Vietstock - Sân vận động Chi Lăng được bán 'thần tốc' như thế nào?
Sân Chi Lăng được bán rồi xẻ ra nhiều lô đất nhỏ, để Tập đoàn Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh dễ dàng đem đi cầm ngân hàng vay vốn, cho thấy sự dễ dãi trong việc bán nhà đất công ở Đà Nẵng.
Đã 8 năm trôi qua nhưng dự án khu phức hợp tại khu đất sân vận động Chi Lăng vẫn án binh bất động - Ảnh: HỮU KHÁ
|
Đã 8 năm trôi qua nhưng dự án khu phức hợp thương mại, dịch vụ tại khu đất sân vận động Chi Lăng vẫn án binh bất động, tạo nên khung cảnh nhếch nhác ngay giữa trung tâm Đà Nẵng.
Nhanh bất ngờ
Ngày 13-9-2010, Hội đồng thẩm định giá đất Đà Nẵng đã báo cáo và trên cơ sở ý kiến thống nhất kết luận của chủ tịch và các phó chủ tịch, văn phòng UBND TP đã lập thủ tục, trình lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng xem xét ban hành quyết định quy định giá đất để kêu gọi đầu tư dự án khu phức hợp thương mại, dịch vụ tại khu đất sân vận động Chi Lăng.
Theo đó, quy định giá đất (đơn giá đất ở), thời hạn sử dụng đất lâu dài đối với khu đất có diện tích 55.061m2 để kêu gọi đầu tư là 25,3 triệu đồng/m2.
Việc bán sân vận động Chi Lăng diễn ra nhanh một cách bất ngờ. Ngày 7-10-2010, Công ty Quản lý khai thác đất có báo cáo do không có đơn vị khác tham gia đầu tư dự án, vì vậy UBND TP Đà Nẵng đồng ý chủ trương cho phép Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh được đầu tư vào dự án theo đơn giá chuyển quyền sử dụng đất.
Điều kiện đặt ra là trong trường hợp chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất một lần trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất (đối với phần diện tích 55.061m2) thì được giảm 10% tiền sử dụng đất.
Cùng với đó, UBND TP Đà Nẵng đồng ý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Tập đoàn Thiên Thanh trong vòng 10 ngày kể từ ngày nộp đủ tiền sử dụng đất vào ngân sách đối với diện tích 45.861m2.
Đối với phần diện tích phía bắc và nam khu đất (9.200m2), UBND TP sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Tập đoàn Thiên Thanh trong vòng 6 tháng kể từ ngày nộp đủ tiền sử dụng đất.
Nhưng sau đó, ngày 25-11-2010, Công ty Quản lý và khai thác đất lại có báo cáo về việc liên quan đến nộp tiền sử dụng đất đối với dự án. Nếu nộp đủ tiền sử dụng đất trong vòng 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng thì được giảm 10% số tiền sử dụng đất phải nộp.
Xé lẻ đất giao cho 10 công ty
Đến ngày 18-1-2011, Sở TN-MT Đà Nẵng có báo cáo về việc đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đơn vị thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh, văn phòng UBND TP đã lập thủ tục, trình lãnh đạo UBND TP xem xét ban hành quyết định 704 về việc phê duyệt sơ đồ ranh giới chuyển quyền sử dụng đất khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại sân vận động Chi Lăng.
UBND TP Đà Nẵng phê duyệt sơ đồ ranh giới chuyển quyền sử dụng đất và chuyển cho 10 công ty thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh; giao Sở TN-MT căn cứ ranh giới chuyển quyền sử dụng đất được duyệt, lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10 công ty thành viên.
Ngày 21-1-2011, Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh có tờ trình về việc liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, văn phòng UBND TP đã lập thủ tục, trình UBND TP xem xét ban hành công văn 542. Theo đó, giao Sở TN-MT trực tiếp lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10 công ty thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh theo quyết định 704.
Ngày 27-1-2011, Sở TN-MT có báo cáo về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất cho 10 công ty, sau đó UBND TP đã ký cấp 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 28-1-2011 cho 10 công ty.
Điều đáng nói ở đây là khu đất này để xây dự án thương mại dịch vụ nhưng lại được UBND TP Đà Nẵng bán theo giá đất ở và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời hạn lâu dài.
Chia nhỏ đất để dễ huy động vốn
Tại một phiên họp HĐND TP Đà Nẵng, trả lời về vụ xẻ sân vận động Chi Lăng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết năm 2010 TP thống nhất kêu gọi đầu tư xây dựng khu phức hợp tầm cỡ ở khu đất sân vận động Chi Lăng.
Sau thời gian kêu gọi, chỉ có Thiên Thanh xin đầu tư nên TP thống nhất giao khu đất này cho Thiên Thanh thực hiện dự án. Đến năm 2011, Thiên Thanh có văn bản chính thức đề nghị cho phép huy động đầu tư.
Theo ông Tuấn, đây là dự án có vốn đầu tư lớn, chính vì vậy để giải quyết nguyện vọng của nhà đầu tư cũng như muốn thúc đẩy dự án đúng tiến độ, sau khi cân nhắc lãnh đạo TP thống nhất giao quyền sử dụng đất cho 10 đơn vị thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh để huy động vốn sớm thực hiện dự án theo đúng tiến độ thời gian đã cam kết.
Tuy nhiên, thời gian gần đây lãnh đạo Thiên Thanh bị điều tra vì liên quan đến vấn đề tài chính.
Ông Trần Văn Lĩnh, nguyên đại biểu HĐND TP Đà Nẵng, nói: "Tôi được biết là toàn bộ khu đất đó chia ra, Tập đoàn Thiên Thanh đem 10 lô nhỏ cầm cố tại ngân hàng. Ví dụ sau này theo Luật dân sự ngân hàng đem ra phát mãi bán đấu giá thu hồi vốn, TP có xử lý được không?".
Về vấn đề này, ông Tuấn nói: "Việc Tập đoàn Thiên Thanh đang bị điều tra tài chính không ảnh hưởng việc thực hiện dự án. Tuy nhiên, UBND TP yêu cầu cơ quan điều tra ghi nhận hai việc là không cho phép chuyển nhượng dự án dưới bất cứ hình thức nào, không được phát mãi nếu các ngân hàng đặt vấn đề. Quan điểm của TP là khu thương mại tổng hợp liên hoàn chứ không được xây dựng manh mún".
Đề nghị "không được chuyển nhượng dự án"! Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết vừa qua TP có họp đề nghị nhà đầu tư làm khu liên hoàn, không được chuyển nhượng dự án dưới bất cứ hình thức nào, yêu cầu đảm bảo đúng tiến độ. Nếu nhà đầu tư không thực hiện, căn cứ Luật đất đai thu hồi dự án. |
NHÓM PHÓNG VIÊN