Báo cáo Đoàn giám sát của HĐND TP.HCM (HM:HCM) trong chuyến thực địa khảo sát các hướng thoát nước của sân bay Tân Sơn Nhất diễn ra ngày 22.5, ông Hứa Quốc Hưng, Phó chủ tịch UBND Q.Tân Bình, cho biết bên trong sân bay Tân Sơn Nhất hiện có 10 đơn vị đang khai thác, mỗi đơn vị lại xây dựng một hệ thống thoát nước riêng, không kết nối với nhau, dẫn đến thiếu đồng bộ.
Tại một số khu vực, địa hình ở sân bay cao hơn bên ngoài nhưng đáy cống thoát nước lại thấp hơn hệ thống cống thoát nước bên ngoài, khiến nước dồn về gây ngập khi mưa lớn.
Tắc từ trong ra ngoài
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án Cải tạo kênh Hy Vọng đã được UBND TP tách thành dự án riêng, ghi vốn kế hoạch năm 2018 cho UBND Q.Tân Bình thực hiện để đẩy nhanh tiến độ dự án. Ban này đang đề xuất UBND TP cho phép lập chủ trương đầu tư dự án Cải tạo kênh Hy Vọng bằng nguồn ngân sách TP với tổng mức đầu tư khoảng 150 tỉ đồng. |
Trong khi hệ thống thoát nước bên trong không đảm bảo, cả 3 hướng thoát nước chính phía ngoài sân bay cũng đang “khốn khổ” vì rác bủa vây, lấn chiếm lòng kênh, mương. Ghi nhận thực tế cho thấy hướng thoát nước về phía bắc qua kênh Hy Vọng, đoạn chảy qua đường Phan Huy Ích (P.15, Q.Tân Bình) ngập kín rác. Khu vực mương A41 đoạn chảy qua khu dân cư P.4, Q.Tân Bình cũng trong tình trạng tương tự. Kết cấu bờ mương và lòng mương trước đây là 8 m và 6 m, sâu 3,5 m nhưng hiện nay có những chỗ chỉ còn chưa đến 0,5m.
Dự án cấp bách “giậm chân tại chỗ”
Theo kế hoạch, dự án cải tạo mương A41 dự kiến khởi công vào cuối năm 2017, hoàn thành năm 2018. Tuy nhiên, đến nay công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án này vẫn chưa hoàn thành. Đại diện UBND Q.Tân Bình cho biết việc giải tỏa tương đối khó khăn do hầu hết đất trong khu vực này là đất được cấp cho gia đình quân nhân, rất phức tạp về pháp lý. Có nhiều trường hợp lòng kênh “nằm gọn” trong nhà dân. Trong khi đó, dự án cải tạo kênh Hy Vọng được UBND TP chỉ đạo thực hiện cấp bách từ năm 2013 nhưng phải đến năm 2016, thiết kế cơ sở của dự án mới được UBND TP phê duyệt. Tưởng chừng dự án sẽ được khởi công đúng như kế hoạch, nhưng việc Ngân hàng Thế giới (WB) ra thông báo dừng hỗ trợ 400 triệu USD cho dự án “Quản lý rủi ro chống ngập cho TP.HCM” khiến việc cải tạo kênh Hy Vọng đi vào bế tắc.
Rác ngập kín kênh Hy Vọng, 1 trong 3 đường thoát nước chính của sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: H.Mai
|
Quá sốt ruột, ngày 5.4 vừa qua, Cảng vụ hàng không Miền Nam đã có văn bản kiến nghị TP đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Cải tạo kênh Hy Vọng để giải quyết thoát nước, chống ngập úng cho sân bay. Đại diện Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cho biết hiện bên trong khu vực sân bay quản lý, toàn bộ hệ thống mương, máng thoát nước đều đã được nạo vét đầy đủ, sạch sẽ trước mùa mưa theo các hướng thoát. Do hệ thống thoát nước bên ngoài đang hẹp, mấy năm nay cảng đã phải huy động một số máy bơm nhỏ hỗ trợ thoát nước tại một số hướng thoát khó. Để đảm bảo sân bay thoát ngập, quan trọng nhất vẫn là cải thiện hướng thoát bên ngoài qua các kênh.
GS-TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường - Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng mùa mưa đã tới, có bắt đầu thực hiện các dự án cải tạo ngay từ bây giờ cũng không thể kịp chống ngập cho sân bay. Vì vậy, trước mắt cần có các giải pháp tạm thời như khơi thông, nạo vét bùn cát tất cả dòng chảy nhỏ, bằng cả biện pháp thủ công lẫn máy móc. Song song đó, cần nhanh chóng hoàn thiện các dự án đã có trong quy hoạch. Nghiên cứu giải tỏa, mở rộng các đường thông phía bắc vì đây là khu vực chứa rất nhiều kênh rạch cũ đang bị bồi lấp, cản dòng chảy thoát nước của sân bay hiện nay.