã sửa đổi tên gọi của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thành Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ thanh toán chứng khoán Việt Nam. Tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ thanh toán chứng khoán Việt Nam được sửa đổi, bổ sung tương tự như SGDCK.
Ngoài ra, dự thảo luật lần này cũng sẽ có những điểm sửa đổi, bổ sung về các quy định liên quan tới công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; về công bố thông tin; về thanh tra, xử lý vi phạm...
Theo dự kiến kế hoạch, Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội cho ý kiến vào quý II/2019; và trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua vào quý IV/2019.
Sau khi Luật Chứng khoán sửa đổi được thông qua và đi vào thi hành trên thực tiễn, với một hệ thống pháp luật hoàn thiện, kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy TTCK phát triển ổn định, bền vững, đảm bảo tính công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư./.
Duy Thái