Vietstock - SCS: Giá cổ phiếu tăng gấp đôi sau 5 tháng chào sàn, cổ đông lớn và Ban lãnh đạo tích cực giao dịch
Ba phiên gần đây 27-29/11, giá cổ phiếu SCS vượt mốc 120,000 đồng/cp, tăng hơn 130% so với giá tham chiếu và hiện đã lùi dần về mức 115,000 đồng/cp.
Thời gian gần đây, cổ đông lớn và người nội bộ liên tục tiến hành mua bán cổ phiếu SCS.
|
Theo thông báo gần nhất, cổ đông sáng lập của CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (UPCoM: SCS) là CTCP Thương mại Dịch vụ Đầu tư Sài Gòn Hàng không đã mua vào 1.26 triệu cp SCS trong ngày 27/11/2017, nâng tỷ lệ sở hữu tại SCS lên 9.2% (gần 5.26 triệu cp) sau giao dịch.
Ước tính tại mức giá đóng cửa cổ phiếu SCS chốt phiên 27/11 ở mức gần 120,300 đồng/cp, Thương mại Dịch vụ Đầu tư Sài Gòn Hàng không phải bỏ ra hơn 151 tỷ đồng để gom số cổ phiếu nói trên.
Động thái mua vào của Thương mại Dịch vụ Đầu tư Sài Gòn Hàng không được thực hiện ngay sau khi công ty này vừa bán ra hơn 1.7 triệu cp SCS vào ngày 20/11/2017.
Cả hai giao dịch mua-bán của Thương mại Dịch vụ Đầu tư Sài Gòn Hàng không đều được thực hiện nhằm mục đích chuyển nhượng. Bên nhận chuyển nhượng cũng như bên chuyển nhượng còn lại hiện vẫn chưa được công bố.
Cũng trong nửa cuối tháng 11, CTCP Đầu tư Á Châu - một công ty do Ủy viên HĐQT SCS là bà Nguyễn Thị Ngọc làm Tổng Giám đốc - đã thoái hết hơn 1.27 triệu cp SCS, tương đương 2.23% vốn.
Bên cạnh các tổ đông lớn tổ chức, Ban lãnh đạo SGS cũng liên tục đăng ký bán và bán ra cổ phiếu đang sở hữu tại Công ty, tuy nhiên số lượng giao dịch chỉ dao động trong khoảng vài ngàn tới vài chục ngàn cổ phiếu.
Tổng hợp giao dịch của cổ đông lớn và người nội bộ từ khi lên UPCoM
Được biết, cả Thương mại Dịch vụ Đầu tư Sài Gòn Hàng không và Đầu tư Á Châu đều là 2 trong số 6 cổ đông sáng lập của SCS. Trong đó, Thương mại Dịch vụ Đầu tư Sài Gòn là một trong 3 cổ đông lớn tính đến ngày chào sàn. Hai cổ đông lớn còn lại là Gemadept (GMD, 34.55%) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV, 14.05%). Hiện SCS không có nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Bản công bố thông tin, SCS được thành lập tháng 4/2008 với vốn điều lệ ban đầu 300 tỷ đồng. Đến nay Công ty có vốn điều lệ đăng ký và thực góp hơn 533.7 tỷ đồng, tương ứng khoảng 53.37 triệu cp. Số cổ phần đăng ký giao dịch chiếm 87% tổng số cổ phần thực góp của Công ty, trong số đó có gần 5.4 triệu cp đang thuộc dạng bị hạn chế giao dịch. Phần còn lại 7.19 triệu cp chưa đăng ký giao dịch là số cổ phiếu ưu đãi cổ tức.
SCS đang sở hữu và khai thác nhà ga hàng hóa hàng không với tổng diện tích hơn 14 ha tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Công ty cung cấp 3 dịch vụ chính gồm cho thuê sân đậu máy bay, khai thác nhà ga hàng hóa và cho thuê văn phòng, bãi đậu xe. Sân đậu máy bay có diện tích vào khoảng 52,400 m2, trong khi khu vực nhà ga có khả năng xử lý hàng hóa lên đến 350,000 tấn/năm.
Ngày 12/07/2017, hơn 46 triệu cp SCS chính thức chào sàn UPCoM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 52,000 đồng/cp. Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, SCS nhận được lượng đặt mua rất lớn nhưng chỉ có vỏn vẹn 200 cổ phiếu được khớp tại mức giá trần 72,800 đồng/cp.
Ba phiên gần đây 27-29/11, giá cổ phiếu SCS vượt mốc 120,000 đồng/cp, tăng hơn 130% so với giá tham chiếu và hiện đã lùi dần về mức 115,000 đồng/cp. Khoảng thời gian nửa cuối tháng 11 khi giá cổ phiếu tăng mạnh cũng là thời gian các cổ đông sáng lập SCS liên tục giao dịch mua bán cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu SCS từ khi lên UPCoM
Nguồn: VietstockFinance
|
Về kết quả kinh doanh, doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2017 của SCS đạt hơn 421 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Các chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm, qua đó đẩy lãi ròng tăng 37% lên 254 tỷ đồng.
Năm 2017, SCS đặt kế hoạch đạt 560 tỷ đồng doanh thu và 320 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Công ty dự kiến tổng sản lượng hàng hóa thực hiện trong năm 2017 đạt 180,600 tấn, tăng 11% so với năm 2016; diện tích mặt bằng cho thuê dự kiến là 6,300 m2.
Tỷ lệ cổ tức SCS đã chi trả trong năm 2015 là 25%, năm 2016 là 45%, dự kiến năm 2017 là 30%.
Thu Phong