Vietstock - Sau điều chỉnh, bảng giá đất TPHCM vẫn thấp hơn thực tế
Quyết định 30/2017 điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất tại 15 quận, huyện trên địa bàn TPHCM vẫn đưa ra mức giá đất tại nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố thấp hơn nhiều lần so với thực tế.
UBND TPHCM vừa ban hành Quyết định số 30/2017 điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất ở được ban hành kèm theo Quyết định số 51/2014 ngày 31-12-2014 về giá các loại đất trên địa bàn TPHCM áp dụng từ ngày 1-1-2015 đến ngày 31-12-2019.
Theo đó, TPHCM đổi tên, chỉnh đoạn, điều chỉnh giá đất nhiều tuyến đường trên địa bàn các quận 2, 6, 9, 10, 11, Thủ Đức, Phú Nhuận, Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp, Hóc Môn, Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè.
Điều đáng nói, theo bảng giá đất bổ sung ban hành kèm theo Quyết định 30, giá đất tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường. Tại nhiều điểm nóng đất đai thuộc khu Đông TPHCM như quận 2, quận 9, giá đất chỉ khoảng vài triệu đến hơn chục triệu đồng mỗi mét vuông.
Đường Nguyễn Thị Định (quận 2) chỉ được định giá từ 7,5 triệu đồng đến 9,8 triệu đồng/m2; đường Song Hành đoạn từ Trần Não đến Mai Chí Thọ giá 15 triệu đồng/m2. Trong khi đó, theo khảo sát của công ty định giá đất Gạch Vàng, hai con đường này có giá thị trường không dưới 70 triệu đồng/m2.
Tại quận 9, đường Võ Chí Công, đoạn từ cầu Bà Cua đến cầu Phú Hữu chỉ có giá 4,2 triệu đồng/m2 so với mức 15-20 triệu đồng/m2 trên thị trường.
Tương tự, tại khu Nam, đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), mức giá áp dụng đền bù chỉ từ 2,4 triệu đồng đến 4,2 triệu đồng/m2. Gíá đất thị trường của con đường này cũng cao hơn gấp nhiều lần, dao động từ 20-35 triệu đồng/m2.
Tại một số con đường trung tâm quận Phú Nhuận như Hồng Hà, Nguyễn Công Hoan, mức giá theo quyết định 30 cũng chỉ dao động từ 13,8 triệu đống đến 30 triệu đồng/m2. Tại quận 10, giá đất cũng chỉ dao động từ 22-23,4 triệu đồng/m2.
Theo Luật Đất đai, Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần, nếu giá đất phổ biến trên thị trường tăng hoặc giảm 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giá tối thiểu thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất. Khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất thì thì UBND cấp tỉnh cũng điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.
UBND cấp tỉnh được quy định mức giá cao hơn nhưng không quá 30% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất. Trong trường hợp quy định mức giá cao hơn 30% thì phải báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định.
Về điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với thực tế thị trường, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã nhiều lần phản ánh. "Từ năm 2003-2013, và từ 1-7-2014 đến nay, chưa có trường hợp nào Chính phủ điều chỉnh khung giá đất, hoặc UBND cấp tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh bảng giá đất, mặc dù giá đất đã có nhiều biến động, nhất là trong giai đoạn thị trường bất động sản trải qua thời điểm bong bóng năm 2007, năm 2010 và giai đoạn đóng băng 2008-2009, 2011-2013", Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nói.
HoREA nhận xét, trên thực tế, bảng giá đất của TPHCM ban hành theo khung giá đất của Chính phủ quy định ngay tại thời điểm năm 2015 thì cũng chỉ bằng khoảng 30% giá đất thị trường. Điều này cho thấy sự bất cập của cơ chế khung giá đất - bảng giá đất cần phải được thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Việc định giá đất thấp hơn thực tế là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài, làm tổn hại về kinh tế trong quá trình đầu tư phát triển, làm mất tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, tăng khiếu kiện của dân về giá đất. Giá đất trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn nhiều lần so với thực tế cũng làm Nhà nước thất thu một lượng lớn tiền thuế.
HoREA kiến nghị bỏ quy định Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần, đồng thời, giao toàn quyền cho UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất để đảm bảo thực hiện nguyên tắc giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.